itaexpress / Tin ITA / Thế giới / Bình luận / Thái Bình Dương dậy sóng...

Thái Bình Dương dậy sóng...

Tàu hải quân hoàng gia Thái

15 ngày sau khi TQ phóng đi một tên lửa đánh trúng một vệ tinh “quân xanh” (của mình) trong không gian, đến lượt Mỹ phóng một tên lửa phòng thủ không trung (Thaad) và đã đánh trúng một tên lửa “quân xanh” kiểu giống như Scud trên không phận đảo Kauai (gần Hawaii) lúc 7g20 sáng 26-1 vừa qua ...

Những động thái này có ý nghĩa gì?

Tên lửa “quân xanh” này được phóng đi từ một giàn phóng di động cũng trong khu vực đảo Kauai, trong khi tên lửa đánh chặn được phóng đi từ Trung tâm phòng thủ tên lửa Thái Bình Dương (nguồn: Missile Defense Agency - MDA).

Chiến tranh trên các vì sao

Mục đích của Mỹ trong vụ thử nghiệm này đã rõ: trắc nghiệm khả năng phát hiện sớm và hủy diệt tên lửa đối phương ngay từ khi đối phương ra tay. Kết quả đánh chặn trúng không xa địa điểm phóng tên lửa mục tiêu bao nhiêu cho thấy yêu cầu đánh chặn sớm đã đạt được.

Khác với tên lửa Patriot, Thaad có khả năng đánh chặn ngay từ giai đoạn tên lửa mới được phóng đi, trong khi Patriot chỉ đánh chặn ở giai đoạn cuối, khi tên lửa đối phương đã đến sát mục tiêu. Đơn vị tham gia diễn tập, lữ đoàn sáu tên lửa phòng không đóng tại căn cứ Fort Bliss (Texas), đã được đưa đến Kauai từ tháng mười năm ngoái, sau vụ phóng tên lửa cấp tập của CHDCND Triều Tiên hôm 4-7 năm ngoái và sau vụ thử bom hạt nhân của Bình Nhưỡng hôm 9-10 sau đó.

Cho đến nay, hệ thống Thaad mới chỉ được thử nghiệm ba lần, thành công hai lần, còn một lần trục trặc do tên lửa mục tiêu không cất cánh được. Hai lần thử nghiệm trước đó đã diễn ra tại Trung tâm phòng thủ tên lửa White Sands (tiểu bang New Mexico). Lần này là ngay trên Thái Bình Dương, điểm “nóng” đối với Hoa Kỳ vào lúc mà theo tình báo Hoa Kỳ, CHDCND Triều Tiên hoàn toàn có thể đe dọa Nhật Bản, Hàn Quốc cùng các căn cứ Mỹ trong khu vực với tên lửa Rodong có tầm bắn 1.300km và tên lửa Taepo Dong -2 có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân (mà trên lý thuyết có thể bắn đến lãnh thổ Mỹ). Theo kế hoạch, sẽ thử nghiệm tổng cộng 15 lần chỉ trong năm nay để có thể đoan chắc khả năng đánh chặn này.

Quả thật là thế hệ tên lửa Patriot, cho dù là đời sau này, đã không còn khả năng chống trả trước những “bất ngờ” có thể đến từ Bình Nhưỡng, cho dù vụ thử tên lửa Taepo Dong -2 của Bình Nhưỡng tháng bảy năm ngoái là thất bại. Không còn quan trọng là tên lửa đối phương có tầm xa bao nhiêu, mà là làm sao đánh chặn ngay từ khi xuất phát mới là thượng sách.

Mọi hi vọng nay đặt vào hệ thống Thaad khi mà “nguy cơ Bình Nhưỡng” là rất lớn với khoảng 600 tên lửa Scud (phần lớn đóng cách khu phi quân sự khoảng 50km), 2.000 tên lửa Rodong.

Trớ trêu là tên lửa đạn đạo nay “rẻ rề”: Scud giá chỉ 2 triệu USD, Rodong 4 triệu, Taepo Dong 20 triệu (nguồn: Free Republic) và Bình Nhưỡng đang sản xuất hàng loạt không chỉ cho sử dụng nội địa mà còn để xuất khẩu. Trong khi đó, chi phí để chống tên lửa lại cao gấp bội. Ngân sách 2007 của Mỹ cho Cơ quan Phòng thủ tên lửa (MDA) lên đến 9,3 tỉ USD.

Ngoài phòng thủ từ trên bộ với hệ thống Thaad và Patriot, Hoa Kỳ còn có hệ thống khu trục hạm Aegis phòng thủ từ trên biển và cả trên không gian với vũ khí laser. Tất cả tạo thành một trận địa phòng thủ nhiều lớp (chặn từ xa, chặn giữa đường, chặn trên đầu).

Tất nhiên, trong việc này Mỹ không là kẻ đơn thương độc mã. Trong điều trần xin ngân sách 2007, trung trướng Henry A. Obering III, chỉ huy Cơ quan phòng thủ tên lửa MDA, cho biết: “Chính phủ Nhật Bản đang tiếp tục đầu tư đáng kể cho hệ thống phòng thủ tên lửa nhiều lớp này”. Việc Nhật Bản chính thức có một bộ quốc phòng, không còn bị trói buộc trong một “cục phòng vệ” như từ 52 năm qua, đang khiến mọi việc trở nên dễ dàng hơn. Một hợp tác “chất xám” với Nhật về radar tầm xa (cũng như Israel qua hệ thống tên lửa Arrow, với Anh qua hệ thống radar cảnh báo từ xa Fylindales...).

Đối thủ trước mắt không chỉ mỗi CHDCND Triều Tiên hay Iran, mà kỹ thuật tên lửa tương tự nhau. Đối thủ tiềm năng của Hoa Kỳ không ai khác hơn là Nga hoặc TQ. Tướng Henry A.Obering III mô tả như sau trong điều trần năm ngoái về ngân sách: “Cần quản lý và giảm thiểu các nguy cơ từ việc sử dụng tri thức” của các cường quốc khác. Trong cái nhìn đó, CHDCND Triều Tiên chỉ là thách thức trên bề nổi và trong ngắn hạn, trong khi TQ hay Nga mới thật sự là thách thức tương lai.

Hải chiến

Nhân Dân Nhật Báo 8-11-2004 của TQ đã “thản nhiên” đăng lại một bài báo của Thông tấn xã Kyodo, theo đó Nhật nghĩ rằng TQ sẽ có thể tấn công Nhật trong ba trường hợp sau:

- Một khi TQ xung đột với Đài Loan, TQ sẽ phải tấn công lực lượng Hoa Kỳ đóng tại Nhật nhằm chặn đường chi viện cho Đài Loan.

- TQ tấn công chiếm đảo Điếu Ngư - Senkaku đang tranh chấp để “giảm tải” khủng hoảng chính trị trong nước.

- TQ tấn công Nhật trên biển để tranh giành khí đốt.

Những “la làng” trên là chuyện của năm 2004. Đến trào của Thủ tướng Abe, những “trận võ mồm” như thế đã giảm. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Fumio Kyuma cuối tháng chín năm ngoái đã điều chỉnh cách phát biểu về quốc phòng TQ: “Bộ máy quân sự của TQ là một mối quan tâm hơn là một nguy cơ đe dọa”, (Reuters 30-9-2006).

Tất nhiên, đây chỉ là một trò chơi ngôn ngữ trong một giai đoạn mới tạm gọi là hòa hoãn giữa hai nước từ sau khi ông Abe lên cầm quyền. Tuyên bố tiếp theo của ông Kyuma vẫn hàm chứa những “dấu hỏi” từng thấy trước kia: “TQ cần tăng tính công khai về các khả năng quân sự của mình, bằng không dân chúng Nhật sẽ quan ngại”. Nôm na mà nói: anh đang chế tạo, mua sắm các thứ đó để làm gì?

Trên bề nổi, tân chính phủ ở Nhật vẫn đang muốn duy trì “tuần trăng mật” với Chính phủ TQ. Ngày 21-1, tức mười ngày sau vụ thử nghiệm bắn hạ vệ tinh của TQ, nhật báo Nikkei của Nhật loan tin hai bên sẽ thiết lập trao đổi quân sự ngay từ năm nay, khởi đầu là tàu chiến Nhật thăm các cảng TQ và tàu chiến TQ thăm cảng Nhật.

Tất nhiên, đó là những bước tiến đến sự hòa hoãn, song không vì thế mà vùi lấp được những tranh chấp. Lịch sử chiến tranh của loài người, từ Đông Châu liệt quốc đến Thế chiến thứ hai, đã chỉ gồm những hòa hoãn tạm bợ trong khi chuẩn bị “tích cốc, phòng cơ”, và chiến tranh sẽ bùng nổ khi một trong hai (hay hơn) bên vì quá tin vào hai chữ “giao hảo” mà hớ hênh để rồi bị nuốt chửng.

Thế nhưng, khi những vấn đề cũ vẫn cứ còn đó, như vấn đề tranh chấp đảo Senkaku - Điếu Ngư cùng nguồn tài nguyên khí đốt, chưa kể một cuôc đụng độ kinh tế, khả năng chiến tranh vẫn còn đó. Việc Nhật nâng cấp cục phòng vệ thành bộ quốc phòng cùng khả năng sửa đổi hiến pháp bỏ điều khoản tuyên cáo “là một nước không chiến tranh”, chính là một động thái chuẩn bị sẵn cho tương lai.

Một trong những hậu quả cấp thời của việc sửa đổi hiến pháp có thể dự kiến là việc hạ thủy các tàu sân bay (vốn bị cấm bởi hiến pháp “không chiến tranh”) để đảm bảo hải lộ dầu hỏa của Nhật. Một lực lượng hải quân viễn dương không dựa vào tàu sân bay không khác gì một võ sĩ “cụt tay”. Đóng, vận hành tàu sân bay và tác chiến không xa lạ gì với Nhật khi mà trong Thế chiến thứ hai, Nhật đã từng cùng với Mỹ là hai siêu cường hải quân “duy nhất” sử dụng tàu sân bay như là con ách chủ bài.

Thật ra, việc phát triển hải quân với tàu sân bay là “hạt nhân” không là mối quan tâm của riêng Nhật. Năm tới, hải quân Ấn Độ cũng sẽ tiếp nhận tàu sân bay Gorshkov mua của Nga, song được “lên đời” bằng những giàn phóng máy bay hiện đại nhất (Asian Aerospace 24, 25 và 26-2-2004). Một khi hải quân Ấn Độ muốn ra khỏi “ao nhà” Ấn Độ Dương, xuôi ngược Thái Bình Dương mà không có tàu sân bay thì sẽ là tự sát. Ngay cả hải quân Thái Lan cũng ráng “sắm” một tàu sân bay loại chở trực thăng và máy bay chiến đấu Sea Harrier lên thẳng.

Bối cảnh chung đó, Sách trắng quốc phòng TQ 2006 đúc kết như sau: “Đài Loan vẫn là một đe dọa nghiêm trọng...” bằng cách đeo đuổi một chính sách “Đài Loan độc lập” triệt để...; “Hoa Kỳ tuy vẫn lặp đi lặp lại chính sách “một TQ”, song vẫn tiếp tục bán vũ khí hiện đại và tăng cường quan hệ quân sự với Đài Loan”; “một số nước nhỏ đang gia tăng chiến lược đề phòng TQ”; “các vấn đề phức tạp và nhạy cảm của lịch sử trong các khu vực xung quanh TQ”... buộc TQ xây dựng hải quân thành một lực lượng trên biển hiện đại kết hợp các phương tiện vũ khí hạt nhân và qui ước (không hạt nhân), ưu tiên cho các cuộc đọ sức “kỹ thuật thông tin” cùng vũ khí thế hệ mới, có đang đóng các thiết bị mới đáp ứng các chiến trường mới...

Hữu Nghị