itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Trong nước / FTA với EU: Việt Nam phải thay đổi từ pháp lý đến hệ thống tiêu chuẩn...

FTA với EU: Việt Nam phải thay đổi từ pháp lý đến hệ thống tiêu chuẩn...

"Từ nay đến lúc Hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết và đi vào hiệu lực, phía Việt Nam sẽ phải thay đổi khá nhiều cả về pháp lý, hệ thống tiêu chuẩn, lẫn cơ cấu ngành nghề và các chính sách chuyển dịch ngành mũi nhọn để phù hợp với các điều khoản của FTA với EU", Erwin Schweisshelm, Trưởng đại diện FES tại Việt Nam cho biết.

Chiều nay 27.8, tại cao ốc Hoàng Việt, Trung tâm Nghiên cứu quốc tế (SCIS) phối hợp với Báo Pháp luật TP.HCM tổ chức buổi tọa đàm “Hiệp định tự do thương mại đối với các doanh nghiệp và vai trò của các cơ quan dân cử”. Buổi tọa đàm thu hút nhiều học giả, các nhà nghiên cứu quan tâm đến hiệp định thương mại tự do.

Tại buổi tọa đàm, ông Erwin Schweisshelm, Trưởng đại diện tổ chức Friedrich-Ebert-Stiftung (FES) tại Việt Nam đã cung cấp những thông tin mới nhất về tình hình đàm phán hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam. Đến thời điểm này, Việt Nam và EU đã hoàn tất về cơ bản các thỏa thuận nguyên tắc của FTA, đánh dấu bằng một biên bản ghi nhớ.

Ông Erwin Schweisshelm cho biết từ nay cho đến cuối năm 2015, phía EU sẽ phải giải quyết một số vấn đề về mặt kỹ thuật liên quan đến thỏa thuận như vấn đề pháp lý để phù hợp với luật pháp châu Âu. Bên cạnh đó, phía EU sẽ phải chuyển ngữ văn bản thỏa thuận ra 23 thứ tiếng khác nhau rồi mới trình lên nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu phê chuẩn bản thỏa thuận FTA với Việt Nam.

Ông Erwin Schweisshelm cho biết phải đến cuối năm 2016 đầu năm 2017 thì FTA mới có thể có hiệu lực. Khi đó, Việt Nam sẽ là đối tác đầu tiên ký FTA với EU ở khu vực Đông Nam Á.

Theo trưởng đại diện FES tại Việt Nam, khi FTA giữa Việt Nam và EU có hiệu lực, hàng rào thuế quan sẽ được dỡ bỏ từ từ chứ không phải ngay lập tức, hơn thế nữa Việt Nam cũng phải đáp ứng một số điều kiện nhất định thì mới có thể nhận được những lợi ích rõ ràng sau khi ký kết FTA với EU. Cụ thể, đối với ngành dệt may, FTA quy định chặt chẽ về xuất xứ để áp dụng việc giảm thuế quan.

Theo đó, các sản phẩm dệt, may Việt Nam xuất khẩu sang các nước EU phải được tiến hành các bước kéo sợi, dệt vải và may tại Việt Nam hoặc các nước đã ký FTA với EU. Tuy nhiên, Việt Nam hiện nay phải nhập nhiều vải, sợi từ Trung Quốc. Do vậy, Việt Nam phải đầu tư vào các khâu thuộc chuỗi giá trị gia tăng nếu không sẽ rất khó cạnh tranh với các doanh nghiệp nước khác khi đưa hàng vào thị trường EU.

Trả lời Thanh Niên Online, ông Erwin Schweisshelm cho biết: Khi Việt Nam và EU ký kết FTA, bên cạnh những lợi ích đạt được, phía Việt Nam cũng phải đón nhận nhiều khó khăn và thách thức đòi hỏi sự thay đổi thức thời.

Trước hết, các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ gặp khó khăn rất lớn trong việc tiếp cận vốn và khả năng cạnh tranh. Bên cạnh đó, Việt Nam cần giải quyết vấn đề thu chi ngân sách sau khi hàng rào thuế quan bị dỡ bỏ hoặc cắt giảm.

Ông Erwin Schweisshelm cũng chia sẻ, trong thời gian từ nay đến lúc FTA được ký kết và đi vào hiệu lực, phía Việt Nam sẽ phải thay đổi khá nhiều cả về pháp lý, hệ thống tiêu chuẩn, lẫn cơ cấu ngành nghề và các chính sách chuyển dịch ngành mũi nhọn để phù hợp với các điều khoản của FTA với EU.

Nói về các vấn đề pháp lý và chính sách, tiến sĩ Franciska Brand, Giám đốc văn phòng hành chính và chuyên gia công pháp quốc tế của Quốc hội Đức, chuyên về các hiệp định thương mại tự do, đã chia sẻ về vai trò của các cơ quan dân cử đối với FTA. Cụ thể, các cơ quan này phải được tăng cường khả năng giám sát giai đoạn thực thi thỏa thuận thương mại tự do sau khi được ký kết.

Bên cạnh đó, bà Franciska Brand nhấn mạnh rằng FTA tác động đến rất nhiều nhóm xã hội khác nhau chứ không chỉ đơn thuần là các doanh nghiệp. Để giảm các tác động tiêu cực từ FTA đến các nhóm xã hội khác nhau, Việt Nam cần phải xây dựng cơ chế công khai thông tin về nội dung và tiến trình đàm phán, đồng thời làm rõ các điều khoản thỏa thuận cho từng nhóm đối tượng.

Ngọc Mai/ Thanh Niên