Chọn màu cho thương hiệu
Màu sắc có giá trị rất lớn với thương hiệu. Nó thậm chí có thể thành đại diện cho thương hiệu, như nhắc tới màu đỏ người ta sẽ nghĩ về Coca Cola hay màu xanh dương là IBM.
65% người trên thế giới học và ghi nhớ bằng mắt. Và màu sắc, trước cả chữ viết hay hình dáng, là thứ mà não người thu nhận đầu tiên.
Nó vừa có giá trị ghi nhớ, vừa có giá trị kích thích cảm xúc và “ngấm ngầm” chuyển tải thông điệp của thương hiệu.
Chọn màu sắc cho thương hiệu là hành động mang tính quyết định. Màu sắc “đắc cử” sẽ xuất hiện lặp lại nhiều lần trên logo, các mẫu quảng cáo, các design của những chương trình khuyến mãi. Một màu sắc được lựa chọn phù hợp và khéo léo sẽ có sức mạnh vừa gắn kết thương hiệu với thị trường, vừa làm nó nổi bật lên hẳn các đối thủ. Tất nhiên, trong những nền văn hóa, những ngành công nghiệp khác nhau, thì một màu nhất định sẽ mang những ý nghĩa khác. Nhưng những gợi ý lựa chọn màu sắc cho thương hiệu sau đây được xem là phù hợp với “Thế giới phẳng”.
- Màu xanh dương: Gợi cảm giác tin cậy, an toàn và ổn định. Mặt đời sống mà con người luôn tìm kiếm sự ổn định và an toàn chính là tiền bạc. Do vậy, xanh dương thường là màu đại diện cho ngân hàng, học viện tài chính hay các quỹ đầu tư.
- Màu đỏ: Khi não tiếp nhận màu đỏ, tuyến yên sẽ sản xuất hormone điều khiển làm tăng nhịp tim và nhịp thở của con người. Do đó, đỏ được xem là màu “quá khích”, tràn đầy năng lượng và thu hút sự chú ý. Đỏ cũng gợi cảm giác rất mạnh, nên nó được dành cho những thương hiệu muốn bán “cảm giác” cho người tiêu dùng. Đó có thể là một nhãn hiệu thời trang muốn bán “cảm giác nổi bật”, hay nhãn hiệu nước uống mong bán “cảm giác thách thức tất cả”.
- Màu xanh lá cây: là màu của sức khỏe, của sự tươi mới và cảm giác hiền hoà. Độ đậm nhạt khác nhau của xanh lá có thể gợi những ý nghĩa khác nhau. Như xanh lá đậm kết nối với sự sung túc và uy tín (một số ngân hàng, công ty bảo hiểm chọn màu này); xanh lá nhạt thể hiện sự thư giãn (màu của các spa hay bệnh viện).
- Màu vàng: là sự lạc quan, chủ động và ấm áp. Màu vàng hơi ngả cam kích thích suy nghĩ sáng tạo và cảm giác thèm ăn. Đây là màu của các hãng thức ăn nhanh (như McDonald).
- Màu tím: Nếu sắc tím được tạo thành do pha trộn giữa đỏ và xanh dương, nó sẽ mang nghĩa tinh tế, sang trọng và đôi chút huyền ảo – Rất phù hợp cho các mặt hàng thời trang cao cấp hay rượu.
- Màu hồng: Màu hồng tươi thường được dành cho các nhãn hiệu nhắm vào teen nữ và phụ nữ trẻ. Nó vừa nhiều nhiệt huyết, vừa nữ tính lại trẻ trung sống động. Màu hồng nhạt gợi cảm giác lãng mạn – có thể dùng làm màu cho các sản phẩm được tung ra vào dịp Valentine.
- Màu cam: Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, màu cam nhạt phù hợp với những thị trường cao cấp. Màu cam quả đào lại “làm việc” tốt với những dịch vụ chăm sóc sức khỏe, nhà hàng và thẩm mỹ viện.
- Màu nâu: Màu của đất. Màu này đem tới sự đơn giản, lâu bền và vững chắc. Màu nâu đỏ mang tới một vẻ sang trọng. Còn những màu nâu bình thường được xem là có tác dụng “che giấu vết bẩn” – phù hợp cho các ngành vận tải.
- Màu đen: Màu của quyền lực và cổ điển. Nó thích hợp cho các sản phẩm đắt tiền.
- Màu trắng: Nếu muốn chuyển tải thông điệp “đơn giản, sạch sẽ và tinh khiết” thì trắng là lựa chọn số 1. Nó thường được dùng cho các nhãn hiệu dành cho trẻ em hay phục vụ cho sức khỏe.
Cần nhớ khi chọn màu sắc cho sản phẩm hay thương hiệu:
- Tính hữu dụng: Đừng để mốt ảnh hưởng đến quyết định của bạn. Quyết định chọn màu cho thương hiệu là vì sự sống còn và lớn mạnh của thương hiệu, không thể chiều theo sở thích nhất thời của thị trường. Hãy nhìn về tương lai, xem màu sắc có thể đại diện cho bạn trong 20, 50 năm tới hay không.
- Tính nhất quán: Nên chọn màu cho thương hiệu nhất quán với màu phổ biến cho lĩnh vực mà bạn hoạt động. Như ngành ngân hàng chuộng màu xanh dương và tím đậm, thì đừng dại dột thử nghiệm màu hồng hay đỏ cho công ty bạn. Hồng khiến bạn trông thật trẻ con, còn màu đỏ gợi cảm giác nguy hiểm.
- Tính khả thi: Hãy hỏi kinh nghiệm và gợi y của những người hiểu biết về in ấn. Có những màu rất đẹp trên design nhưng khi in ra giấy, băng-rôn thì lại rất xấu và mất giá trị truyền tải thông tin về thương hiệu ban đầu. Hoặc nếu màu bạn chọn quá đặc biệt hay khó pha chế thì hiệu quả có thể giảm rõ nếu chất lượng in không tốt, hay sẽ tăng ngân sách đáng kể cho việc in ấn bao bì.
- Tính mềm dẻo: Yếu tố văn hóa không thể làm ngơ nếu tham vọng của bạn là thâm nhập thị trường nước ngoài. Màu đen là sang trọng, quí phái với phương Tây, nhưng Thái Lan thì lại xem đấy là màu tang tóc.
Ngọc Bích
Tin đã đăng
- Hikifuda – Bán hàng nhờ lòng ái quốc
- Gây cảm tình bằng mã vạch
- Cơ hội cho những nhà quảng cáo nghiệp dư
- Sự lên ngôi của quảng cáo trực tuyến
- Lantabrand cung cấp dịch vụ “Cho thuê giám đốc thương hiệu” tới Bảo Minh
- Phân biệt Marketing và PR
- Nguyên lý của sự đơn giản trong quảng cáo
- Logo mới của Đại học Ngoại thương
- Vì sao Bảo Minh - CMG lại bán cho Daiichi ?
- "Khi có bàn tay con người làm du lịch, biển đẹp hơn và "hái" ra tiền hơn!"