itaexpress / Tin ITA / Thế giới / Bình luận / Hàng nghìn tỷ USD bị bốc hơi khỏi phố Wall

Hàng nghìn tỷ USD bị bốc hơi khỏi phố Wall

Thị trường chứng khoán và nhà đất Mỹ đều thiệt hại nặng nề vì giá sụt giảm. Ảnh: AFP

Các ngân hàng trung ương đã và đang bơm hàng trăm tỷ USD vào lưu thông, nhưng hàng nghìn tỷ USD "biến mất" khỏi thị trường nhà đất và cổ phiếu. Nhiều người tự hỏi toàn bộ quá trình này diễn ra như thế nào.

Dưới đây là lý giải của chuyên gia kinh tế John Sloman thuộc Economics Network.

Tiền gồm 2 thành tố chính. Thứ nhất là tiền mặt (tiền giấy và xu). Tổng số tiền mặt tại Anh là trên 50 tỷ bảng (79,5 tỷ USD), trong đó khoảng 43 tỷ bảng lưu hành ngoài thị trường và 7 tỷ bảng nằm trong các két sắt và ATM. Nhưng tiền mặt chỉ là một phần nhỏ trong toàn bộ lượng tiền của nền kinh tế.

Phần lớn còn lại nằm trong các khoản tiền gửi ngân hàng. Lượng này tại Anh vào khoảng 1.800 tỷ bảng (2.862 tỷ USD). Chức năng chính của tiền là để thanh toán và với những hàng hóa giá trị lớn, người ta không dùng tiền mặt. Khi mua sắm, người tiêu dùng thanh toán qua tài khoản, và sẽ có sự chuyển tiền từ tài khoản này sang tài khoản khác. Lượng tiền khi đó chỉ là một con số về lượng tiền gửi, được ghi lại trên bảng cân đối tài sản.

Ngân hàng không phải là những chiếc két sắt khổng lồ. Nếu khách hàng chi trả 100 USD, ngân hàng không giữ nguyên số tiền đó, và đợi đến lúc họ rút nó ra. Trong thời điểm hoạt động bình thường, chỉ một lượng nhỏ tiền được giữ ở ngân hàng để khách có thể rút.

Phần lớn bảng cân đối tài sản của khách hàng trong tài khoản vẫn nằm tại ngân hàng. Ngay cả khi khách hàng chi tiêu, phần lớn là các khoản tiền được chuyển khoản, chứ không phải giao dịch bằng tiền mặt.

Số tiền các ngân hàng đang nắm giữ được cho các cá nhân khác, các doanh nghiệp và cả các nhà băng khác vay. Khi người đi vay chi tiêu các khoản tiền này, ví dụ như các cửa hàng, thì cửa hàng gửi lại số tiền đó vào ngân hàng. Những khoản tiền gửi này tiếp tục được biến thành các khoản vay mới cho những khách hàng mới. Cứ như vậy, càng ngày càng có thêm nhiều khoản tiền gửi và khoản vay. Các khoản tiền gửi được tính bằng tiền mặt, và cứ thế tiền sinh sôi, song thực chất không có thêm tiền mặt.

Tuy nhiên, các ngân hàng thường rất thận trọng để làm sao giữ đủ tiền mặt để đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng. Mặt khác, nếu các ngân hàng thiếu thanh khoản, họ đều có thể vay từ ngân hàng trung ương.

Nhưng đây là những gì diễn ra trong thời điểm thị trường ngân hàng diễn biến bình thường. Điều gì sẽ xảy ra nếu người dân lo lắng về việc nhà băng không có đủ tiền mặt, thậm chí không thể duy trì hoạt động? Hậu quả là những gì đã xảy ra với ngân hàng Northern Rock của Anh, khi người gửi tiền lũ lượt đến rút tiền khỏi nhà băng.

Gần đây các ngân hàng trung ương phải cho các ngân hàng thương mại vay những khoản tiền lớn, đồng thời được chính phủ cho phép in lượng tiền mới sao cho đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường. Nhưng vẫn có hàng nghìn tỷ USD "bốc hơi" khỏi phố Wall và các ngân hàng mất hàng trăm tỷ USD. Số tiền khổng lồ đó đã đi đâu?

Thực tế, số tiền vẫn ở đó. Tuy nhiên, giá trị của tiền đã bị xói mòn bởi lạm phát. Nếu tỷ lệ lạm phát từ đầu năm tới nay là 5%, thì 100 USD hôm nay chỉ mua được những gì đáng giá 95 USD vào cuối năm trước, và chỉ mua được một nửa những gì mua được vào 20 năm trước. Đây cũng là lý do người gửi tiết kiệm được trả lãi suất để họ chi tiêu tiết kiệm hơn.

Trong vài năm trước, tình trạng cho vay dưới chuẩn diễn ra tràn lan tại Mỹ, khi ngân hàng cho những người ít có khả năng trả nợ vay. Những khoản vay này chủ yếu được dùng để mua nhà và giá nhà đất đã sụt giảm. Nếu những người mua nhà này có bán đi, họ cũng không lấy lại được đủ tiền.

Với chứng khoán cũng tương tự. Nếu một năm trước bạn bỏ ra 1.400 USD để đầu tư tại Mỹ, đến nay bạn chỉ còn lại dưới 1.000 USD.

Các khoản tiền gửi trong ngân hàng vẫn còn nguyên, nhưng giá trị đã giảm đi nhiều. Tuy nhiên, tình trạng giá trị tài sản giảm sút vàng thúc đẩy việc tạo ra thêm tiền. Nếu các ngân hàng lo ngại về nợ xấu, họ sẽ hạn chế cho vay. Trong bối cảnh khủng hoảng tín dụng, người dân sẽ tiêu dùng ít hơn và họ cũng ít gửi tiền vào ngân hàng hơn. Đến lượt mình, ngân hàng cũng sẽ cho vay ít đi. Cứ như vậy, nền kinh tế sẽ rơi vào suy thoái.

Cuối cùng, tiêu dùng ít hơn và thu hẹp sản xuất sẽ dẫn tới thất nghiệp và sản phẩm của nền kinh tế ít đi. Như vậy, các ngân hàng trung ương lại phải bơm thêm tiền mặt vào lưu thông, và lại làm lạm phát gia tăng.

Trương Định (theo BBC,VNE)