itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Thương hiệu Việt / Nuôi nghêu như... đánh bạc

Nuôi nghêu như... đánh bạc

Vùng biển Tân Thành, huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) có nghề nuôi nghêu nổi tiếng ở ĐBSCL. Con nghêu đã trở thành bài toán kinh tế chủ lực từng giúp nhiều hộ làm giàu. Thế nhưng hiện nghề nuôi nghêu đang “đổi chiều” vì nghêu chết hàng loạt, đẩy người dân vào cảnh khốn đốn, nợ chất chồng.

  • Nghêu chết trên diện rộng

Về xứ biển Tân Thành vào những ngày này chúng tôi chứng kiến nhiều hộ đứng ngồi không yên vì thảm trạng nghêu chết. Ông Nguyễn Phi Quân, chủ sân nghêu ở xã Tân Thành cho biết, không hiểu bị bệnh gì mà hơn tháng nay nghêu bắt đầu chết. Lúc đầu chết ít, sau đó tỷ lệ chết tăng liên tục làm người nuôi rất lo lắng.
Ông Võ Văn Mánh, được mệnh danh là “vua nghêu” ở xứ biển Tân Thành thở dài: “Đến thời điểm này hầu như tất cả các hộ nuôi nghêu đều bị thiệt hại, ngay cả hộ nuôi lâu năm có kinh nghiệm đầy mình cũng không tránh khỏi. Nghêu chết quá nhiều làm nhiều hộ trắng tay?”. Vụ này, ông Mánh nuôi hơn 30ha nghêu, dù lường trước những bất lợi về thời tiết, môi trường ô nhiễm… song, sân nghêu cũng bị chết tràn lan, tỷ lệ thiệt hại lên đến 50% - 60%.
Chủ tịch UBND xã Tân Thành Ngô Phi Trường cho biết toàn xã có khoảng 1.500ha nghêu và nghêu cũng là kinh tế chủ lực của xứ biển này. Dịch bệnh ập đến những ngày qua làm chết khoảng 1.200 - 1.300ha, tỷ lệ thiệt hại dao động từ 40% - 80%, thậm chí có sân nghêu bị chết hơn 90%.
Theo ông Trường, ngoài việc thời tiết thất thường như nắng nóng, độ mặn cao… thì không hiểu sao năm nay nghêu chậm lớn. Do đó, nhiều hộ phải hủy bỏ kế hoạch thu hoạch trước Tết Quý Tỵ do nghêu còn nhỏ, buộc kéo dài đến sau tết và xảy ra tình trạng chết tràn lan. Bên cạnh đó, người nuôi còn thua thiệt do giá nghêu năm nay giảm mạnh chỉ còn 19.000 - 21.000 đồng/kg, giảm từ 7.000 - 9.000 đồng/kg so năm 2012. Theo tính toán, năng suất nghêu bình quân đạt 15 - 20 tấn/ha, cộng với diện tích bị chết rất lớn khiến dân nuôi nghêu xứ biển Tân Thành thiệt hại số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Tại Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng… nhiều chủ bãi nghêu cũng phập phồng lo dịch bệnh không biết ập tới lúc nào. Để tránh thiệt hại, các hợp tác xã nghêu ở Bến Tre chủ động thu hoạch sớm những diện tích nghêu tới lứa; đồng thời di dời nghêu ở các khu vực nguy hiểm, nắng quá nóng, độ mặn cao… xuống nơi nước sâu, nguồn nước tốt.

  • Mù mờ... giải pháp

Những ngày qua đã có nhiều ngành chức năng ở tỉnh và các viện trường, chi cục… tìm đến bãi nghêu Tân Thành lấy mẫu xét nghiệm. Tuy nhiên, nguyên nhân nghêu chết do đâu vẫn chưa tìm ra kết quả. Ông Võ Văn Mánh bức xúc, không phải đây là lần đầu tiên mà cách nay hơn 10 năm thì nghêu cũng xảy ra chết trên diện rộng. Và từ đó tới nay nghêu cứ chết thường xuyên, lần nào cũng có ngành chuyên môn tới tìm hiểu, nhưng rồi vẫn đâu vào đấy. Nghêu bị bệnh gì, cách phòng ngừa và điều trị ra sao, không ai hướng dẫn. Điều này cho thấy, nghề nuôi nghêu giống như đánh bạc, may nhờ rủi chịu.
Ông Ngô Phi Trường, Chủ tịch UBND xã Tân Thành nhìn nhận, sau khi xã phát tờ khai về thực trạng nghêu chết đã có hơn 140 hộ khai. Nhiều hộ yêu cầu có giải pháp phòng trị dịch bệnh để an tâm phát triển nghề nuôi nghêu, vấn đề chính quyền bó tay vì chờ mãi nhưng các nhà chuyên môn chưa tìm ra?
Theo ông Lê Văn Quang, Phó chủ nhiệm Hợp tác xã nghêu Rạng Đông, huyện Bình Đại (Bến Tre), nghề nuôi nghêu phụ thuộc toàn bộ vào thiên nhiên. Do biển rộng mênh mông nên khó có thể đề phòng dịch bệnh được. Mặt khác, môi trường, nguồn nước… ở ngoài biển khi tốt, khi xấu không thể lường trước được. Do đó, nuôi cứ nuôi, nhưng phải chờ đến lúc thu hoạch xong, bán cho nhà máy chế biến mới yên tâm được. Ngược lại, nghêu còn dưới biển không ai đảm bảo tai họa đến lúc nào.
Ông Phạm Hồng Văn, Phó chủ tịch UBND huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) trăn trở: “Với bãi nghêu của huyện rộng hơn 830ha, được xem như của trời cho. Cái khó hiện nay là giữ gìn, chăm sóc, khai thác, phát triển… còn nhiều trở ngại, bởi chưa có nghiên cứu nào về việc phòng trị bệnh cho con nghêu. Mọi chuyện do thiên nhiên quyết định. Sau khi bãi nghêu Tân Thành xảy ra chết nhiều, ai cũng lo nhưng phòng ngừa ra sao đều mù tịt”.
Là doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng nghêu hàng đầu Việt Nam, ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Gò Đàng đánh giá, nghêu là sản phẩm rất tiềm năng và đang được thị trường châu Âu, châu Á, châu Mỹ rất ưa chuộng. Nghêu thịt được xuất đi với giá dao động từ 3,5 - 4USD/kg; nghêu nguyên con khoảng 1,8 - 2USD/kg… Đây là mức giá khá hấp dẫn. Dù vậy, trở ngại lớn nhất lâu nay là nghề nuôi, chế biến, xuất khẩu nghêu chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Đặc biệt, vấn đề nuôi nghêu chưa có cơ quan nào nghiên cứu căn cơ về nguồn giống, thời gian nuôi, môi trường nuôi, phòng ngừa bệnh… Đây là những hạn chế lớn cần sớm thay đổi mới mong phát triển bền vững con nghêu.

Theo Nguyễn Thanh - An Bình

SGGP