itaexpress / Tin ITA / Thế giới / Bình luận / LHQ bàn các giải pháp khắc phục nạn thiếu hụt lương thực

LHQ bàn các giải pháp khắc phục nạn thiếu hụt lương thực

Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon phát biểu

tại Hội nghị thượng đỉnh lương thực LHQ

Tại hội nghị thượng đỉnh nông nghiệp toàn cầu, Liên Hợp Quốc (LHQ) kêu gọi các nước hãy xem xét lại ngành sản xuất nhiên liệu sinh học và dỡ bỏ các giới hạn xuất khẩu lương thực, khi cho biết những chính sách này đang đẩy giá thực phẩm lên cao và tạo ra nạn đói ở các nước nghèo.

LHQ đã chủ trì nhiều bên trong hai cuộc thảo luật gay gắt hôm thứ Ba 3/6/2008 khi tổ chức này tìm cách vận động cứu trợ và đầu tư vào nông nghiệp tại các nước đang phát triển, và đảm bảo người nghèo trên thế giới được quyền hưởng lương thực khi giá thực phẩm tăng cao khiến cho nạn đói và bất ổn dân sự xẩy ra ở một số nước đang phát triển.

Trong diễn văn đọc tại hội nghị, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon tuyên bố sản lượng lương thực thế giới phải tăng 50% vào năm 2030 mới đáp ứng được nhu cầu dân số thế giới tăng lên. Ông nói với các đại biểu, “Chúng ta đang có một cơ hội lịch sử để hồi sinh nền nông nghiệp.”

Tổ chức Lương Nông của LHQ, cơ quan đăng cai tổ chức hội nghị ba ngày ở Rô-ma, mong muốn đảo ngược việc đầu tư thấp trong ngành nông nghiệp toàn cầu kéo dài nhiều thập kỷ đã khiến cho năng suất nông nghiệp bị đình đốn ở nhiều nước.

Nhiều tham luận trong số 183 chính phủ tham dự hội nghị đã không đồng ý hoàn toàn về những nguyên nhân của sự tăng giá lương thực và phương hướng cho tương lai.

[*] Các nước sản xuất nhiên liệu sinh học hàng đầu, gồm Mỹ, Brazil và Liên Âu, bác bỏ những chỉ trích cho rằng họ đang góp phần đẩy giá thực phẩm tăng cao bằng cách biến đất trồng thành nơi sản xuất các vụ mùa để chế tạo nhiên liệu vận chuyển (transport fuel).

Ông Ed Schafer, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Hoa kỳ, nói rằng nhiên liệu sinh học chỉ chiếm 2-3% trong số hơn 40% nguyên nhân làm giá thực phẩm của thế giới năm nay tăng cao.

“Nhiên liệu sinh học không phải là nhân tố chính”, ông Schafer trả lời phỏng vấn và cảnh báo rằng hội nghị không nên “đánh lạc hướng các vấn đề chính”. Theo ông, những nguyên nhân khiến giá thực phẩm tăng cao là do giá năng lượng và nhu cầu thực phẩm gia tăng.

Tuy nhiên, Tổ chức Lương Nông của LHQ và các tổ chức quốc tế khác, kể cả Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, không đồng ý. Họ nói các khoản tiền trợ cấp và những động cơ chế tạo nhiên liệu sinh học như chất ethanol chiết xuất từ ngô phải chịu một phần trách nhiệm chính về sự tăng giá thực phẩm gần đây.

Trong một diễn văn gây ấn tượng tại hội nghị, ông Jacques Diouf, Tổng giám đốc Tổ chức Lương Nông của LHQ, nói rằng hàng tỷ Mỹ kim trong các khoản tiền trợ cấp mỗi năm “đã được dùng để biến 100 triệu tấn ngũ cốc nuôi sống con người thành nhiên liệu cho xe cộ”.

Ông Diouf còn cáo buộc các khoản tiền trợ cấp này đang làm méo mó nền thương mại ở các nước phát triển và chi phí tiêu thụ thực phẩm tăng quá mức bởi sự phì nộn của thế giới. Ông công kích các ưu tiên của chính phủ khắp hoàn cầu khi cho hay “năm 2006, thế giới đã chi 1.200 tỷ Mỹ kim để mua sắm vũ khí”.

Khi so sách việc này, ông Diouf nói, thật khó hiểu thế giới lại không thể kiếm nổi 30 triệu Mỹ kim mỗi năm để nuôi sống khoảng 862 triệu người đói kém trên thế giới.

Ông Schafer thừa nhận sự khăng khăng của Hoa Kỳ về ảnh hưởng không đáng kể của nhiên liệu sinh học là “khó rao bán” tại hội nghị. Các kinh tế gia làm việc cho ông Shafer mong muốn ngành công nghiệp khí ethanol của Hoa Kỳ thâu tóm hết lượng ngô vào mùa vụ lớn nhất ở nước này để giữ giá cho năm tới, việc đó đang khiến cho chi phí sản xuất mọi thứ trong ngành công nghiệp thực phẩm, từ đồ uống nhẹ cho đến thịt gà, tăng lên.

Ngành công nghiệp ethanol của Mỹ dự kiến tiêu tốn bốn triệu giạ ngô[1], chiếm 1/3 sản lượng mùa vụ tại các nông trại trên khắp nước Mỹ hiện nay.

Ông Ban lên án những nước gần đây đang nỗ lực kiềm chế giá thực phẩm nội địa bằng cách cấm nông dân của họ xuất khẩu lương thực.

Ấn Độ, Argentina, Ai Cập và nhiều nước khác đã xây dựng thuế quan hoặc các rào cản khác đối với hàng lương thực xuất khẩu nhằm giữ giá thấp, nhưng các nhà phê bình nói rằng những chính sách đó đang làm cho nguồn cung thiếu hụt trên thị trường thế giới.

“Các chính sách đẩy họa cho người (Beggar-thy-neighbor policies) không thể có tác dụng”, ông Ban nói. “Chúng chỉ phá hoại thị trường và khiến giá cả tăng cao chưa từng thấy.”

Tổ chức Lương Nông của LHQ đang kêu gọi các chính phủ triển khai tối đa nguồn quỹ cho các nỗ lực đa phương nhằm gia tăng năng suất nông nghiệp tại những nước nghèo cũng như cung cấp thêm nguồn việc trợ lương thực khẩn cấp để giảm bớt nạn đói trong ngắn hạn.

Các tổ chức phi chính phủ như Oxfam[2] cho biết họ hy vọng hội nghị thượng đỉnh Rô-ma sẽ nâng lên một tầm mức mới về ý chí chính trị giữa các chính phủ, nhưng vẫn lo ngại nó có thể chẳng đem lại kết quả nào ngoài những lời ấm áp của các nhà lãnh đạo.

Một nỗ lực thành công để gia tăng năng suất nông nghiệp có thể gây tiếng vang cho cái gọi là cuộc cách mạng xanh từng xẩy ra trong các thập kỷ hậu chiến, nhờ đầu tư vào công nghệ nên đã làm cho sản lượng nông sản gia tăng ồ ạt, đặc biệt là tại Châu Á.

Nhưng trong những thập niên gần đây, đầu tư và trợ cấp phát triển cho ngành này giảm xuống do giá thực phẩm thấp. Hiện sản lượng nông nghiệp của thế giới không thể đáp ứng đủ nhu cầu lương thực vốn đang tăng cao, một phần là do sự phát triển kinh tế ở những nước như Trung Quốc.

Khoảng 40 vị đứng đầu nhà nước hoặc chính phủ trong số các đại biểu tham dự hội nghị, trong đó có Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, Tổng thống Barzil Luiz Inácio Lula da Silva, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad và Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe. Các nhà chức trách của Hoa Kỳ và Liên Âu cho biết họ không tham gia hội nghị với hai nhà lãnh đạo mà các nước Phương Tây xem như những pariahs[3]

Nguyên Văn: UN presses for solutions to food shortages của tác giả Marcus Walker, đăng trên trang web của Wall Street Journal ngày 4 tháng 6 năm 2008.

Chú thích:

[1] Giạ (bushel) là đơn vị tính khối lượng khô ở các nước nói tiếng Anh, tương đương chiếc thùng 35,24 lít (ND).

[2] Oxfam, theo Wikipedia, viết tắt của Oxford Committee for Famine Relief, là hiệp hội của 13 tổ chức làm việc với hơn 3.000 đối tác tại hơn 100 quốc gia. Sứ mạng của Oxfam là tìm kiếm các giải pháp lâu dài để chống nghèo đói và bất công (ND).

[3] Theo Wikipedia, trong các hạng người ở xã hội Ấn Độ thì pariah (pa-ri-a) là thứ hạng thấp nhất trong 5 thứ hạng. Họ giống dân tộc mọi rợ, bị coi như sống ngoài lề xã hội loài người, bị đối xử rất tàn nhẫn... Trong bài này có ý ám chỉ hai vị tổng thống Iran và Zimbabwe (ND).

[*] Biểu đồ cho biết giá lương thực trên thế giới. Đơn vị tính: tấn.

Các mặt hàng thực phẩm theo thứ tự: lúa mì, ngô, lúa, hạt có dầu (đậu phụng, vừng, hạt bông...), bột xay từ hạt dầu, dầu thực vật

Thao Nguyễn chuyển ngữ