itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Trong nước / Công nhân lao động nhập cư: Bài toán và giải pháp

Công nhân lao động nhập cư: Bài toán và giải pháp

Công nhân KCN Tân Tạo trong Chương trình văn nghệ.

Theo kết quả thống kê cho thấy, có đến 70% số công nhân đang làm việc tại các khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX) - (KCN) là người lao động nhập cư và phụ nữ chiếm 60% trong số đó. Với hành trang, trình độ học vấn, kỹ năng tay nghề hạn chế, họ rất khó khăn trong tìm kiếm việc làm nơi đô thị. Tại các KCX-KCN, các nhà máy thuộc ngành da giày và dệt may chiếm số lượng khá lớn.

Trung tâm Hợp tác Phát triển vừa phối hợp với Tổ chức Action Aid công bố kết quả Nghiên cứu thực trạng các vấn đề của nữ lao động nhập cư (NLĐNC) và mối liên quan đến những tệ nạn xã hội tại các tỉnh, thành phố lớn trên cả nước.

Theo kết quả của cuộc nghiên cứu, nhiều quyền lợi của NLĐNC chưa được bảo đảm như tiền công làm thêm giờ, làm đêm, ngày nghỉ của NLĐNC chưa được trả theo quy định của Bộ luật Lao động; Việc tăng lương và tính định mức lao động, đơn giá sản phẩm chưa được thỏa đáng; Việc làm cho NLĐNC chưa ổn định; Việc trích nộp bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội của NLĐNC bị vi phạm; ngoài ra còn có sự phân biệt giới trong đối xử giữa lao động nữ và nam tại địa phương, làm cho NLĐNC dễ bị tổn thương và thiếu chỗ dựa tin cậy...

Thiệt thòi nhất ở đây chính là nhân công ngoại tỉnh, bởi họ thường xuyên bị "đói" thông tin tuyển dụng. Tại Hà Nội, đã xuất hiện trường hợp giả danh có quan hệ với doanh nghiệp trong KCN để lừa người lao động.
Do nhiều hạn chế đã làm cho đời sống của NLĐNC dễ bị tổn thương và thiếu bệ đỡ cả vật chất lẫn tinh thần, như: Môi trường, điều kiện làm việc, nơi cư trú còn nhiều hạn chế và còn thiếu những điều kiện cho việc bảo đảm thực hiện trên thực tế các quyền của NLĐNC; Vai trò của chính quyền/tổ chức/đoàn thể chưa được phát huy và thực hiện tốt; Thiếu thông tin, thiếu sự hỗ trợ và giúp đỡ cần thiết. Tiếp theo đó là những yếu tố như thiếu việc làm và không có việc làm, xa gia đình và người thân, ít người giúp đỡ, gặp khó khăn về kinh tế, không tài sản tích lũy; đời sống vật chất khó khăn, đời sống tinh thần nghèo nàn, nhận thức lệch lạc, suy nghĩ bi quan, lối sống tiêu cực, thiếu tương lai; cùng với tệ nạn xã hội, môi trường sống thiếu an toàn, thiếu các dịch vụ thiết yếu nơi cư trú, thiếu sự quan tâm, hỗ trợ của các chủ thể liên quan... nên NLĐNC dễ rơi vào nguy cơ bị lợi dụng, lừa gạt.

Dựa vào những thống kê trên đây, nghiên cứu đã đề xuất những giải pháp, như: Nâng cao nhận thức đối với các nhà chức trách, cán bộ đoàn thể, NLĐNC về bảo đảm quyền của NLĐNC, về giải quyết các vấn đề của NLĐNC gặp phải thông qua các hình thức như tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của các nhà chức trách, cán bộ đoàn thể ở địa phương về vấn đề NLĐNC; Vai trò, trách nhiệm của địa phương trong giải quyết vấn đề NLĐNC, bảo đảm quyền của họ được “làm việc đàng hoàng, sinh sống đàng hoàng” và không mắc vào các tệ nạn xã hội; Phải công khai và phổ biến rộng rãi các thông tin về những vấn đề, nguy cơ xảy ra đối với NLĐNC (Theo đó, NLĐNC phải được: tập huấn và tiếp cận thông tin, nâng cao nhận thức và kỹ năng giải quyết những vấn đề, nguy cơ xảy ra khi di cư); Hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật nhằm bảo đảm tốt hơn quyền của NLĐNC tại nơi cư trú; Hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật nhằm bảo đảm tốt hơn quyền của người NLĐNC tại nơi làm việc; Giải quyết các vấn đề mà NLĐNC đang gặp phải nhằm giảm nguy cơ tệ nạn xã hội xảy ra đối với NLĐNC trên địa bàn.

Cũng theo báo cáo nghiên cứu về người lao động nhập cư ở VN của Actionaid hai năm trước đây, kết quả phỏng vấn công nhân từ các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ đến Hà Nội tìm việc, cho thấy:
Khi lựa chọn doanh nghiệp vào làm việc, 45% số lao động thiếu thông tin về tiền lương, 40% về yêu cầu kỹ năng tay nghề; 55% chưa hề được đào tạo nghề, 36% được đào tạo nghề may và 8% được đào tạo các nghề khác; 62% số người ra thành phố làm việc là do cần tiền, 72% muốn kiếm được nhiều tiền…
Vào những tháng cao điểm, các doanh nghiệp này thường tăng ca, người lao động phải làm thêm giờ. Thu nhập ít được cải thiện, điều kiện lao động không thuận lợi cùng với ngày làm việc kéo dài cộng thêm những áp lực nặng nề về chi phí, giá cả đắt đỏ của mức sống TP, vấn đề nhà ở... khiến KCN - KCX không hấp dẫn người lao động, họ không có dự định làm việc lâu dài.
Ở TPHCM, 30% số lao động có ý định chuyển việc. Ở Hà Nội, con số này là 25%. Tỉ lệ biến động lao động lên đến 35-40%. Tình trạng "cò" môi giới việc làm, ăn chặn tiền của người lao động cũng là vấn đề bức xúc của người lao động tại KCN. Mất cân đối trong cung cầu là nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên.
Những nguyên nhân trên khiến ngay cả việc tuyển dụng lao động phổ thông làm việc tại KCN - KCX cũng khó khăn, đặc biệt tập trung nhiều ở các ngành gia công hàng xuất khẩu. Điều đó, gây ra sự mất ổn định lực lượng lao động, khiến các doanh nghiệp phải liên tục tuyển công nhân, ảnh hưởng đến sản xuất và lợi nhuận.

Đứng trước thực trạng của vấn đề NLĐNC, Tổ chức Action Aid và các ban, ngành chức năng cho rằng các tỉnh, thành phố trên cả nước cần có chính sách thu hút mạnh đầu tư nước ngoài, chú ý đến các dự án có quy mô nhỏ gắn với khu vực nông thôn, phát triển công nghiệp chế biến và các ngành tiểu thủ công nghiệp nhằm giải quyết việc làm tại chỗ, hạn chế các dòng lao động di cư từ nông thôn vào các tỉnh, thành phố lớn. Theo đó, cần đẩy mạnh chương trình đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực, tăng cường đầu tư giáo dục phổ thông, phát triển phổ cập, dạy nghề đại trà tại khu vực nông thôn.

 

Trong năm 2008, tại TPHCM có tổng cộng 57 DN gặp khó khăn dẫn đến trên 10.000 CN mất việc. Các cấp công đoàn đã giới thiệu việc làm mới cho hơn 7.000 CN; có 1.600 CN tự tìm việc hoặc đã trở về quê; còn 1.400 CN ốm đau, thai sản, lớn tuổi thì các cấp Công Đoàn đã vận động các đơn vị chăm lo theo chương trình "Cùng CN vượt khó".

Tuy nhiên, năm nay theo cảnh báo của các chuyên gia về LĐ, với tình hình LĐ năm 2009, nếu NLĐ không chấp hành nghiêm túc nội quy LĐ của DN ngay từ những ngày đầu năm, thì có thể dễ dàng bị mất việc làm cả năm. Năm 2009, các DN trong các KCN-KCX có khả năng cắt giảm khoảng trên 8.000 LĐ. Cơ hội "nhảy việc", nhất là đối với LĐ phổ thông là điều không tưởng.

N.B (tổng hợp)