itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Trong nước / Công bố kết quả khảo sát hoạt động kinh doanh tại hải ngoại của các doanh nghiệp Nhật Bản

Công bố kết quả khảo sát hoạt động kinh doanh tại hải ngoại của các doanh nghiệp Nhật Bản

Quang cảnh tại buổi họp công bố kết quả khảo sát

Ngày 10/2/2009, tại Trung tâm xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) diễn ra Hội nghị giới thiệu báo cáo khảo sát hoạt động sản xuất kinh doanh tại hải ngoại của các doanh nghiệp sản xuất tại Nhật Bản - Triển vọng cho đầu tư trực tiếp nước ngoài của Nhật Bản. Ông Takashi Marugami, chuyên gia kinh tế cao cấp thuộc phòng nghiên cứu Quốc tế, Ngân hàng hợp tác Quốc tế (JBIC) trình bày báo cáo tại hội nghị.

Tham dự hội nghị có đại diện các cơ quan quản l‎ý nhà nước về đầu tư và thương mại, các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trên các lĩnh vực công nghiệp, thực phẩm, dệt may, hóa chất, máy tổng hợp, thiết bị điện và điện tử, ô tô và cơ khí… Ông Thái Thành Sơn, Giám đốc Kinh doanh – Tiếp thị Tập đoàn Tân Tạo cũng đã đến tham dự hội nghị lần này.

Từ năm 1988, hàng năm JBIC đều tiến hành khảo sát về hoạt động đầu tư kinh doanh tại nước ngoài của Doanh nghiệp sản xuất Nhật Bản nhằm xác định phương hướng hoạt động kinh doanh, đồng thời xác định được những quốc gia nhiều triển vọng trong việc thu hút đầu tư trực tiếp của Nhật Bản cũng như đánh giá những vấn đề khác liên quan đến đầu tư. Năm nay, các quốc gia nằm trong danh sách khảo sát gồm Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam.

Kết quả báo cáo cho thấy triển vọng trung hạn (3 năm tới hoặc tương đương) đối với hoạt động tại nước ngoài có sự chênh lệch lớn so với triển vọng trung hạn đối với hoạt động trong nước. Bất chấp mối lo ngại ngày càng tăng về sự suy thoái kinh tế toàn cầu, tỉ lệ tăng cường, mở rộng cho hoạt động tại nước ngoài năm 2008 chiếm 79,2%. Điều này cho thấy các doanh nghiệp Nhật Bản khá lạc quan với các hoạt động đầu tư sản xuất tại hải ngoại. Trong khi đó chỉ có 0,7% có kế hoạch sẽ thu hẹp sản xuất hoặc rút vốn. Tỉ lệ duy trì mức hiện tại cho hoạt động tại nước ngoài là 20,1% so với hoạt động trong nước là 53,2%. Tuy nhiên, do thời gian khảo sát và công bố khảo sát cách biệt, do ảnh hưởng và tác động ngày càng sâu rộng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu dẫn đến suy thoái kinh tế thế giới, nhu cầu vấn đề tái cơ cấu và hồi phục nền kinh tế trong nước tương đối lớn nên chỉ số về tăng cường mở rộng cho hoạt động tại nước ngoài có thể sẽ không phản ánh đúng tình hình thực tế của các doanh nghiệp Nhật Bản. Tỉ lệ tăng cường mở rộng cho hoạt động tại nước ngoài thay vì vậy sẽ không đạt được mức độ 79,2% như khảo sát.

Khảo sát lần này cho thấy ở mục quốc gia, vùng có triển vọng cho hoạt động kinh doanh ở nước ngoài giai đoạn trung hạn thì Trung Quốc chiếm ngôi đầu. Tuy nhiên tỉ lệ ủng hộ đã giảm so với năm trước. Ngược lại, Ấn Độ tiếp tục giành được nhiều sự quan tâm, ủng hộ, tiến cận vị trí của Trung Quốc. Nga và Braxin được nhiều công ty xem là quốc gia tiềm năng.

Mặc dù so với những năm trước đó, tỉ lệ ủng hộ của các doanh nghiệp Nhật Bản với Việt Nam trong năm 2008 sụt giảm (từ 35% xuống 32%), tuy vậy, Việt Nam vẫn tiếp tục là một trong những lựa chọn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Nhật Bản với ưu thế về địa điểm để đa dạng hóa đầu tư tốt, nguồn nhân công giá rẻ, khả năng phát triển của thị trường nội địa tốt, nguồn nhân lực có chất lượng tốt và có nguồn cung cho ngành công nghiệp lắp ráp.. Kết quả khảo sát cũng phản ánh những ưu thế cạnh tranh và tồn tại của môi trường đầu tư Việt Nam.

Hội nghị với mục đích giới thiệu rộng rãi kết quả cuộc khảo sát, nhận định của doanh nghiệp Nhật Bản đến các cơ quan quản lý của chính quyền thành phố, các nhà nghiên cứu, trên cơ sở đó có biện pháp cải thiện môi trường đầu tư và cung cấp doanh nghiệp Việt Nam có những thông tin để hoạch định phương hướng kinh doanh với doanh nghiệp Nhật Bản trong thời gian tới.

ItaExpress