itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Gương mặt / Người phụ nữ bị chinh phục làm… “sếp”

Người phụ nữ bị chinh phục làm… “sếp”

Vào thời điểm đầu những năm 90 của thế kỉ 20, những từ chuyên môn như “thầu chi” hay “cho vay dự án” còn là những thuật ngữ lạ lẫm đối với chuyên viên ngân hàng trong nước.

Thế mà cô chuyên viên phiên dịch Nguyễn Đức Hạnh đã dám đứng lên làm trưởng đại diện một ngân hàng nước ngoài thành công nhất ở Việt Nam hiện nay.

“Xoay tiền” cho phong trào Đoàn thể

Trưởng thành từ những năm tháng khó khăn của đất nước, khi miền Bắc đang dồn sức chi viện cho chiến dịch giải phóng Sài Gòn, cô Bí thư Chi Đoàn kiêm Uỷ viên Ban Chấp hành Đoàn trường Ngoại thương Đức Hạnh hiểu rằng với 18 đồng học bổng, sinh viên chỉ có thể trang trải cho đời sống sinh hoạt hằng ngày với những bữa cơm trộn bo bo và sắn. Chị đã vận động các bạn tham gia các hoạt động công ích như trông xe, quét dọn sân trường, tổ chức văn nghệ gây quỹ ở ngã Năm Cửa Năm, Nhà Hát Lớn mừng giải phóng đất nước. Thành công trong việc xây dựng “Tập thể học sinh xã hội chủ nghĩa” đầu tiên của miền Bắc do Thành Đoàn phát động, chị được vinh dự là đại diện nữ duy nhất của sinh viên Việt Nam tham gia Hội nghị Thanh niên thế giới tại Matxcơva năm 1975.

Bị chinh phục để làm “sếp”

Trong một lần làm việc với ngân hàng BNP PARIS PAS, cô phó phòng đối ngoại của Tổng công ty lương thực Hà Nội -Đức Hạnh lúc đó không chỉ thuyết phục được đối tác bởi cách xử lý công việc đầy thông minh mà còn khiến người phụ trách của BNP PARISPAS quyết tâm mời chị về làm trưởng đại diện. Sau 9 tháng, năm 1988, chị đồng ý đầu quân cho ngân hàng BNP PARIBAS và chính thức trở thành người phụ nữ đầu tiên đảm nhận vị trí đại diện trưởng của một ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam. Lĩnh vực ngân hàng quá mới mẻ với một chuyên gia phiên dịch, thậm chí những từ chuyên môn như thầu chi hay cho vay dự án là những thuật ngữ còn quá lạ lẫm ngay cả với chuyên viên ngân hàng trong nước thời điểm đó. Tuy nhiên, bằng sự giỏi giang của mình, chị đã góp phần không nhỏ đưa PARIBAS trở thành một trong những ngân hàng 100% vốn nước ngoài thành công nhất tại Việt Nam.

Năm 1997, dự án về khu công nghiệp Dung Quất ra đời và ngay lập tức trở thành “miền đất hứa” trong con mắt của rất nhiều các nhà đầu tư. Chị đã mạnh dạn đứng ra mời tất cả các ngân hàng nước ngoài như HSBC, City Bank và Kalion tham gia liên kết để hợp tác cùng đầu tư vào khu công nghiệp này. Là một người phụ nữ cực kì mềm mỏng, nhưng chị lại vô cùng thẳng thắn và transparency (minh bạch). Chính vì không thích làm việc theo kiểu black and white (đen trắng lẫn lộn), chị đã thành lập một liên kết với những điều kiện rõ ràng và chi tiết để chống lại sự phá giá, để tránh một thị trường kinh doanh không lành mạnh. Đó cũng là liên kết ngân hàng đầu tiên và duy nhất thành công cho đến thời điểm này trên thị trường ngân hàng Việt Nam.

Bài tập làm văn nhớ mẹ

Có lẽ khoảng thời gian khó khăn nhất trong cuộc đời của chị đó là giây phút phải đưa ra quyết định đi hay ở. Số là năm 2002, chồng chị được cử làm tham tán thương mại của Việt Nam tại Pháp trong vòng 4 năm. Vì muốn con cái có cơ hội được học tập ở nước ngoài, chị đã đồng ý xa chồng con trong 4 năm ròng rã đó. Vẫn vì lòng đam mê với những gì mình đang gánh vác, chị không thể dứt bỏ ngân hàng ra đi. Vậy là ở.

Ngày mới sang đất bạn, lạ nước lạ cái, cậu con trai thứ hai của chị lúc đó mới 11 tuổi gặp không ít khó khăn trong giao tiếp và học tập, vậy mà bài làm văn đầu tiên khi cô giáo cho cả lớp viết về người mẹ, cậu đã làm cả lớp phải rơi nước mắt vì những tình cảm yêu thương dành cho mẹ Hạnh nơi quê nhà. Cũng không phải ngẫu nhiên mà các con các cháu trong đại gia đình bên chồng đều gọi chị với ngôn từ đầy yêu thương “mẹ Hạnh”. Bí quyết của chị khi biết cân bằng giữa công việc và gia đình gói gọn trong 5 chữ “hết lòng vì mọi người”.

Lúc này, khi mọi thứ đã ổn định hơn, chị chỉ có một ước mơ giản dị, khi về hưu, chị sẽ có một lớp dạy tiếng Anh nho nhỏ để vui vầy cùng con cháu…

Phương Liên