itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Trong nước / DN nhỏ với chiến lược xuất khẩu trực tiếp

Doanh nghiệp nhỏ với chiến lược xuất khẩu trực tiếp

CN kiểm tra hàng trước khi đóng gói

ItaExpress - Với bề dày hơn 20 năm sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực xuất khẩu mây tre giang đan đến nay Công ty Tiên Phương I ngoài xây dựng được hệ thống bạn hàng truyền thống, xây dựng hệ thống nhà xưởng khang trang.

Không chỉ lên kế hoạch sản xuất kinh doanh trong năm mà Công ty đã xây dựng được một chiến lược kinh doanh dài hơi, sản phẩm của Công ty đang dần chiếm lĩnh thị trường nhiều nước trên thế giới.

Tiền thân của Công ty là một cơ sở sản xuất chổi chít, chổi rơm của xã Tiên Phương (Chương Mỹ), hết thời kỳ bao cấp, các hợp tác xã , tổ hợp mây tre đan của xã tan dã do không tìm được đầu ra cho sản phẩm. Là người gắn bó, tâm huyết với nghề truyền thống của quê hương anh Nguyễn Danh Hùng đã mạnh dạn đứng ra thành lập Công ty Tiên Phương I, nghiên cứu, sáng tạo các mẫu hàng thủ công mang đi các nơi chào hàng. Không chỉ tìm được đầu ra ổn định cho các sản phẩm chổi chít, chổi rơm của xã Tiên Phương, anh còn ký được nhiều mã hàng mây tre, giang đan các loại. Qua nhiều năm sản xuất, kinh doanh hiệu quả, Công ty đã tạo dựng được hệ thống bạn hàng truyền thống. Biết tiếng Công ty, nhiều bạn hàng đã tự tìm đến trao đổi, ký kết làm ăn. Ngoài tập trung làm tốt các đơn hàng đã ký với các công ty xuất khẩu lớn trong nước, Công ty xác định muốn phát triển mạnh, thì việc xuất khẩu trực tiếp là hết sức quan trọng.

Có thể nói bước ngoặt thực sự của doanh nghiệp (DN) là khi xây dựng được một đội ngũ quản lý chuyên nghiệp, vững về nghiệp vụ xuất khẩu và quan tâm tới xúc tiến thương mại, tiếp cận cộng nghệ thông tin trong giao dịch, ký kết.... với đối tác. Lần lượt 4 người con của giám đốc Nguyễn Danh Hùng đều tốt nghiệp Đại học Ngoại thương và cùng gia đình quản lý Công ty. Năm 1997 Công ty xuất được lô hàng đầu tiên sang Nhật đến nay thị trường xuất khẩu trực tiếp của Công ty đã được mở rộng sang nhiều nước như Mỹ, Ý, các nước Ả Rập thống nhất, các nước ở khu vực Trung Đông. Năm 2006 Công ty đã tiếp cận được thêm 3 thị trường xuất khẩu mới là Úc, Tanzania, Croatia đưa tỷ trọng xuất khẩu trực tiếp từ 30% mỗi năm lên trên 40%. Trung bình mỗi năm, doanh thu từ xuất khẩu trực tiếp của Công ty đã đạt từ 3-4 tỷ. Trong thời kỳ hội nhập ngày càng sâu rộng, DN đã mở rộng nhiều hình thức chào hàng, giao dịch qua Internet, quảng bá, giới thiệu DN thông qua các hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ ở Nhật, Nga, Đức....Công ty rất chú trọng tới nhân sự ở các vị trí quan trọng như quản đốc phân xưởng, nhân viên makettinh, nhân viên văn phòng...phải có trình độ đại học, tuỳ theo hiệu quả công việc, vị trí công tác Công ty sẵn sàng trả lương cao từ 3-4 triệu đồng/tháng. Mặt khác, ngoài trụ sở chính tại Km24 cụm Công nghiệp Phú Nghĩa, Công ty còn mở thêm một văn phòng đại diện tại Hà Nội để tiện cho việc xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm.

Giám đốc Nguyễn Danh Hùng giới thiệu mẫu hàng mới của công ty

Để tiết kiệm chi phí sản xuất, Công ty chỉ tổ chức tại xưởng 4 tổ, nhóm công nhân: tổ làm mẫu, tổ làm hàng tre cuốn sơn mài, tổ làm chổi và một tổ công nhân đóng gói, sơ chế sản phẩm, mỗi tổ từ 10-20 công nhân với mức lương trung bình đạt từ 600.000 đồng -1,2 triệu/tháng còn hầu hết các sản phẩm hàng giang, cói, guột....của Công ty được tổ chức sản xuất trong dân. Mặt khác, từ năm 2001 đến nay, Công ty đã đầu tư mở rộng hệ thống nhà xưởng lên gần 2 ha tại cụm CN Phú Nghĩa với đầy đủ các hạng mục công trình như nhà điều hành, xưởng sản xuất, kho hàng, phòng trưng bày giới thiệu sản phẩm...

Bên cạnh những mặt thuận lợi, trong quá trình sản xuất kinh doanh của Công ty còn gặp không ít khó khăn như: tổ chức sản xuất không tập trung nên chất lượng sản phẩm nhiều khi chưa đồng đều, nhân công phu thuộc vào mùa vụ, công tác giải phóng mặt bằng còn vướng mắc, một số hộ chưa chịu nhận tiền đền bù nên một số công trình của Công ty chưa xây dựng xong. Công ty đã đưa nhân sự đi thực tế tìm hiểu, học hỏi cách thức làm ăn của các công ty tiểu thủ công nghiệp của Trung Quốc để có những thay đổi, điều chỉnh phù hợp với thị trường quốc tế. Theo ông Nguyễn Danh Hùng, giám đốc Công ty cho biết: Cái khó khăn lớn nhất của DN hiện nay là tiếp cận được các bạn hàng lớn ở các nước và nhiều khi tiếp cận được thì một số DN xuất khẩu thủ công mỹ nghệ của ta, chào hàng sau thường hạ giá thành sản phẩm để cạnh tranh. Tuy nhiên khách hàng truyền thống, thân thiện có thể thông báo lại cho DN về mức giá để hai bên cùng bàn bạc tìm hướng giải quyết. Song cũng có nhiều khách hàng từ chối hợp đồng mà không đưa ra bất kỳ lý do khiến giá cả các mặt hàng thủ công mỹ nghệ ở các làng nghề rất bấp bênh, gây khó khăn cho các DN làm ăn uy tín. Công ty mong muốn các cơ quan chức năng cần có những chính sách hỗ trợ DN hơn nữa trong việc quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại, giới thiệu các đoàn khách, doanh nhân quốc tế đến tìm hiểu, thăm quan tại các DN, làng nghề. Qua đó các bên có thể trao đổi trực tiếp về lợi thế, tiềm năng của các DN tại làng nghề.

Bài và ảnh Trần Lê Thanh

Ý kiến

Log in or create a user account to comment.