itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Thương hiệu Việt / Người trồng thanh long lo lắng

Người trồng thanh long lo lắng

Do hạn hán, tại Ninh Thuận và Bình Thuận, hàng ngàn hecta cây trồng có nguy cơ bị thiệt hại, có nơi phải lùi thời hạn xuống giống hoặc giảm kế hoạch sản xuất nông nghiệp

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận, hiện lượng nước ở các hồ thủy lợi trong tỉnh chỉ đạt xấp xỉ 38% dung tích thiết kế, thậm chí có hồ đã xuống dưới mực nước chết. Tại tỉnh Ninh Thuận, khoảng một nửa số hồ đập cũng trong tình trạng tương tự.

Cây trồng thiếu nước

Với hơn 1.200 ha, huyện Hàm Thuận Nam được xem là thủ phủ thanh long của Bình Thuận. Tuy nhiên, do nắng nóng kéo dài nhiều tháng qua, hiện các hồ như Tân Lập (xã Tân Lập), Ba Bàu (xã Hàm Thạnh) đã cạn kiệt, không còn đủ nước tưới cho toàn bộ diện tích thanh long của địa phương.

Cuối tháng 3, tại hồ Ba Bàu, chúng tôi thấy hơn 10 người dân đang hì hục bơm nước từ hồ ra mương để tưới thanh long. Anh Nguyễn Tấn Hiền (thôn Ba Bàu, xã Hàm Thạnh) cho biết nhà anh trồng hơn 1.000 trụ thanh long nhưng thiếu nước tưới cây đã hơn 10 ngày. “Thanh long nghịch vụ phải chong đèn mà không có nước tưới thì coi như bỏ không” - anh Hiền lo lắng. Nhiều người dân ở xã Hàm Thạnh chuyên canh thanh long cho rằng nếu nắng nóng tiếp tục, không có nước tưới thì nguy cơ thanh long chết sẽ rất cao.

Không chỉ riêng Hàm Thuận Nam, hạn hán cũng đã “tấn công” nhiều địa phương khác ở Bình Thuận. Theo báo cáo nhanh của ngành NN-PTNT tỉnh này, hàng trăm hecta lúa và cao su ở 2 huyện Đức Linh, Tánh Linh đang thiếu nước nghiêm trọng, trong đó nhiều nơi có khả năng mất trắng. Huyện Hàm Tân đang thiếu nước tưới cho 60 ha thanh long. Huyện Tuy Phong, khu vực được ví như “tiểu sa mạc” của miền Trung, do hồ chứa đã cạn nước nên chính quyền địa phương phải đẩy lùi thời vụ gieo trồng và giảm kế hoạch sản xuất nông nghiệp từ 3.800 ha xuống còn 2.800 ha.

Theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Ninh Thuận, hiện 2 hồ tưới chủ lực cho các huyện Ninh Phước, Thuận Nam là Tân Giang và Sông Biêu đã xuống dưới mực nước chết, dung tích nước chỉ đạt khoảng 3,3 triệu m3/46 triệu m3 dung tích thiết kế; hồ Thành Sơn ở huyện Ninh Hải chỉ đạt 320.000 m3/2,2 triệu m3 thiết kế.

Ngành NN-PTNT tỉnh Ninh Thuận nhận định: Với thực trạng các hồ hiện nay, nếu điều tiết tốt thì cũng chỉ tạm đủ nước cho vụ đông xuân, kết thúc vào giữa cuối tháng 4 tới. Nếu nắng nóng tiếp tục, hơn 1.700 ha vụ hè thu của các huyện Ninh Phước và Thuận Nam không thể gieo trồng - lãnh đạo Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Ninh Thuận nhận định.

Nước máy lúc có, lúc không

Không chỉ thiếu nước cho sản xuất nông nghiệp, hàng trăm hộ dân ở huyện Hàm Thuận Nam cũng đang thiếu nước sinh hoạt. Ông Trần Văn Tình, một người dân địa phương, cho biết: “Nước sinh hoạt của bà con chủ yếu lấy từ hồ Ba Bàu nhưng nay, nước hồ cạn, chúng tôi phải mua nước sạch để xài, mỗi ngày tốn đến vài chục ngàn đồng”. Bà Nguyễn Thị Ngọc Mai (47 tuổi, ngụ thôn Dân Cường, xã Hàm Thạnh) cho biết nước sinh hoạt của gia đình lấy từ giếng khoan nhưng hiện đã cạn kiệt.

Ở đây, không chỉ các hồ nước phục vụ nông nghiệp, những hồ cung cấp cho các nhà máy nước cũng đang cạn khô. Do hồ thủy lợi đã cạn nên Nhà máy Nước Hàm Thuận Nam không cung cấp đủ nước sinh hoạt cho người dân. Theo ông Nguyễn Văn Thanh (thị trấn Thuận Nam), nhà ông sử dụng nước máy nhưng hiện ngày có, ngày không. Hiện có ít nhất hơn 1.000 hộ dân huyện Hàm Thuận Nam - Bình Thuận và người dân ở 2 huyện Ninh Phước Nam và Thuận Nam của tỉnh Ninh Thuận cũng đang chật vật do thiếu nước sinh hoạt.

LÊ TRƯỜNG - QUỐC TRIỀU/ NLĐ