itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Trong nước / Tình hình lao động trong nước và lao động Việt Nam ở nước ngoài năm 2009

Tình hình lao động trong nước và lao động Việt Nam ở nước ngoài năm 2009

Ông Nguyễn Đại Đồng, cục trưởng cục Việc làm bộ Lao động thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) khẳng định, năm 2009 sẽ có tối đa 400.000 người bị mất việc do kinh tế suy giảm. Cắt giảm lao động đang là vấn đề khiến không ít các nhà quản lý các doanh nghiệp, đặc biệt là những người lao động phải đau đầu. Một bài toán không dễ giải trong tình hình kinh tế suy thoái hiện nay.

Lao động Việt Nam ở nước ngoài

Khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng xấu đến kinh tế các nước trên thế giới và tác động tiêu cực đến việc làm, đời sống của người lao động tại nhiều nước. Ở một số thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam, nhiều nhà máy, xí nghiệp phải thu hẹp sản xuất, đóng cửa dẫn đến việc lao động thiếu việc làm, giảm thu nhập hoặc mất việc làm phải về nước trước hạn hợp đồng.
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, trước tình hình thị trường LĐ ngoài nước còn có những diễn biến phức tạp, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của LĐVN được đưa đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, cũng như giảm thiểu rủi ro và những thiệt hại cho DN XKLĐ, một số nước đã có chính sách đối với LĐ nước ngoài phải chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn.

Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thanh Hoà: Không để người lao động phải trắng tay về nước
Trao đổi với PV Lao Động chiều ngày 5.2, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thanh Hòa khẳng định: Trước tình hình thị trường lao động ngoài nước có những diễn biến phức tạp do ảnh hưởng suy thoái kinh tế thế giới, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của LĐ Việt Nam được đưa đi làm việc ở nước ngoài phải về nước trời thời hạn, trước tiên bộ yêu cầu các doanh nghiệp XKLĐ phải thực hiện bồi thường cho NLĐ đúng theo những gì luật pháp đã đề ra. DN nào không thực hiện được sẽ phải chịu trách nhiệm.
Thứ hai, các DN cũng phải thanh lý sòng phẳng cho người lao động các loại phí (tiền môi giới, tiền dịch vụ) đã đóng. Còn lại, tùy điều kiện, mỗi DN hỗ trợ thêm cho NLĐ được bao nhiêu tốt bấy nhiêu. Về phía quỹ hỗ trợ XKLĐ, những ai thuộc diện đối tượng của quỹ thì phải tiến hành hỗ trợ ngay. Chúng tôi cũng đang yêu cầu xem xét khả năng mở rộng đối tượng của quỹ. Làm sao để đảm bảo tinh thần chung là không được để người nghèo đi XKLĐ phải trắng tay khi về nước.

Sớm có giải pháp

Theo dự báo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), các nền kinh tế lớn phải đến hết quý 3/2009 mới có thể bắt đầu hồi phục. Đây chính là vấn đề khó khăn và là thách thức rất lớn mà các doanh nghiệp xuất khẩu lao động nói riêng và xuất khẩu lao động Việt Nam nói chung phải đối mặt.

Hiệp hội Xuất khẩu lao động mới đây đã đưa ra một số khuyến cáo với doanh nghiệp xuất khẩu lao động Việt Nam.

Thứ nhất, cần liên hệ chặt chẽ với các đối tác nước ngoài để cùng nhau tính toán đưa ra các dự báo về nhu cầu cung ứng lao động năm tới, trong đó phải tính kỹ tác động của khủng hoảng kinh tế đến các ngành chủ chốt như sản xuất ôtô, hàng điện tử cao cấp, xây dựng công trình.

Tránh việc tuyển và đào tạo nguồn quá nhiều, làm cho người lao động chờ đợi lâu mà không đi được, dễ phát sinh bức xúc trong tâm lý. Trước khi ký hợp đồng cần thẩm định kỹ tính lâu bền, ổn định của công việc.

Thứ hai, nắm chắc các quy định của luật pháp nước tiếp nhận lao động về chế độ bồi thường đối với người lao động bị mất việc làm do doanh nghiệp thu hẹp sản xuất hoặc phá sản, để kịp thời can thiệp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

Thứ ba, theo dõi chặt chẽ các biến động của các đơn vị lao động đang làm việc ở nước ngoài. Hiện tượng có thể xảy ra là các doanh nghiệp nước ngoài gặp khó khăn về đơn hàng nên người lao động không có giờ làm thêm, thậm chí phải nghỉ chờ việc dẫn đến thu nhập thấp, phát sinh các phản ứng thái quá, vi phạm luật pháp dễ bị doanh nghiệp nước ngoài mượn cớ để sa thải người lao động hưởng quyền trợ cấp mất việc do luật pháp nước sở tại quy định.

Thứ tư, cán bộ quản lý của doanh nghiệp ở nước ngoài cần theo dõi chặt chẽ tình hình việc làm của các đơn vị lao động, tránh để người lao động không được hưởng trợ cấp mất việc và quyền lợi khác khi phải về nước trước hạn.

Thứ năm, nghiên cứu các phương án thanh lý hợp đồng đối với người lao động về trước hạn theo từng thị trường. Tuỳ thuộc vào chi phí trước khi đi, thời gian đã làm việc, mức thu nhập, khả năng đối tác môi giới hoàn lại một phần tiền môi giới hợp đồng, trợ cấp mất việc của doanh nghiệp nước ngoài, từ đó cân nhắc mức hỗ trợ thêm của bản thân công ty.

Lao động trong nước

Theo báo cáo của 41 tỉnh, thành phố: số NLĐ mất việc trong năm 2008 (tính đến ngày 23/1/2009) là 66.700 người. Số NLĐ mất việc làm tập trung ở những thị trường lao động phát triển như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh; trong đó, cao nhất là thành phố Hồ Chí Minh (19.000 lao động mất việc), Hà Nội (10.000 người), Bình Dương, Đồng Nai (9.000-10.000 người). Tuy nhiên, các địa phương mới chỉ báo cáo số NLĐ mất việc chứ chưa thống kê số NLĐ đã tìm được việc làm mới. Riêng tại thành phố Hồ Chí Minh, qua khảo sát của Cục có 78% trong tổng số NLĐ mất việc đã tìm được việc làm mới. Ở Đồng Nai có 10.000 NLĐ mất việc nhưng nhu cầu tuyển dụng lại lên tới 50.000 người.

Hỗ trợ người lao động thông qua doanh nghiệp

Theo đề án “ Hỗ trợ người lao động mất việc làm do kinh tế suy giảm”, với tổng kinh phí thực hiện không hạn chế. Các doanh nghiệp gặp khó khăn do suy giảm kinh tế mà phải giảm số lao động hiện có từ 30% trở lên, hoặc từ 100 lao động trở lên (không kể lao động thời vụ có thời hạn dưới ba tháng) và sau khi đã sử dụng các nguồn của doanh nghiệp mà vẫn chưa có khả năng thanh toán tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội và tiền trợ cấp mất việc làm, hoặc trợ cấp thôi việc cho số lao động đã giảm, sẽ được vay vốn tại ngân hàng Phát triển Việt Nam. Mức vay tối đa của doanh nghiệp bằng số kinh phí để thanh toán số nợ tiền lương và các khoản khác phải trả cho người lao động bị mất việc làm không lãi suất, thời hạn vay là 12 tháng.

Ông Nguyễn Thanh Hoà, thứ trưởng bộ LĐ-TB&XH cho biết, để được vay vốn, doanh nghiệp phải lập phương án sắp xếp lao động, xác định nhu cầu vay vốn và lập hồ sơ vay vốn theo quy định của sở LĐ-TB&XH tỉnh, thành nơi trú đóng. Đồng thời, báo cáo với cơ quan này về việc đã thực hiện sắp xếp lại lao động, thanh toán tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội, trợ cấp mất việc làm, hoặc trợ cấp thôi việc cho người lao động trong thời hạn bảy ngày kể từ ngày được vay vốn.

Đối với người lao động bị mất việc làm tại doanh nghiệp mà chủ doanh nghiệp bỏ trốn trong năm 2009, UBND cấp tỉnh ứng ngân sách địa phương trả cho người lao động khoản tiền lương mà doanh nghiệp đó còn nợ người lao động. Nguồn tạm ứng từ ngân sách địa phương được hoàn trả từ nguồn thu khi thực hiện xử lý tài sản của doanh nghiệp theo quy định hiện hành.

Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho người lao động bị mất việc làm trong các trường hợp trên, kể cả người lao động đi làm việc tại nước ngoài phải về nước trước thời hạn do doanh nghiệp nước sở tại gặp khó khăn, doanh nghiệp sẽ được vay vốn từ quỹ Quốc gia về việc làm, hoặc vay vốn từ ngân hàng Chính sách xã hội trong thời gian 12 tháng để tự tạo việc làm, học nghề.

H.N (tổng hợp)