itaexpress / Tin ITA / Thế giới / Hồ sơ / Ai đã bắt cóc và sát hại Đại sứ Mỹ tại Afghanistan?

Ai đã bắt cóc và sát hại Đại sứ Mỹ tại Afghanistan?

Đại sứ Adolph Dubs

Theo điều tra của phía Afghanistan, bọn bắt cóc đại sứ Adolph Dubs là thành viên của một tổ chức vũ trang Hồi giáo của bộ tộc Tarik sinh sống tại tỉnh Kandahar, vốn được xem là trọng điểm trồng, chế biến và buôn lậu thuốc phiện của Afghanistan.

Thông thường, cứ đến 8h sáng, Đại sứ Mỹ tại Afghanistan, Adolph Dubs, lại rời tư dinh của mình tại khu ngoại giao đoàn để đến Sứ quán Mỹ ở trung tâm thủ đô Kabul, nằm sát cạnh trụ sở của Bộ Quốc phòng. Thế nhưng, vào sáng ngày 14/2/1979, ông phải đến nhiệm sở trễ hơn thường lệ do phải chuẩn bị thêm một số tài liệu để làm việc với đoàn chuyên viên của Cơ quan Viện trợ Mỹ vừa từ thủ đô Washington đến Kabul chiều hôm trước.

Đến 8h45’, chiếc Oldsmobile bọc thép do viên tài xế kiêm cận vệ Thomas Ashore điều khiển trên có chở Đại sứ Dubs đang trên đường đến trụ sở Sứ quán Mỹ. Tuy nhiên, chỉ 20 phút sau khi rời khỏi tư dinh, chiếc xe bị chặn lại bởi một đội kiểm tra hỗn hợp gồm 2 người mặc sắc phục cảnh sát và 2 người mặc quân phục của Lực lượng Vệ binh Afghanistan.

Một người trong số họ ra hiệu cho viên tài xế hạ kính xe xuống để hỏi vài câu. Và khi kính xe vừa hạ xuống thì cả nhóm chĩa súng tiểu liên uy hiếp viên tài xế, ào lên xe và ra lệnh lái xe đi. Sau một hồi điều khiển xe chạy loanh quanh, nhóm lạ mặt giả trang cảnh sát và quân đội đưa 2 người đến giam giữ tại phòng 127 của khách sạn Kabul.

Đến trưa, nhóm bắt cóc trả tự do cho viên tài xế Ashore kèm theo một tối hậu thư gửi cho Chính phủ Afghanistan, chúng tự xưng là một tổ chức vũ trang Hồi giáo của bộ tộc Tarik ở tỉnh Kandahar, ra điều kiện phải trả tự do ngay cho 3 thành viên của tổ chức này đang bị chính quyền giam giữ nếu không Đại sứ Dubs sẽ bị giết chết.

Thông tin về việc đại sứ Mỹ bị bắt cóc đã khiến Tổng thống Afghanistan Mohammad Taraki phải triệu tập một cuộc họp nội các khẩn cấp để bàn biện pháp giải cứu. Tại Mỹ, Tổng thống Jimmy Carter ra lệnh cho Ngoại trưởng Cyrus Vance phải triển khai ngay một chiến dịch đặc biệt nhằm giải cứu cho Đại sứ Dubs.

Từ chiều ngày 14/2/1979, khách sạn Kabul hoàn toàn bị phong tỏa bởi cảnh sát và lực lượng an ninh Afghanistan đang tìm cách thuyết phục nhóm bắt cóc trả tự do cho Đại sứ Dubs. Tuy nhiên nhóm bắt cóc vẫn giữ nguyên yêu sách đưa ra trước đó là buộc chính phủ phải trả tự do ngay cho 3 đồng bọn đang bị giam giữ để đổi lấy sự tự do cho Đại sứ Dubs.

Về phía Mỹ, Ngoại trưởng Cyrus Vance cử ngay một đặc phái viên đến thủ đô Kabul để phối hợp với chính quyền sở tại tìm mọi biện pháp để giải cứu Đại sứ Dubs. Tổng thống Carter còn ra lệnh cho một đơn vị đặc nhiệm Mỹ đồn trú tại căn cứ quân sự Mỹ trên đảo Diego Garcia ở Ấn Độ Dương chuẩn bị tham gia chiến dịch giải cứu Đại sứ Dubs.

Tuy nhiên, phía Afghanistan kiên quyết phản đối quyết định đưa đặc nhiệm vào lãnh thổ quốc gia mình để giải cứu con tin. Vì vậy giữa Mỹ và Chính phủ Afghanistan đã xảy ra mâu thuẫn xung quanh vấn đề này.

Trong khi cuộc giằng co đang xảy ra thì đến 0h25’ sáng ngày 15/2/1979, sau khi nghe tiếng súng nổ trong phòng 127 của khách sạn Kabul, Lực lượng an ninh Afghanistan được lệnh tấn công vào phòng 127 để cố giải cứu Đại sứ Dubs. Chỉ sau vài phút chạm súng, Lực lượng an ninh Afghanistan đã làm chủ được tình hình sau khi tiêu diệt cả 4 tên trong nhóm bắt cóc. Tuy nhiên, trước khi bị tiêu diệt, bọn bắt cóc cũng đã kịp thời bắn chết Đại sứ Dubs.

Theo điều tra của phía Afghanistan, bọn bắt cóc là thành viên của một tổ chức vũ trang Hồi giáo của bộ tộc Tarik sinh sống tại tỉnh Kandahar, vốn được xem là trọng điểm trồng, chế biến và buôn lậu thuốc phiện của Afghanistan. Chính phủ Mỹ, thông qua kiến nghị của Đại sứ Dubs đã viện trợ tiền bạc và phương tiện để Chính phủ Afghanistan mở nhiều chiến dịch triệt phá nạn trồng và chế biến thuốc phiện tại đây.

Do tổ chức chống đối nên Chính phủ Afghanistan ra lệnh cho quân đội thẳng tay trấn áp và bắt giữ nhiều người Tarik. Đây chính là yêu sách mà nhóm bắt cóc mặc cả với Chính phủ Afghanistan để đổi lấy tự do cho Đại sứ Dubs.

Tuy nhiên không loại trừ khả năng một tổ chức tội phạm quốc tế chuyên buôn lậu ma túy đã mượn tay tổ chức vũ trang của người Tarik tiến hành bắt cóc và sát hại Đại sứ Dubs. Bọn chúng cho rằng sau vụ việc này, các chiến dịch bài trừ thuốc phiện của Chính phủ Afghanistan tại Kandahar sẽ bị phá sản do Chính phủ Mỹ sẽ ngừng viện trợ cho Afghanistan sau cái chết của Đại sứ Dubs.

Còn theo nhận định của nhà báo Steve Coll, của báo The New York Times, trong cuốn sách có tựa đề "The Ghost Wars" (Những cuộc chiến ma quỷ) của mình được xuất bản vào năm 1999, thì chính Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) đã đứng đằng sau vụ bắt cóc và sát hại Đại sứ Dubs.

Theo nhà báo Coll thì từ năm 1978, CIA đã bí mật câu kết với một số tổ chức vũ trang Hồi giáo địa phương ở Afghanistan tiến hành các hoạt động chống phá chính quyền Afghanistan thân Liên Xô và cả tổ chức buôn lậu ma túy nhằm tạo nguồn kinh phí bất hợp pháp để tài trợ cho các hoạt động chống phá chính quyền cách mạng tại Nicaragua của các nhóm contra.

Thế nhưng do Đại sứ Dubs đã vô tình đụng chạm đến hoạt động đen tối của CIA qua việc kiến nghị Chính phủ Mỹ tăng cường viện trợ cho Chính phủ Afghanistan trong cuộc chiến chống lại việc trồng và chế biến thuốc phiện ở Afghanistan, nên CIA bí mật lên kế hoạch trừ khử Đại sứ Dubs bằng việc mượn tay một tổ chức vũ trang của bộ tộc Tarik để bắt cóc và sau đó giết hại Đại sứ Dubs.

Sau khi Đại sứ Dubs bị giết hại, quả nhiên Chính phủ Mỹ cũng tạm dừng các hoạt động viện trợ cho Chính phủ Afghanistan. Chính phủ của Tổng thống Carter và nhiều đời chính phủ khác cũng không bổ nhiệm thêm một đại sứ nào khác tại Afghanistan. Mãi đến năm 2002, khi chế độ Taliban bị sụp đổ, Tổng thống George W. Bush mới bổ nhiệm Robert Finn làm Đại sứ Mỹ tại Afghanistan

Hoàng Phú (Theo CAND)