itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Thương hiệu Việt / Dẻo thơm nếp Tú Lệ

Dẻo thơm nếp Tú Lệ

"Nếp Tú Lệ, tẻ Mường Lò", câu ca dao của dân tộc Thái ấy từ lâu không chỉ được truyền tụng khắp vùng Tây Bắc mà hương vị độc đáo của giống gạo quý ấy còn bay xa khắp mọi vùng đất nước.

“Nhất Thanh, nhì Lò” – cánh đồng Mường Thanh cùng chiến thắng Điện Biên lịch sử đã đi vào tiềm thức dân tộc, còn cánh đồng Mường Lò nổi tiếng về gạo trắng nếp dẻo lại chọn được hướng đi riêng – “tẻ Lò nếp Lệ”. Từ thị xã Văn Chấn, trung tâm của cánh đồng Mường Lò, theo Quốc lộ 32 lên Mù Cang Chải, trước lúc vượt Sừng Trời (đèo Khau Phạ), Tú Lệ đột ngột hiện ra với hương thơm ngào ngạt.

"Nếp Tú Lệ, tẻ Mường Lò", câu ca dao của dân tộc Thái ấy từ lâu không chỉ được truyền tụng khắp vùng Tây Bắc mà hương vị độc đáo của giống gạo quý ấy còn bay xa khắp mọi vùng đất nước. Đặt chân đến Tú Lệ vào ngày mùa, cả thung lũng ngập tràn hương thơm của lúa, của đất. Hương vị đậm đà thơm dịu đầy sức quyến rũ ấy khiến ai từng một lần được thưởng thức hẳn không thể quên.

Nếp thơm Tú Lệ hạt to và tròn như những con nhộng, trăm ngàn hạt đều như nhau có mùi thơm rất lạ. Mỗi khi nhà nào đồ xôi đổ cơm ra chiếc mẹt quạt cho bớt hơi nước trước khi cho vào cóm khẩu – giỏ đựng cơm – thì cả bản đều biết. Trước khi mùa gặt đến họ chọn những bông lúa to hạt mẩy làm khẩu mậu – cốm, đồ lên làm khẩu hang – thóc đồ, họ mổ gà vịt làm lễ cúng cơm mới để tạ ơn trời đất đã cho người dân Tú Lệ giống lúa thơm ngon nổi tiếng và cầu cho mùa vụ tốt tươi. Ngày Tết nhà nào cũng làm vài hũ rượu cần để mời bà con xóm bản ăn Tết. Rượu cần làm bằng nếp Tú Lệ thì không thứ rượu nào sánh nổi, uống mà không biết say nhưng khi đã say lại tưởng như đang lạc vào chốn thần tiên vậy.

Người già ở Tú Lệ vẫn kể cho con cháu nghe giai thoại về giống nếp Tú Lệ. Truyền rằng có một tộc người Thái được tiên ông hiện ra cho một coóng thóc quý và dặn rằng phải tìm được mảnh đất thích hợp thì thóc quý mới mọc thành cây lúa và cho nhiều hạt gạo dẻo thơm. Vâng lời tiên dạy, tộc người Thái đi khắp vùng Tây Bắc, đến đâu thấy đất tốt cũng gieo trồng thử, nhưng nơi thì hạt gạo không nảy mầm, chỗ thì lúa không trổ bông hoặc có hạt thì gạo chẳng dẻo thơm như lời tiên dạy. Một ngày kia đoàn người Thái tới chân đèo Khâu Phạ thì dừng chân xuống suối Mường Lùng uống nước, thấy dòng nước mát trong và ngọt lịm, ngẩng mặt lên là thung lũng tươi tốt. Già làng của tộc người Thái đã quyết định ở lại đây vỡ ruộng trồng lúa. Quả nhiên thóc tiên gieo xuống đã nhanh nảy mầm và rất tươi tốt. Ngay từ khi lúa còn con gái đã tỏa ra một hương thơm tinh khiết, đến cuối vụ bông nào cũng to như cái đuôi trâu, đem ra cối giã thấy trắng trong và thơm phức, nếu cho vào chõ gỗ mà đồ thì dẻo thơm lạ kỳ.

Từ đó Tan lả gắn bó với người Thái Tú Lệ và nhờ có hạt nếp dẻo thơm này mà con trai bản khỏe mạnh dẻo dai, làm ruộng nương không biết mệt, bước chân băng rừng, lội suối không biết mỏi, tiếng khèn làm say lòng gái bản. Còn các cô gái Thái thắt đáy lưng ong, nước da trắng hồng mịn màng, mái tóc đen nhánh suôn dài mềm mại, quay xa dệt vải, hoa văn như có hồn làm trai bản ngẩn ngơ thổn thức.

Nhưng giống Tan lả quý ấy mà mang đi nơi khác trồng thì không còn giữ được hương vị tuyệt hảo đặc trưng dù vẫn làm cho thực khách gật gù thán phục. Người sành điệu còn khẳng định rằng, chỉ ăn nếp Tan Lả nấu với nước suối Mường Lùng mới thấy hết được cái thơm ngon tinh túy của hồn đất trời hòa quyện.

Dưới góc độ khoa học, gạo nếp Tú Lệ dẻo, thơm, ngon là bởi được gieo trồng trên một nền đất hiếm (với các nguyên tố như molybden, bo, kẽm), tầng phong hóa mỏng, nồng độ ka li trên phiến thạch mi ca lớn. Thung lũng Tú Lệ nằm gọn giữa ba ngọn núi cao là Khâu Phạ, Khau Thán và Khau Song nên biên độ dao động của nhiệt độ trong ngày lớn, thời gian đêm dài hơn ngày. Đây là những yếu tố khiến mạch tinh bột amino-pectin lớn (lượng mạch tinh bột amino-pectin quyết định sự dẻo thơm của hạt gạo). Thêm một yếu tố nữa là do cấu tượng của đất Tú Lệ tơi xốp, dễ ngấm nước và khí hậu ở Tú Lệ trong lành nên sản xuất lúa ở Tú Lệ ít phải thâm canh, vì vậy gạo ở Tú Lệ là gạo sạch.

Việc sản xuất nếp Tú Lệ hiện nay chưa mang tính hàng hóa, năng suất còn thấp, chủ yếu cấy một vụ nên một thương hiệu cho hạt nếp Tú Lệ vẫn chưa được xây dựng. Toàn xã Tú Lệ có 172 ha ruộng nhưng sản lượng thóc nếp chưa năm nào vượt qua con số 350 tấn. Được biết huyện Văn Chấn đã có chương trình phối hợp với Sở Khoa học - Công nghệ tiến hành phục tráng cho cây nếp Tú Lệ nhằm tạo ra hạt giống có chất lượng cao, sạch bệnh.

Đây là đặc sản trời cho mà không ở vùng cao nào có được. Hàng năm xe ô tô từ khắp mọi miền đất nước lên Yên Bái rồi vào Văn Chấn ngược lên Tú Lệ mua gạo nếp về gói bánh chưng, thổi xôi thờ cúng tổ tiên và đãi khách trong ba ngày Tết.

Còn với những du khách đã từng đến Tú Lệ, được thưởng thức các món ăn chế biến từ gạo nếp Tú Lệ như cốm, cháo cốm vịt, xôi nếp ngũ sắc, cơm lam... được các cô gái Thái thổi hồn, nhấp chén rượu nếp Tú Lệ do những đôi tay ngà mời lâng lâng trong tiếng “Khắp mời lẩu” – Hát mời rượu, say trong điệu xoè nồng hậu mới thấm hết cái hồn của xứ Thái và ý nghĩa sâu xa của câu ca:

“Mường Lò gạo trắng nước trong
Ai đi đến đó lòng không muốn về”

ItaExpress (tổng hợp)