itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Gương mặt / Khát vọng trên mảnh đất Vĩnh Linh

“Làm lủa” – Khát vọng trên mảnh đất Vĩnh Linh

Ảnh: Trần Thanh Dương

Chúng tôi tìm đến gia đình anh Trần Xuân Kính vào một ngày hè, trời Vĩnh Linh nắng chói chang, không khí nồng lên những hơi thở gắt, mảnh đất gió Lào cát trắng vẫn khắc nghiệt muôn đời như để thử thách lòng quả cảm của những con người tự bao đời vẫn kiên cường trong gian khổ, khó khăn.

Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Hương Trà, Thừa Thiên Huế, thế nhưng anh Trần Xuân Kính gắn bó với mảnh đất Quảng Trị tự nhiên như thể đã có tiền duyên định trước. Năm 1988, là bộ đội tại huyện Hướng Hoá - tỉnh Quảng Trị, sau đó chuyển ra đảo Cồn Cỏ (huyện Vĩnh Linh). Năm 1990, phục viên, trở về với cuộc sống đời thường vốn còn nhiều bỡ ngỡ, khó khăn đối với những người lính, anh mang theo trong mình những ước mơ rất đỗi bình dị về một mái ấm gia đình, một cuộc sống hạnh phúc, và một niềm đam mê vẫn còn ấp ủ...

Mảnh đất Vĩnh Linh vốn nhiều nắng gió nhưng hiền lành và mến khách đã giữ chân anh. Đất lành chim đậu, năm 1991, anh Trần Xuân Kính lập gia đình với chị Phan Thị Thuỷ Tiên và sớm có một mái ấm hạnh phúc với hai cháu trai và hai cháu gái. Cuộc sống tưởng chừng như thể đã ưu ái nhiều đối với họ khi cả hai anh chị đều bằng lòng với hoàn cảnh hiện tại, họ lập nghiệp và duy trì cuộc sống bằng nghề buôn hàng nông sản, dẫu không quá dư giả nhưng cũng đủ để trang trải cho đời sống hàng ngày.

Anh Trần Xuân Kính giữa Lủa trại của mình. Ảnh: Trần Thanh Dương

Thế nhưng, trong anh, vẫn có một nỗi niềm đang rạo rực... Những bận rộn với công cuộc mưu sinh hàng ngày vẫn không làm tắt trong anh niềm đam mê với cây cảnh, một thú vui tao nhã và khá xa xỉ trong điều kiện hiện tại của anh. Từ năm 2000, anh chơi cây cảnh, bắt đầu từ khoảng vườn nhỏ với khoảng 100 gốc cây được thu thập, anh đã dần dần biến những ước mơ của mình thành sự thực.

Cơ duyên với Lủa

Năm 2002, trong một lần vào thành phố Hồ Chí Minh, có dịp đến thăm một người em làm việc tại cơ sở làm đồ mỹ nghệ thuộc một công ty ở Đài Loan, tận mắt nhìn thấy những sản phẩm tinh xảo được làm ra từ những vật liệu hết sức thô sơ, đơn giản và phổ biến, nhưng lại thu hút được khách hàng từ rất nhiều nơi, niềm đam mê trong anh lại trỗi dậy. Từ đây, những ý nghĩ manh nha đầu tiên về một lĩnh vực mới xuất hiện trong anh, cùng với ước mơ có một sản phẩm thật sự vừa ý đã thôi thúc anh đến với nghề làm lủa.

Là một nghề có nhiều tiềm năng, “một vốn, bốn lời”, những năm gần đây, làm lủa được chú ý và quan tâm đến nhiều, không chỉ bởi những giá trị về nghệ thuật mà còn bởi giá trị kinh tế to lớn mà nó mang lại. Cũng như một số ngành thủ công mỹ nghệ khác, sản phẩm của nghề lủa có tính chất nghệ thuật cao và thu lợi nhuận lớn. Tuy nhiên, nhờ tính chất đơn giản hơn rất nhiều trong khâu tìm kiếm nguyên vật liệu, vốn đầu vào ít, nên giá trị kinh tế sinh ra càng nhiều hơn. Từ những vật liệu thô sơ, bằng con mắt nghệ thuật, niềm đam mê và khả năng sáng tạo, người nghệ nhân thổi linh hồn vào những vật vô tri, biến những nét đẽo gọt bào mòn sơ sài của tự nhiên trên những khúc gỗ tưởng chừng như vô giá trị được nhặt nhạnh về từ những lòng sông lòng suối sau mùa lũ, từ những khu rừng hay bất cứ nơi nào có thể có được trong tự nhiên thành những tác phẩm hết sức tinh xảo, sống động và đầy tính nghệ thuật.

Tác phẩm “Chết” của Huỳnh Phúc Hậu, nguyên mẫu là một gốc cây khô ở lòng hồ Trị An

Thấy được những giá trị kinh tế to lớn của nghề làm lủa, đồng thời nhận thấy tiềm năng của nghề này tại quê hương, khi mà nó chưa được phổ biến nhiều, anh Trần Văn Kính đã mạnh dạn thực hiện ý định của mình. Bắt đầu từ những vật liệu đơn giản, những sản phẩm đơn giản. Anh đi đến các xã miền núi trong huyện, tự mình tìm kiếm, nhặt nhạnh, hỏi thăm người dân địa phương. Buổi ấy, người ta cứ thấy một người miệt mài đi tìm những khúc gỗ bên bờ suối, bờ sông, trong rừng đã bị những tác động của thiên nhiên mài mòn không ít, những khúc gỗ hoàn toàn vô giá trị với những người bình thường, nghe nói ở đâu có là anh lặn lội tìm đến bằng được, hỏi xin, đổi, thậm chí mua... bất cứ cách nào để có được những vật liệu ưng ý. Một loại gỗ được anh ưa chuộng nhất là gỗ trai, gỗ có hai màu, xanh và đỏ, đây là một vật liệu quý có thể cho ra những tác phẩm có giá trị nghệ thuật lớn.

Từ những “tác phẩm” tìm được, đã mang đôi chút hình hài dưới sự bào mòn của thiên nhiên, được anh đục, đẽo... với một niềm say mê và khả năng sáng tạo không mệt mỏi. Từ những ngày đầu tiên còn bỡ ngỡ, dần dần có kinh nghiệm, anh đã tạo ra được những tác phẩm tinh xảo, theo nhiều thế khác nhau như ”Long phục”,” Tam đa”... Những tác phẩm mang nhiều ý nghĩa khác nhau, hình hài khác nhau nhưng có giá trị nghệ thuật cao đã đem lại cho anh nguồn thu nhập lớn, có điều kiện để mở rộng quy mô hoạt động và thực hiện tâm nguyện góp phần xây dựng miền quê đã mà anh đã gắn bó cuộc sống cũng như tình yêu, niềm say mê sáng tạo trong nghề nghiệp.

Giàu cho mình, giàu cho quê hương

Qua năm năm làm nghề, anh đã đạt được những thành tựu đáng kể: các sản phẩm được làm ra với chất lượng ngày càng cao. Mỗi sản phẩm trung bình có giá thành khoảng từ 8 đến 10 triệu đồng(có sản phẩm lên tới 30 đến 50 triệu đồng). Bình quân, cơ sở sản xuất của anh thu khoảng 60 đến 70 triệu đồng/năm. Đặc biệt, anh đã góp phần tạo việc làm và nguồn thu nhập cho nhiều nhân công khác trong địa phương với mức lương từ 60000/người/ngày trở lên. Cơ sở của anh đang làm ăn có hiệu quả và được biết đến ở nhiều nơi, sản phẩm của anh đã và đang đến được với nhiều người yêu nghệ thuật trong địa bàn huyện cũng như nhiều nơi khác.

Câu chuyện về người lính phục viên đi lên từ những nguyên liệu đơn giản, làm công việc thổi linh hồn, tình yêu và cảm quan nghệ thuật tinh tế vào những vật vô giá trị, nhưng không những đã làm giàu cho bản thân, mà còn giúp nhiều người khác cải thiện cuộc sống đã được nhiều người dân ca ngợi. Tình yêu nghệ thuật và khả năng sáng tạo đã giúp anh có được những thành công trong cuộc sống. Anh vẫn đang miệt mài sáng tạo phấn đấu để thực hiện khát vọng có một cơ sở sản xuất khang trang hơn với một thương hiệu chính thức, chắp cánh cho những tác phẩm bay xa hơn và đến được với nhiều người yêu nghệ thuật hơn nữa.

Trần Thanh Dương (Cán bộ văn hóa UBND Thị trấn Hồ Xá, Vĩnh Linh – Quảng Trị)