itaexpress / Tin ITA / Sức khỏe / Giới tính / Kiến Thức giới tính: 16 tuổi, không còn khả năng làm mẹ

Kiến Thức giới tính: 16 tuổi, không còn khả năng làm mẹ

Tôi sinh ra đã thiệt thòi. Bố mất sớm. Mẹ lăn lộn với cuộc sống để lo cho ba chị em tôi ăn học tử tế. Đồng nghĩa với việc đó, mẹ không có nhiều thời gian để quan tâm, chăm chút cho chúng tôi. Ba chị em đều học cách tự lập từ khi còn rất nhỏ.

Tuổi dậy thì của tôi trôi qua đầy… “vụng về”. Mẹ chỉ mua cho tôi gói “bánh” đầu tiên trong đời. Còn rất nhiều những băn khoăn thắc mắc khác… tôi cũng chẳng thể chia sẻ với hai đứa em của mình.

Mỗi lần “đến ngày”, tôi lại thấy mình đau bụng dữ dội. Những cơn đau kéo dài kèm theo chóng mặt, nhức đầu và buồn nôn khủng khiếp. Đó là những tháng ngày khổ sở, vì tôi… hoảng loạn thực sự, cứ nghĩ rằng mình bị như vậy là do một… căn bệnh khủng khiếp nào đó. Đôi khi, tôi còn cứ nghĩ mình… sắp chết nữa!

Tình yêu đầu tiên đến vào tuổi 16. Chúng tôi học cùng một lớp và tất nhiên đó chỉ là tình yêu của hai đứa trẻ con.

Một đứa bạn thân thủ thỉ với tôi rằng, chỉ cần có “chuyện ấy” thì những cơn đau bụng kéo dài từng hành hạ tôi sẽ biến mất hoàn toàn. Cô bạn ấy còn khẳng định như “đinh đóng cột”: Đó là do chính mẹ cô ấy bảo. Tôi đã tin lời cô bạn ấy.

Khi sự tò mò giới tính của tuổi mới lớn có quyền lực quá lớn và niềm tin “sẽ hết đau, sẽ khỏi bệnh” ngày một chắc chắn trong tôi, tôi đã gật đầu trước cậu bạn. Và chúng tôi đã có “chuyện ấy”…

Một - hai tháng trôi qua, tôi thấy mình hết bị những cơn đau bụng hành hạ thật. Kèm theo đó, những ngày “đến tháng” cũng không xuất hiện nữa. Những suy nghĩ của một con bé 16 tuổi chỉ đủ để tôi nghĩ rằng: “Cô bạn mình nói đúng!”.

Phải đến 3 tháng sau, khi mà vòng 2 cứ tăng dần lên một cách bất thường và trong người cảm thấy vô cùng khó chịu, tôi mới thấy sợ và bắt đầu tìm thông tin trên sách báo. Lúc này, tôi mới nghĩ đến chuyện: Có lẽ mình… mang thai!

Tất nhiên, việc đầu tiên tôi làm là thông báo cho “người yêu” của mình. Vừa nghe xong, cậu ấy đã hốt hoảng, còn… cuống hơn cả tôi và không biết phải làm như thế nào.

Tôi nói với cậu ấy rằng, phải đi “phá” thôi. Cậu ấy gật đầu ngay! Và chúng tôi tìm đến một phòng khám nhỏ trên đường T, cách xa trung tâm thành phố, vì ở gần tôi sợ ai đó nhìn thấy mình.

Họ nói với tôi rằng sẽ rất nguy hiểm vì cái thai đã hơn ba tháng. Hơn nữa tuổi của tôi còn quá non và mọi thứ sẽ phức tạp lắm. Nhưng tôi kiên quyết làm, vì không còn lựa chọn nào khác.

Tiếng dao kéo lách cách, tiếng họ nói với nhau… làm tôi thấy sợ. Nỗi đau đớn tột cùng về cả thể lẫn tâm hồn, lần đầu tiên tôi cảm nhận thấy một cách đầy đủ.

Trở về nhà, tôi trở nên trầm tính, cả ngày không nói một câu.

Một ngày - hai ngày, thậm chí cả tuần, những cơn đau quặn thắt cứ bám lấy tôi. Máu vẫn ra và tôi thấy dường như mình kiệt sức.

Bạn ấy lại đưa tôi đi, nhưng lần này là vào bệnh viện và trong tình trạng cấp cứu. Các bác sĩ nói rằng tôi đã đi phá ở một cơ sở không đảm bảo chất lượng, bị nhiễm trùng rất nặng.

May mắn là tôi đã được đưa đến viện kịp thời, song đi kèm với đó cũng là cái tin làm tôi như gục ngã: Sau này, tôi không còn được làm mẹ nữa.

Nằm trên giường, ngay cả giọt nước mắt tôi cũng không khóc nổi. Bản năng tự nhiên của một người con gái trỗi dậy, tôi thấy đau đớn hơn bao giờ hết.

Bạn ấy nắm lấy tay tôi, an ủi: “Tớ sẽ luôn ở bên cạnh ấy!”. Nhưng tình yêu tuổi 16 có gì bền chặt để mà tin tưởng và hi vọng? Một người con gái biết mình không còn khả năng làm mẹ, sau này, tôi sẽ sống - sẽ yêu - sẽ hi vọng gì về một mái ấm trong tương lai?

Chia sẻ

Những thông tin lầm lạc “rỉ tai” với nhau nhiều lúc lại dẫn đến những hậu quả khôn lường. Bạn cần đủ yêu chính bản thân mình để tỉnh táo mà “chắt lọc” những thông tin ấy.

Đừng phó mặc những vấn đề liên quan đến sức khỏe cả cuộc đời mình cho những trung tâm, phòng khám nhỏ và thiếu kinh nghiệm. Dù có bất cứ vấn đề gì, chỗ duy nhất bạn nên ghé thăm là bệnh viện và nhờ sự giúp sức của các bác sĩ giới tính.

Câu chuyện nhỏ nhưng là bài học lớn cho việc nhận thức giáo dục giới tính còn quá hạn hẹp của các bạn trẻ tuổi teen.

Những hậu quả của nạo phá thai 

- Tai biến gây tê - gây mê: Trong gây mê có tai biến khoảng 1/2.000 và tử vong là 1/8.000. Có lẽ đối với girl con số này là quá nhỏ nhưng khi thực hiện nạo phá thai ở các cơ sở không đảm bảo chất lượng thì trường hợp này rất dễ xảy ra.

- Xuất huyết: Những người sau khi nạo phá thai dễ rơi vào tình trạng này, nhưng chỉ khoảng 0.05 % có xuất huyết quá 500ml.

- Thủng tử cung: Thủng trong quá trình nong cổ tử cung hoặc thủng trong khi nạo hút thai. Hai trường hợp này đều nguy hiểm như nhau và rất khó nhận biết.

- Máu tụ: Thường xảy ra trong giờ đầu sau phá thai.

- Rách cổ tử cung: Đây là trường hợp hiếm gặp và lành tính, thường rách một phần cổ tử cung, chảy máu ít và để lại sẹo.

Theo Dân Trí