itaexpress / Tin ITA / Sức khỏe / Cẩm nang sức khỏe / Mối đe dọa từ thiếu máu não thoáng qua

Mối đe dọa từ thiếu máu não thoáng qua

Thiếu máu não thoáng qua là trạng thái nhất thời, xảy ra đột ngột do các thiếu sót về chức năng thần kinh, thường hồi phục hoàn toàn sau 24 giờ và có xu hướng lặp lại nhiều lần. Tuy vậy, bệnh vẫn là yếu tố nguy cơ hàng đầu gây thiếu máu não và làm tăng tỷ lệ tử vong trong những năm đầu sau tai biến.

Trước đây, căn bệnh này được đề cập đến chủ yếu ở đối tượng trên 60 tuổi, nhưng những năm gần đây, sự gia tăng của bệnh tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, thừa cân - béo phì, đái tháo đường và tình trạng stress khiến cho tỷ lệ mắc bệnh ngày càng trẻ hoá, nhiều trường hợp đến khám bệnh chỉ ở tuổi 40, thậm chí trẻ hơn. Nếu không được điều trị, tai biến thiếu máu não thoáng qua sẽ làm tăng nguy cơ nhồi máu não và các tai biến tim mạch. Người ta thấy rằng có tới 8% bệnh nhân thiếu máu não thoáng qua bị nhồi máu não trong tháng đầu tiên, tỷ lệ này là 5% cho năm đầu tiên. Có đến 20% các bệnh nhân này có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não hoặc tử vong đột ngột trong vòng 5 năm đầu tiên. Như vậy việc chẩn đoán căn bệnh này có ý nghĩa rất quan trọng nhằm điều trị sớm và góp phần kiểm soát những biến chứng nguy hiểm. Do đó cần phải khám lâm sàng kỹ kết hợp với các xét nghiệm đường máu, mỡ máu, thời gian đông máu và nên làm các kỹ thuật như điện tim, siêu âm tim, điện não, chụp cắt lớp não, doppler sọ não, chụp mạch não... ngay sau khi các biểu hiện bệnh xuất hiện.

Nguyên nhân của bệnh thiếu máu não chủ yếu là do xơ vữa động mạch gây hẹp, tắc các mạch máu nuôi não.

Theo TS Trường, biến chứng nặng nhất của bệnh là nhồi máu não: Một vùng của não bị tổn thương không hồi phục do không có máu nuôi dưỡng trong vòng 6-8 giờ. Nguyên nhân là nhánh động mạch cấp máu bị tắc đột ngột và không được mở thông kịp thời.
TS Trường cho biết, khi bệnh nhân bị thiếu máu não, các triệu chứng chủ yếu là đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, mất thăng bằng. Thậm chí, có những cơn thiếu máu não thoáng qua, bệnh nhân có cảm giác yếu, bị bại, bị liệt đột ngột hoặc mất tiếng nói nhưng sau đó thì phục hồi. Đây là tình trạng bệnh nhân bị thiếu máu não, nhưng chưa bị nhồi máu não.
Theo đánh giá của các chuyên gia, số lượng bệnh nhân được điều trị căn bệnh này tương đối ít và các thông tin về bệnh đến bệnh nhân chưa đầy đủ. Hiện có hai cách điều trị: Tái thông mạch máu bằng phương pháp phẫu thuật kinh điển và tái thông mạch máu bằng phương pháp nội mạch. Tuy nhiên, đối với phương pháp phẫu thuật kinh điển, các bác sĩ ngoại khoa chỉ có thể áp dụng cho những tổn thương ở đoạn cổ ngoài sọ, còn tất cả các tổn thương vùng nền sọ trong não chưa thể can thiệp được.
Với tái thông mạch máu bằng phương pháp nội mạch, TS Trường cho biết hạn chế của phương pháp này là sự đòi hỏi trang thiết bị đắt tiền, đầu tư lớn, chi phí kỹ thuật cao, nên không thể triển khai đồng đều ở các khu vực (cả nước hiện chỉ có 4 bệnh viện có thể thực hiện kỹ thuật này, trong đó có Bệnh viện quân đội 108).
Tại Bệnh viện Quân đội 108, qua 3 tháng triển khai kỹ thuật này từ tháng 9, 10, 11, đã điều trị cho 5 trường hợp nhồi máu não cấp nặng, đến nay các bệnh nhân đều khoẻ. Theo các nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ thành công của phương pháp điều trị can thiệp nội mạch là 98%.

Món ăn bài thuốc trị thiếu máu não

Canh gan lợn rau chân vịt, cháo tam hồng và canh hoàng kỳ, đại táo, a giao là những món ăn bài thuốc đơn giản, dễ làm nhưng có hiệu quả cao trong hỗ trợ điều trị chứng thiếu máu.

Bệnh thiếu máu do nhiều nguyên nhân gây ra, có thể do bệnh mạn tính, giun móc, có thai, suy dinh dưỡng, chấn thương... Người bệnh có biểu hiện mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, hay quên, hồi hộp, đoản khí, tóc khô giòn dễ rụng...

Nguyên nhân gây thiếu máu thường gặp nhất là thiếu sắt, ảnh hưởng đến sự hình thành huyết cầu tố. Ngoài việc dùng thuốc, người bệnh có thể sử dụng các món canh và cháo sau:

Canh gan lợn rau chân vịt

Nguyên liệu: rau chân vịt tươi: 200-300 g (để nguyên rễ), gan lợn 150 g. Rửa sạch rau chân vịt, thái thành từng đoạn; gan lợn rửa sạch thái miếng mỏng. Đun sôi nước, cho một ít gừng tươi thái nhỏ cùng với một lượng muối vừa phải, sau đó cho gan lợn và rau chân vịt vào, tiếp tục đun cho gan chín là được. Có thể dùng làm canh trong bữa ăn hằng ngày.

Thực tế cho thấy gan lợn và rau chân vịt kết hợp có tác dụng bổ huyết rõ ràng, vừa là loại thức ăn bổ dưỡng, vừa có tác dụng điều trị thiếu máu do thiếu sắt, làm cho da trở nên hồng hào khỏe mạnh.

Cháo tam hồng bổ huyết ích nhan

Nguyên liệu: hồng táo (táo tàu) 12 quả, kỷ tử 30 g, gạo nếp cẩm 50 g, đường 20-30 g. Rửa sạch hồng táo, kỷ tử, gạo nếp, cho tất cả vào xoong và đun lửa to cho sôi, sau đó chuyển sang dùng lửa nhỏ tiếp tục đun cho đến khi chín nhừ thành cháo. Cho đường vào khuấy đều và chia làm hai phần ăn vào sáng, tối.

Bài này có tác dụng dưỡng can ích huyết, bổ thận cố tinh; sử dụng rất thích hợp cho người gầy yếu, suy dinh dưỡng, thiếu máu, da xanh, niêm mạc nhợt.

Canh hoàng kỳ, đại táo, a giao

Nguyên liệu: hoàng kỳ 18 g, đại táo 10 quả, a giao 9 g. Cho hoàng kỳ và đại táo vào ấm với lượng nước vừa phải, đun trong thời gian khoảng 60 phút rồi chắt lấy nước, cho a giao và khuấy đều cho tan và uống hết. Mỗi ngày dùng 1 lần.

Những bài thuốc nói trên có thể dùng trong thời gian dài cho đến khi đem lại kết quả.

H.N (tổng hợp)