itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Gương mặt / Tỷ phú hàng không của Ấn Độ

Tỷ phú hàng không của Ấn Độ

Từ một nhân viên có thâm niên trong ngành công nghiệp hàng không, Naresh Goyal bắt đầu bước vào kinh doanh dịch vụ hàng không với tham vọng chiếm lĩnh thị trường hàng không của Ấn Độ.

Năm 1991, Chính phủ áp dụng chính sách phát triển hàng không mang tên Open Skies Policy, Naresh Goyal trở thành người tiên phong biến chính sách này thành hiện thực khi thành lập hãng hàng không Jet Airways.
Trải qua nhiều năm tháng đưa Jet Airways đi hết thành công này tới thành công khác, Naresh Goyal góp phần to lớn vào phát triển ngành công nghiệp hàng không của Ấn Độ, đồng thời ghi tên mình vào bản danh sách những doanh nhân giầu nhất thế giới với số tài sản cá nhân trị giá 1,3 tỷ USD.
Thông qua những chương trình hợp tác mở rộng khai thác thị trường hàng không với các đối tác nước ngoài, Jet Airways dần khẳng định được vị trí và sau đó vươn lên thành một thế lực hùng mạnh trong lĩnh vực hàng không Ấn Độ và khu vực.
Sở hữu các loại máy bay hiện đại từ Boeing 737, 777, 787,.... tới nay, Jet Airways đang khai thác trên 44 đường bay nội địa và 8 đường bay quốc tế, đảm bảo phục vụ hành khách số lượng 330 chuyến bay mỗi ngày tới 50 tỉnh thành trong nước và 5 điểm ở ngoài nước, tổng thu nhập hãng lên tới hàng chục tỷ Đô la mỗi năm.
Làm việc để học tập kinh nghiệm thực tế
Sinh năm 1949 trong một gia đình nghèo tại Ấn Độ, trong những năm thập niên 50, đất nước Ấn Độ vẫn là một quốc gia nông nghiệp lạc hậu, bố mẹ Naresh Goyal chỉ là những nông dân thuần tuý, thu nhập của cả gia đình chủ yếu dựa vào đồng ruộng.
Có lẽ do quá vất vả, bố của Naresh Goyal đã bị bệnh nặng và qua đời khi cậu mới tròn 10 tuổi. Sự kiện này làm cho cuộc sống của cả gia đình vốn đã vất vả lại càng thêm vất vả hơn, và từ đây Naresh Goyal cũng phải chịu cuộc sống mồ côi và thiếu sự dạy dỗ của người cha.
Tốt nghiệp trung học, Naresh Goyal thi đỗ vào trường đại học thương mại. Trong 4 năm học tập, ngoài thời gian học tập trên lớp, Naresh Goyal dành hầu hết thời gian vào nghiên cứu các loại sách liên quan tới lĩnh vực kinh doanh và thương mại. Năm 1967, tốt nghiệp đại học loại giỏi, Naresh Goyal xin vào làm việc cho công ty chi nhánh của hãng hàng không Lebanese International Airlines với mức lương tương đương 25 USD/tháng.
Dù hoạt động chính là dịch vụ hàng không nhưng bằng những nỗ lực của người chú, công ty đã mở rộng hoạt động sang cả lĩnh vực giải trí và nắm trong tay một số rạp chiếu phim và rạp hát. Vốn ham học hỏi, thông minh cộng thêm sự nhiệt tình trong công việc, một thời gian sau khi vào làm tại công ty, Naresh Goyal được chuyển tới làm công tác quản lý kiêm kế toán ở một số rạp hát và rạp chiếu phim.
Tiếp xúc với môi trường công việc hoàn toàn mới mẻ, Naresh Goyal phải vừa làm vừa học tập từ mảng marketing tới các khâu chi tiêu tài chính. Bằng cách thức điều hành chặt chẽ, các chi nhánh do Naresh Goyal điều hành đã thực sự phát huy được hiệu quả và mang về cho công ty nhiều khoản lợi nhuận ổn định.
Càng đi sâu kinh doanh thực tế, Naresh Goyal càng bị cuốn hút đồng thời cũng thấy được những khoảng trống trong kiến thức và kinh nghiệm của mình. Do đó, Naresh Goyal xin chuyển sang làm tại bộ phận dịch vụ hàng không. Một thời gian sau, Naresh Goyal được chuyển tới làm việc tại trụ sở chính của Lebanese International Airlines.

Trong thời điểm này, công ty đã mở rộng mạng lưới phân phối dịch vụ tại một số quốc gia trong khu vực nên từ khi chuyển sang công việc mới, Naresh Goyal thường xuyên có điều kiện thực hiện các chuyến công cán sang nhiều quốc gia. Đảm nhiệm công việc phát triển được các loại hình dịch vụ của công ty sang các thị trường mới đồng thời thiết lập được quan hệ hợp tác với các hãng hàng không.
Với tinh thần ham học hỏi và năng khiếu kinh doanh trời phú, Naresh Goyal hoàn thành nhiệm vụ ngoài sức mong đợi. Hàng loạt các đầu mối liên kết với các hãng hàng không lớn của các quốc gia đã trở thành đối tác của Lebanese International Airlines.
Nhà quản lí tài năng
Từ những thành công đã mang lại cho Lebanese International Airlines, Naresh Goyal được đảm nhận vị trí người quản lí. Bắt đầu từ thời điểm này tên tuổi của cá nhân Naresh Goyal được nhiều hãng hàng không khác biết đến.
Hướng tới mục tiêu mở rộng thị trường sang các quốc gia và khu vực, nhiều hãng hàng không đang cần những nhà quản lí tài năng và có thâm niên kinh nghiệm thực tế như Naresh Goyal. Lần lượt Naresh Goyal được mời đảm nhận vị trí nhà quản lí cho Gulf Aire, Kuwaiti, Royal Jordanian Airlines, Middle Eastern Airline và Phillippines Airlines. Tại các vị trí công việc đó, Naresh Goyal đều đưa ra và tiến hành thành công nhiều chiến lược kinh doanh, mang lại nhiều nguồn lợi doanh nghiệp.
Tới những năm thập niên 70, ngành dịch vụ hàng không quốc tế bước vào giai đoạn phát triển nhanh, tuy nhiên, tại đất nước Ấn Độ - một thị trường đầy tiềm năng, lĩnh vực này vẫn còn chưa có được sự phát triển tương xứng. Từ những đánh giá cụ thể của mình, Naresh Goyal quyết định xây dựng doanh nghiệp tư nhân khai thác thị trường Ấn Độ sau đó sẽ mở rộng sang khai thác tại thị trường các nước. Năm 1974, Naresh Goyal thành lập Công ty dịch vụ hàng không Jetair Limited.
Là một doanh nghiệp mới, trong giai đoạn đầu, Naresh Goyal chủ yếu hướng Jetaire Limited vào liên kết, phát triển dịch vụ với các hãng hàng không ngoại quốc. Thông qua các mối quan hệ sau một thời gian dài làm việc trong lĩnh vực hàng không, Jetair Limited tìm kiếm được nhiều bản hợp đồng nhận đại diện quảng cáo, phân phối cho hãng hàng không Air France, Austrian Airlines và Cathay Pacific tại Ấn Độ.
Mặc dù đứng đầu công ty song bên cạnh việc hoạch định ra các chương trình phát triển hệ thống phân phối dịch vụ chung cho doanh nghiệp, Naresh Goyal còn phải trực tiếp tham gia vào công việc bình thường như đặt vé, xuất vé, bán vé và marketing...Dựa trên những kinh nghiệm và kiến thức chuyên sâu sau nhiều năm tích luỹ được, Naresh Goyal luôn cố gắng dành thời gian hướng dẫn cho đội ngũ nhân viên những nội dung kiến thức cơ bản của ngành dịch vụ hàng không.
Đặc biệt, được sinh ra và lớn lên tại quê hương Ấn Độ, vốn hiểu biết của Naresh Goyal về thị trường cũng như nguồn khách đã trở thành một thế mạnh riêng biệt của Jetair Limited. Từ đầu mối Jetair Limited, Air France, Austrian Airlines và Cathay Pacific dần tạo được chỗ đứng và uy tín vững chắc tại Ấn Độ.
Càng đi sâu vào khai thác thị trường, càng thấy được nguồn tiềm năng dồi dào của thị trường hàng không trong nước và Naresh Goyal bắt đầu tính tới việc xây dựng một hãng hàng không tư nhân. Tuy nhiên, do chưa đủ yếu tố thuận lợi hay nói đúng hơn là chưa có được sự khuyến khích phát triển của chính phủ, Naresh Goyal chưa thể thực hiện được dự định đó.

Sau đúng 17 năm thành lập Jetair Limited, năm 1991, cơ hội ngàn năm có một đã đến với Naresh Goyal khi chính phủ ban hành chính sách phát triển ngành dịch vụ hàng không Open Skies Policy, theo đó, khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân đầu tư mở rộng hoạt động. Dồn tất cả các nguồn lực hiện có trong tay, Naresh Goyal thành lập nên Công ty hàng không mang tên Jet Airways.
Thấy được những khó khăn trong môi trường kinh doanh mới với sức ép cạnh tranh rất lớn từ các hãng hàng không quốc tế trên thị trường Ấn Độ nên công việc xây dựng kế hoạch ngay từ ban đầu được hết sức coi trọng.
Đích đầu tiên trong kế hoạch phát triển Jet Airways là từng bước ổn định và khuyếch trương hoạt động chiếm lĩnh thị trường nội địa. Từ một số lượng nhỏ thế hệ máy bay Boeing 737, Naresh Goyal tiến hành chương trình liên kết phát triển và khai thác một số đường bay nội địa mới với Hãng hàng không Gulf Air. Tổng số lượng máy bay đưa vào hoạt động đã tăng lên đến gần 50 chiếc.
Dựa trên thế mạnh về khả năng hiểu biết thị trường, các chương trình marketing mở rộng cộng thêm những ưu thế về phương tiện, trang thiết bị của Gulf Air, Naresh Goyal nhanh chóng thiết lập được các đường bay mới cho riêng Jet Airways.
Do doanh nghiệp mới được thành lập, vấn đề nhân sự giữ vai trò rất quan trọng, do đó, thông qua mối quan hệ với nhiều hãng hàng không trước đây, Naresh Goyal lựa chọn và tìm kiếm và thuê về được một số các nhà quản lý, kỹ sư, phi công tài năng. Thông qua các chế độ ưu đãi hậu hĩnh, tài năng của những hạt nhân này góp phần không nhỏ vào sự phát triển của Jet Airways ngay từ giai đoạn đầu.
Kiến tạo và đưa Jet Airways đến với thế giới
Nhằm tạo uy tín trước khách hàng và sự vượt trội về chất lượng trước các đối thủ, Naresh Goyal tranh thủ thời gian tham gia trên các chuyến bay của hãng, sử dụng thử các dịch vụ từ đồ ăn, đồ uống, thậm chí cả nhà các công trình vệ sinh trên máy bay, theo dõi cung cách, thái độ phục vụ của nhân viên sau đó tham khảo ý kiến đóng góp phản hồi của khách hàng và đưa vào điều chỉnh.
Nhờ những bước đi đó, số lượng khách sử dụng dịch vụ của Jet Airways trong 2 năm đầu tiên đã đạt con số 730.000 người. Trên đà phát nhanh của Jet Airways, Naresh Goyal tiếp tục ký kết bản hợp đồng liên kết với Hãng hàng không Air Sahara để cùng hướng tới chương trình vươn ra thị trường các nước trong và ngoài khu vực. Tới năm 2006, sau nhiều năm hợp tác, Jet Airways đã mua đứt Air Sahara với mức giá chuyển nhượng 500 triệu USD.
Trên cơ sở những thành công đạt được tại thị trường nội địa, Naresh Goyal bắt tay vào nghiên cứu chương trình xây dựng các đường bay quốc tế. Đầu tiên, Naresh Goyal triển khai chương trình thu hút vốn đầu tư của các cá nhân và doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp hàng không nước ngoài thông qua hình thức kêu gọi sự tham gia của các cổ đông.
Tiếp đến, Naresh Goyal đầu tư các khoản tài chính lớn vào mua đồng loạt nhiều loại máy bay hiện đại phục vụ cho các hành trình dài như ATR 72-500, Airbus A330-300, Boeing 777, Boeing 787. Nhìn thấy tiềm năng phát triển lớn, hàng loạt hãng hàng không lớn như Air France, American Airlines, Austrian, British Airways, Brussels Airlines, Gulf Air, Lufthansa, Northwest Airlines, Qantas, South African Airways, Swiss International Airlines, Thai Airways International đã ký các bản hợp đồng liên kết với Jet Airways. Hiện nay, máy bay của Jet Airways có mặt ở hầu hết các sân bay lớn trong và ngoài nước Ấn Độ.
Cùng với những thành công to lớn của Jet Airways, Naresh Goyal đã góp phần không nhỏ vào công cuộc phát triển và đưa ngành hàng không của Ấn Độ đến với thế giới. Khâm phục tài năng và những cống hiến to lớn đó, người dân Ấn Độ đã tôn vinh ông là “Phillip Green của Ấn Độ”. Naresh Goyal từng được nhận nhiều giải thưởng danh giá.

Theo VnEconomy