itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Thương hiệu Việt / Chặng đường phát triển của ngành thủy sản gặp nhiều khó khăn

Chặng đường phát triển của ngành thủy sản gặp nhiều khó khăn

Năm 1995, Việt Nam gia nhập các nước ASEAN và ngành thuỷ sản Việt Nam trở thành thành viên của tổ chức nghề cá Đông Nam Á (SEAFDEC), cùng với việc mở rộng thị trường xuất khẩu đã tạo điều kiện cho ngành công nghiệp chế biến thuỷ sản có chiều hướng phát triển tốt.

Năm 2005, ngành thuỷ sản bằng sự nỗ lực phấn đấu liên tục, không mệt mỏi, vượt qua những khó khăn khách quan và chủ quan, đã hoàn thành một cách vẻ vang các chỉ tiêu kế hoạch cơ bản mà ngành đã xây dựng và được Đại hội Đảng toàn quốc lần thư IX ghi nhận trong kế hoạch kinh tế - xã hội giai đoạn 2001 - 2005: Tổng sản lượng đạt 3,43 triệu tấn, tăng 9,24% so với năm 2004. Kim ngạch xuất khẩu đạt 2,74 tỉ USD, đi qua mốc 2,5 tỉ USD, tăng 13% so với năm 2004 và bằng 185% so với năm 2000. Tính chung năm năm 2001 - 2005, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản đạt trên 11 tỉ USD, chiếm khoảng 9% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước. Đặc biệt cơ cấu sản phẩm của kinh tế thuỷ sản cũng được thay đổi mạnh mẽ theo hướng tăng tỷ trọng nuôi trồng, tăng tỷ trọng sản phẩm có giá trị cao, đặc biệt là sản phẩm xuất khẩu.

Ngành thủy sản bị ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn cầu.
Ngoài áp lực “đòi” giảm giá từ đối tác, nhu cầu nhập khẩu từ những thị trường lớn đang sụt giảm theo khó khăn của nền kinh tế và tác động của cuộc khủng hoảng. Có những đơn hàng nhà nhập khẩu Hoa Kỳ và châu Âu đã ký kết nhưng các đối tác đã cắt, không tiếp tục mua, khiến phần lớn các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ phải cắt giảm công suất chế biến, nhân lực, mục tiêu kinh doanh đặt ra.

Ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ đã lan rộng sang các nước EU, do sự rút tiền hàng loạt của các nhà đầu tư Mỹ khiến cho đồng Bảng Anh bị mất giá, và nhà nhập khẩu đã bị lỗ rất nặng, họ đang cần sự trợ giúp của các nhà xuất khẩu thủy sản Việt Nam.
Trước tình hình trên, sức mua hàng thủy hải, sản của thế giới đang sụt giảm rất lớn. Do vậy, có những đơn hàng nhà nhập khẩu châu Âu đã ký kết xong rồi nhưng họ đã cắt không tiếp tục mua nữa, gây khó khăn cho những chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam.
Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Trương Đình Hòe cho biết, mặc dù chưa có con số chính thức nhưng năm nay, và nhất là từ nay đến hết năm, nhu cầu tại các thị trường nhập khẩu thủy sản của Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp tục giảm mạnh hơn.
Theo phân tích của ông Hòe, một trong những lý do chính là ảnh hưởng cuộc khủng hoảng tài chính và suy giảm thương mại toàn cầu, mà Hoa Kỳ là tâm điểm, đã ảnh hưởng đến tất cả các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có mặt hàng thủy sản.
Trong khi đó Hoa Kỳ lại là một trong 3 thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Được biết hiện ngân hàng Mỹ đang thắt chặt tín dụng, hạn chế tối đa cho nhà nhập khẩu vay tiền. Chính vì khó khăn trong khả năng thanh toán nên các doanh nghiệp nhập khẩu thủy sản nước này đã cắt bớt nhu cầu nhập khẩu.
Mặt khác, sức tiêu thụ mặt hàng thủy sản tại thị trường Mỹ cũng sụt giảm. Theo một cuộc khảo sát của Unilever trên 47.000 người tiêu dùng cho biết đa số họ đã giảm tiêu dùng các mặt hàng thuỷ sản và một số thực phẩm đông lạnh khác.
Tại hội nghị ngành thương mại mới đây, ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch VASEP, nhận định kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả năm 2008 chỉ đạt khoảng 4,4 tỷ USD chứ không đạt 4,5 tỷ USD như kế hoạch đưa ra ban đầu. Và trong năm 2009, tăng trưởng về xuất khẩu ngành dự báo không thể vượt quá 10%.
Khó khăn về vốn và lãi xuất
Trong hơn nửa thời gian đầu năm 2008, lãi suất cho vay VND của các ngân hàng thương mại phổ biến từ 18% - 21%/năm. Đây là áp lực lớn đối với nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, trong khi tỷ suất lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp trong ngành chỉ đạt từ 13% - 15%.
Hiện lãi suất cho vay đã giảm khá mạnh so với thời điểm trước tháng 6, nhưng nhiều hợp đồng vay vốn vẫn chịu lãi suất cao do chưa đến kỳ điều chỉnh. Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã có chỉ đạo một số ngân hàng thương mại khuyến khích cho vay doanh nghiệp trong ngành với lãi suất ưu đãi, nhưng thực tế vẫn nhiều trường hợp khó tiếp cận vốn, hoặc khó gánh nổi lãi suất cao.

Tìm cách giải quyết ách tắc ngành xuất khẩu thủy sản
Mặc dù xuất khẩu thủy sản nói riêng và ngành xuất khẩu cả nước nói chung đang gặp nhiều khó khăn, nhưng theo các doanh nghiệp xuất khẩu thì họ vẫn rất cần bình tĩnh xem xét, tìm cách giải quyết những ách tắc, để khai thông cho ngành xuất khẩu thủy sản trong nước.

Trước những dự báo mà các doanh nghiệp, chuyên gia đưa ra, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT cho rằng, hoạt động xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản năm 2009 vẫn còn nhiều tín hiệu khả quan nên cần kiểm soát chặt chẽ chất lượng cũng như giá cả đầu vào; tăng cường áp dụng tiến bộ kỹ thuật…

Bộ sẽ đề nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp thông qua lãi suất vay vốn tín dụng, giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu, đồng thời đẩy nhanh đề án xây dựng các kho dự trữ lúa gạo, thuỷ sản.

Để nâng cao kim ngạch xuất khẩu năm trong năm 2009, một trong những biện pháp cơ bản mà VASEP đưa ra để đối phó với tình hình khó khăn 2009 là giảm giá thành sản xuất trong các khâu từ nuôi trồng đến chế biến xuất khẩu, giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thủy sản.
Bên cạnh đó, VASEP cũng khuyến cáo các doanh nghiệp cần mở rộng thị trường xuất khẩu; theo đó, nên tập trung vào các thị trường mới như Nam Mỹ, Trung Đông, Bắc Phi vì nơi đây yêu cầu giá phải có tính cạnh tranh với cá thịt trắng của các nước khác.
Mặt khác, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng sẽ tăng cường quản lý chất lượng và hỗ trợ xúc tiến thương mại mở rộng thị trường, đàm phán với các nước như Nga, Mỹ để giải quyết những khó khăn trong xuất khẩu./.

H.N (tổng hợp)