itaexpress / Tin ITA / Thế giới / Bình luận / Vụ khủng bố 11/9: 8 năm và những điều còn dang dở

Vụ khủng bố 11/9: 8 năm và những điều còn dang dở

Cả hai tháp của Trung tâm Thương mại Thế giới bốc cháy sau khi bị tấn công ngày 11/9/2001. (Ảnh: AP)

Tám năm đã trôi qua kể từ sau vụ khủng bố thảm khốc nhằm vào nước Mỹ ngày 11/9/2001. Tuy nhiên, dư luận Mỹ vẫn tiếp tục tranh cãi xoay quanh nhiều vấn đề liên quan, chẳng hạn tiến trình xây dựng lại Vùng Bình địa (Ground Zero), nỗi lo về sức khỏe của cư dân sống xung quanh đó, và họ thậm chí còn đặt câu hỏi: nước Mỹ liệu có an toàn hơn?

Vùng Bình địa: Chẳng mấy đổi thay

Kể từ sau vụ khủng bố 11/9 đến nay, Vùng Bình địa ở New York hầu như không hề thay đổi, mặc dầu các nhà chức trách Mỹ đã công bố nhiều kế hoạch hoành tráng nhằm khắc phục hậu quả của sự kiện kinh hoàng này.

Chỉ 1 trong 5 tòa tháp dự kiến đang được xây dựng tại nơi từng là Trung tâm Thương mại Thế giới. Và ngày nay, khu vực này trông cũng đáng sợ chẳng khác nào ngày mà bọn khủng bố đâm máy bay vào tòa tháp đôi.

Đứng tại hiện trường vụ khủng bố năm xưa, một "mê cung" bê tông và sắt thép - kế hoạch được công bố cách đây sáu năm rưỡi vẫn chưa được thực hiện.

Và trong khi hầu hết các bộ phận mang tính biểu tượng nhất của toàn bộ kế hoạch ở Vùng Bình địa đang định hình, một điều ngày càng rõ ràng là sẽ phải mất nhiều thập niên nữa dự án khổng lồ này mới được hoàn thành.

Không có thời hạn xác định cho việc xây 4 tòa tháp còn lại tại đây. Nhà phát triển Larry Silverstein đã phải tìm đến một vị thẩm phán để thương lượng lại hợp đồng của ông với chủ sở hữu khu vực sau nhiều tháng đàm phán không kết quả.

Một phân tích được thực hiện hồi mùa xuân vừa qua kết luận rằng có thể không có chỗ cho tòa tháp thứ 3 của Silverstein cho đến tận năm 2030. Nơi được dự trù để xây nó vẫn còn bị phủ bóng bởi một tòa nhà chọc trời hư hỏng với đầy những vụn vỡ độc hại từ cuộc tấn công khủng bố năm xưa. Tiến trình tháo dỡ tòa nhà này đã bị chậm lại sau một vụ hỏa hoạn năm 2007 làm 2 lính cứu hỏa thiệt mạng.

Vẫn chưa có nhiều thay đổi tại Vùng Bình địa sau 8 năm. (Ảnh: dailymail.co.uk)

Những tranh cãi chính trị, sự phức tạp của kỹ thuật xây dựng và tình trạng khủng hoảng kinh tế đã đẩy lùi thời hạn hoàn thành kế hoạch, làm tăng hàng tỷ đôla chi phí so với dự toán ban đầu.

Một cuộc thăm dò dư luận tháng trước cho biết, hơn một nửa cử tri ở Thành phố New York tin rằng tiến trình tái thiết đang ngày một xấu đi. Hơn 60% tin rằng các dự án thuộc hàng ưu tiên nhất - Tòa tháp Tự do và Đài Kỷ niệm 11/9 - sẽ không thể hoàn thành đúng thời hạn đã định.

Nỗi lo sức khỏe

Đến nay, vẫn còn nhiều tranh cãi xung quanh số người bị ốm yếu, bệnh tật sau vụ tấn công.

Ký ức đau thương về ngày 11/9 vẫn còn trong tâm trí của nhiều người. Từ cửa sổ văn phòng của mình ở tòa nhà liền kề, Angela Jackson là một trong những người chứng kiến tháp thứ nhất của tòa tháp đôi bị hạ gục.

"Chúng tôi thấy nhiều người nhảy ra ngoài. Mọi người đều hoảng loạn", Angela nhớ lại. Vài phút sau đó, tháp thứ 2 bị tấn công. Khung cảnh hoảng loạn bao trùm khắp con phố bên dưới. "Người ta phát điên, khóc lóc, kêu gào thảm thiết".

"Cứ như là toàn bộ 5 giác quan của tôi tê liệt", một nhân chứng tên là Kaesun John kể.Sau vụ khủng bố, Kaesen mắc bệnh về đường hô hấp và hiện cô đang phải chung sống với bệnh hen. "Tôi thực sự thấy rằng chứng kiến cảnh tượng đó đã làm cho tôi bị tình trạng sức khỏe như bây giờ".

 
  Còn đó nỗi đau của người thân các nạn nhân vụ 11/9. (Ảnh: Getty Images)

Đó cũng là nỗi lo lớn đối với các nhà chức trách Mỹ hiện nay. Có bao nhiêu người ốm yếu vì hít phải khói độc hại từ những tòa nhà bị đổ ở Vùng Bình Địa? Theo Tổ chức 11/9 Health Now, con số này là hàng chục nghìn người.

"Các độc tố tại Trung tâm Thương mại Thế giới sau vụ tấn công là cực lớn. Chúng ảnh hưởng tới toàn bộ cơ thể. Chúng gây tác hại lên hệ thần kinh trung ương", trích lời bà Claire Calladine, giám đốc 11/9 Health Now.

Mặc dầu vậy, nhiều người vẫn tới đây để sống vì giá nhà ở phải chăng. Alison Kasillo chuyển tới định cư ở Battery Park City 8 tháng sau vụ tấn công mặc dầu cô có nghe tin về bầu không khí độc hại. Một năm sau đó, Alison bị chẩn đoán mắc bệnh CODP (bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính).

Không có bằng chứng nào chứng minh không khí độc hại gây ra căn bệnh CODP của Alison hay bệnh hen của Kaesun. Thế nhưng, rõ ràng là sự kiện 11/9 đã để lại chấn thương tâm lý cho thành phố New York.

"Al-Qaeda vẫn đủ sức tấn công Mỹ"

Trong vụ tấn công 11/9/2001, khoảng 3.000 người đã thiệt mạng khi những kẻ khủng bố cướp máy bay để tấn công vào Trung tâm Thương mại Thế giới và Lầu Năm Góc. Al-Qaeda đã tuyên bố nhận trách nhiệm.

Kể từ đó đến nay, hàng nghìn tên khủng bố đã bị tiêu diệt hoặc bắt giữ. Nơi trú ẩn và huấn luyện của chúng ở Afghanistan bị phá hủy còn ban lãnh đạo al-Qaeda ở Iraq cũng bị các lực lượng quân sự đập tan. Thế nhưng, trùm sò Osama bin Laden và cấp phó của ông ta, Ayman al-Zawahri, vẫn đang sống nhởn nhơ ở đâu đó.

Dù al-Qaeda đã suy yếu, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Đô đốc Mike Mullen, vẫn phải thừa nhận rằng mạng lưới này vẫn đủ sức tấn công nước Mỹ.

"Al-Qaeda vẫn đủ khả năng và rất tập trung", ông Mullen phát biểu trên chương trình Gặp gỡ Báo chí của đài NBC. "Chúng cũng vẫn có thể huấn luyện, hỗ trợ và rót tiền. Nguy cơ này vẫn còn rất lớn".

Đô đốc Mullen nhấn mạnh thêm rằng quân đội Mỹ đang nỗ lực đảm bảo hiểm họa tương tự vụ tấn công 11/9 không thể xảy ra lần nữa.

Trong khi đó, có nhiều ý kiến cho rằng một số quyết định nhân nhượng của Tổng thống Barack Obama, chẳng hạn như đóng cửa nhà tù Guantanamo, ngừng khởi tố kẻ tấn công USS Cole, xin lỗi về các chính sách trước đó của Washington... là những sai lầm khiến cho kẻ thù nghĩ rằng Mỹ và phương Tây đang suy yếu.

Theo một học giả nghiên cứu về khủng bố, Brigitte Gabriel, mối nguy mà nước Mỹ ngày nay phải đối mặt không chỉ đến từ bên ngoài. "Al-Qaeda đang hoạt động và tuyển mộ ngay từ bên trong cộng đồng người Hồi giáo ở Mỹ. Chúng ta không thể tập trung chỉ vào al-Qaeda. Đây là một mạng lưới bao trùm nhiều tổ chức khác nhau có chung mục đích".

Vụ tấn công khủng bố ngày 11/9 nhằm vào nước Mỹ khiến cả thế giới kinh hoàng. (Ảnh: prisonplanet.com)

Nước Mỹ an toàn hơn?

Khi ngày kỷ niệm sự kiện đau thương đến gần, nhiều người Mỹ đặt câu hỏi: Liệu chính phủ Mỹ có đang mất tập trung đối với các vấn đề an ninh nội địa?

Báo Washington Post đưa tin, mới đây, các lãnh đạo Ủy ban 11/9 đã gặp các quan chức tình báo và an ninh nội địa Mỹ và kêu gọi chính quyền Obama không mất tập trung vào cuộc chiến chống khủng bố và các mối đe dọa an ninh nội địa khi sự quan tâm chính trị của Washington hướng sang nơi khác.

"Giữa thời điểm Mỹ tiến gần đến kỷ niệm vụ 11/9 lần thứ 8, thật hoang mang khi nghe những thông tin kiểu này", Steven M. Centore, tác giả cuốn sách "One of Them: A First Responder’s Story", bày tỏ. "Ủy ban 11/9 đã đưa ra các nhiều kiến nghị nhằm bảo vệ nước Mỹ khỏi các cuộc tấn công khủng bố nhưng dường như chẳng có nỗ lực nào đảm bảo những kiến nghị đó được thực thi".

"Là một công dân Mỹ và một nạn nhân vụ 11/9, tôi rất lo ngại về sự an toàn của nước Mỹ ngày nay", ông Centore nói tiếp. "Và tôi cũng tin rằng chính phủ vẫn chưa hành động đủ để bảo vệ đất nước khỏi các cuộc tấn công khủng bố trong tương lai".

Thanh Hảo (Tổng hợp)