itaexpress / Tin ITA / Thế giới / Bình luận / Hòa giải dân tộc - chìa khóa ổn định đất nước

Năm năm sau cuộc chiến tranh của mỹ tại Iraq: Hòa giải dân tộc - chìa khóa ổn định đất nước

Ðã năm năm trôi qua kể từ khi liên quân do Mỹ đứng đầu tiến vào Iraq (ngày 20-3-2003), lật đổ chế độ của Tổng thống S.Hussein, người dân nước này tiếp tục chịu cảnh bạo lực, mất ổn định, cuộc sống thiếu thốn. Trong khi đó, gần bốn nghìn lính Mỹ chết; chi phí chiến tranh không ngừng tăng.

Những tháng đầu năm 2008, bạo lực lại rộ lên khắp nơi trên đất nước Iraq, sau khi giảm mạnh từ nửa cuối năm 2007, cho thấy tình hình an ninh nước này chưa có dấu hiệu được cải thiện, bất chấp những nỗ lực của Chính phủ Iraq và quân đội Mỹ.

Trong báo cáo hằng quý về tình hình Iraq trình QH ngày 11-3, Bộ Quốc phòng Mỹ nêu rõ: số người thiệt mạng trong các vụ xung đột sắc tộc ở Iraq giảm gần 90% so với trước tháng 6-2007; số dân thường và lính liên quân chết cũng giảm hơn 70%.

Tuy nhiên, theo số liệu của quân đội Mỹ tại Iraq, riêng tháng 2-2008 đã có 721 dân thường Iraq chết vì bạo lực, tăng 33% so với tháng 1. Chính quyền Baghdad và Lầu năm góc cho rằng bạo lực gia tăng là "hệ quả nhất thời" của các chiến dịch tăng cường truy quét quân nổi dậy; về cơ bản an ninh đã được bảo đảm hơn, mở ra cơ hội để ban lãnh đạo Iraq đẩy mạnh hòa giải dân tộc, tăng cường huấn luyện các lực lượng an ninh quốc gia, triển khai nhiều dự án kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống người dân.

Thực tế cho thấy an ninh ở Iraq rất mong manh và nước này đứng trước nguy cơ bị cuốn vào vòng xoáy bạo lực do các nhóm khủng bố được Al Qaeda hậu thuẫn, thay đổi chiến thuật, chuyển hướng tiến công quy mô lớn, gây tiếng vang nhằm kích động bạo lực giữa các cộng đồng sắc tộc và tôn giáo, đẩy Iraq vào tình trạng hỗn loạn.

Không chỉ thường trực nỗi lo bạo lực và khủng bố, người Iraq còn tiếp tục sống trong cảnh thiếu thốn. Theo ước tính của LHQ, kể từ cuối năm 2007 khoảng bốn triệu người Iraq phải chật vật kiếm ăn; 40% trong số 27 triệu dân thiếu nước sạch; hơn 2,5 triệu người phải rời bỏ nhà cửa lánh nạn, gấp đôi con số của năm 2006; 70% số bác sĩ chuyên khoa bỏ ra nước ngoài. Hệ thống điện quốc gia bị chiến tranh tàn phá khiến hàng triệu người sống thiếu điện. Người dân đất nước có trữ lượng dầu mỏ lớn thứ ba thế giới này vẫn phải xếp hàng nhiều giờ tại các trạm xăng. Tâm trạng hân hoan trước tự do mới và hy vọng Mỹ đưa Iraq thành một quốc gia vùng Vịnh giàu có đã tan vỡ; thậm chí các vụ đánh bom liều chết khắp nơi đã khiến nhiều người muốn đường phố Baghdad trở lại yên bình như dưới thời Hussein!

Những dấu hiệu bước đầu thúc đẩy hòa giải dân tộc ở Iraq đã hé mở, khi QH nước này thông qua ba dự luật quan trọng, gồm Luật Ngân sách 2008, Luật Ân xá và Luật Quyền lực cấp tỉnh. Ngân sách năm 2008 trị giá 48 tỷ USD, sau hàng tuần tranh cãi tại QH, đã được thông qua, trong đó chấp nhận yêu cầu của cộng đồng tự trị người Kurd ở miền bắc đòi hưởng 17% ngân sách. Luật Ân xá đáp ứng mong muốn của cả Chính quyền Baghdad và Washington, được xem như động thái dẫn đến việc trả tự do cho hàng nghìn tù nhân, phần đông là người Hồi giáo dòng Sunni.

Lính Mỹ ngày càng mệt mỏi với cuộc chiến ở Iraq.

Luật Quyền lực cấp tỉnh là một trong 18 điểm mấu chốt giúp thúc đẩy hòa giải giữa cộng đồng người Hồi giáo dòng Shiite, dòng Sunni và người Kurd, định rõ quan hệ giữa Baghdad với các chính quyền địa phương. Luật mở đường cho cuộc bầu cử cấp tỉnh dự kiến ngày 1-10 tới, với hy vọng khích lệ cộng đồng thiểu số Hồi giáo dòng Sunni, những người từng tẩy chay cuộc bầu cử địa phương hồi tháng 1-2005, tham gia các cơ quan quyền lực địa phương và từ bỏ ủng hộ các tay súng nổi dậy.

Cùng với tiến bộ trong hòa giải dân tộc, nỗ lực của Chính quyền Baghdad cải thiện quan hệ với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã làm dịu lo ngại bạo lực sắc tộc chia rẽ Iraq và lan sang các nước láng giềng.

Trong "chuyến thăm lịch sử" của Tổng thống Iran M. Ahmadinejad tới Iraq lần đầu kể từ sau cuộc chiến tranh giữa hai nước những năm 80 của thế kỷ trước, hai bên đã nhất trí tăng cường quan hệ song phương, hợp tác trên nhiều lĩnh vực.

Iran khẳng định ủng hộ một Nhà nước Iraq thống nhất, ổn định và luôn sát cánh với Iraq trong công cuộc tái thiết đất nước.

Lần đầu thăm Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Iraq G. Talabani cũng cam kết ủng hộ Ankara truy quét các phần tử nổi dậy thuộc đảng Công nhân người Kurd (PKK) tại miền bắc Iraq.

Trong khi đó, từ ngày 11-3, Baghdad và Washington bắt đầu đàm phán về sự hiện diện trong tương lai của quân đội Mỹ tại Iraq, cũng như các thỏa thuận hợp tác và hữu nghị lâu dài giữa hai nước.

Theo lộ trình đã được cả hai viện QH Mỹ thông qua, từ tháng 3, Lầu năm góc thực hiện kế hoạch rút dần quân đội khỏi Iraq. Hiện một lữ đoàn lục quân đã rút về Mỹ; dự kiến bốn lữ đoàn còn lại sẽ rời Iraq vào tháng 7 tới, đưa quân số Mỹ từ 160 nghìn binh sĩ hiện nay xuống còn khoảng 140 nghìn người. Tuy nhiên, Tổng thống G.Bush khẳng định, quyết định giảm quân phụ thuộc đề xuất của các tướng lĩnh Mỹ ở Iraq, chứ không chịu ảnh hưởng từ diễn biến cuộc bầu cử Tổng thống ở Mỹ. Sau tháng 7, Washington sẽ không rút thêm quân khỏi Iraq cho đến trước khi ông Bush mãn nhiệm, với lý do Mỹ cần duy trì quân đội để bảo đảm an ninh cho cuộc bầu cử ngày 1-10 tại Iraq.

Bước vào năm thứ 6 của cuộc chiến tranh tại Iraq, quân đội Mỹ tiếp tục chịu tổn thất ở các chiến trường, thậm chí ngay cả vùng Xanh, khu vực được bảo vệ nghiêm ngặt nhất ở Baghdad. Khoảng 3.990 lính Mỹ đã chết kể từ tháng 3-2003, trong khi cuộc chiến tranh 5 năm qua đã tiêu tốn hàng nghìn tỷ USD, riêng năm 2007 hết 670 tỷ USD.

Theo cuốn sách có nhan đề "Cuộc chiến 3.000 tỷ USD" của hai giáo sư đại học Columbia và Harvard (Mỹ), hiện mỗi tháng, cuộc chiến tranh

Iraq ngốn trung bình 12 tỷ USD; dự kiến khi kết thúc tài khóa 2008 (ngày 30-9), tổng chi cho cả hai cuộc chiến tranh của Mỹ ở Iraq và Afghanistan có thể tới 845 tỷ USD. Với đà leo thang hiện nay, trong 10 năm tới tổng chi cho hai chiến trường này sẽ từ 1.700 tỷ đến 2.700 tỷ USD; cộng cả thiệt hại về kinh tế - xã hội sẽ lên tới 5.000 tỷ USD!

Cuối năm ngoái, Washington và Baghdad cam kết trong năm 2008 sẽ thống nhất các điều kiện về sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Iraq; ấn định ngày 31-7 tới là thời điểm chính thức hóa các mối quan hệ kinh tế, chính trị và an ninh giữa hai nước. Theo đó, 2008 là năm cuối cùng để các lực lượng do Mỹ cầm đầu hoạt động tại Iraq theo ủy quyền của LHQ; các thỏa thuận mới sẽ chính thức chấm dứt các biện pháp trừng phạt LHQ áp đặt với Iraq từ năm 1990 và chủ quyền đầy đủ của Iraq được trao lại cho Chính phủ Baghdad.

Tuy nhiên, để thực hiện được kịch bản lạc quan này, mục tiêu cốt lõi và nhiệm vụ hàng đầu của Baghdad là lập lại an ninh và ổn định, mà chìa khóa thành công nằm ngay trong những nỗ lực tìm tiếng nói chung giữa các cộng đồng sắc tộc ở Iraq, nhằm tìm giải pháp gỡ mối bùng nhùng chính trị hiện nay, đem lại trật tự cho đất nước.

Chu Hồng Thắng / Nhandan