itaexpress / Tin ITA / Thế giới / Hồ sơ / Bí mật đường hầm Đông Berlin

Bí mật đường hầm Đông Berlin

Vào một ngày mưa tầm tã cách đây 52 năm, bí mật về một trong những âm mưu tình báo lớn nhất thời Chiến tranh lạnh đã bị phanh phui. Liên Xô và CHDC Đức tuyên bố đã phát hiện một đường hầm dài 400m mà CIA đã đào vào Đông Berlin. Đường hầm này là một bộ phận của chiến dịch nghe trộm quy mô lớn.

Mặc dù chiến dịch nghe trộm táo bạo này đổ vỡ song tin tức về việc phát hiện ra nó đã tạo ra sự vui sướng tràn ngập trụ sở của Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA). Các lãnh đạo của CIA vô cùng hài lòng về phản ứng của thế giới: lòng ngưỡng mộ đối với sự táo bạo và khả năng kỹ thuật của CIA, cũng như niềm tin rằng CIA đã lừa được Liên Xô.

’’Phản ứng của thế giới rất có lợi về mặt tăng cường uy tín của Mỹ’’, CIA viết về dự án đường hầm Berlin trong một cuốn lịch sử nội bộ. Dự án này đã được giải mật năm ngoái và gần đây đã được công bố rộng rãi. Các đồng minh phương Tây hồ hởi trước dấu hiệu rằng Mỹ - lúc đó được coi là một lính mới trong hoạt động gián điệp - có khả năng thực hiện một chiến dịch táo bạo chống lại Liên Xô - cường quốc từ lâu được coi là bậc thầy trong những vấn đề như vậy.

Về mặt kỹ thuật máy móc và mưu mẹo, đường hầm Berlin của CIA là một thành công phi thường. Được triển khai vào tháng 8/1954 bên dưới một nhà kho tạm thời ở khu vực Rudow của Tây Berlin, đường hầm được đào một cách bí mật trong thời gian 18 tháng. Nó xâm nhập vào khu vực do Liên Xô kiểm soát 300m.

Với sự trợ giúp của tình báo Anh, những người đào hầm đã mắc rẽ vào ba dây cáp lớn. Những dây cáp này truyền phần lớn thông tin điện thoại và điện báo giữa Đông Berlin và các nơi khác, trong đó có cả Moscow. Trong gần 1 năm, các tình báo Anh và Mỹ đã ghi lại các thông tin liên lạc ra vào Đông Berlin, sử dụng hơn 25 tấn băng từ. Những cuốn băng này đã được hàng trăm phiên dịch và máy xử lý ở Washington và London sàng lọc.

Tuy nhiên, hơn nửa thập kỷ sau, các học giả và các điệp viên vẫn còn tranh cãi về việc bên nào thực sự lừa được bên nào. Tranh cãi này cho thấy nhiều khi sự tiết lộ thông tin cho công chúng quan trọng hơn nhiều trong hoạt động tình báo so với giá trị của những bí mật đánh cắp được. ’’Đây là một phần của trò chơi lớn hơn giữa Mỹ và Liên Xô trong Chiến tranh lạnh. Hoạt động tình báo giống như một cuộc thi mà trong đó họ thể hiện với nhau ai giỏi chơi trò này hơn. Họ vui mừng khi cho công chúng thấy rằng họ là những người chuyên nghiệp trong cuộc chiến tình báo bí mật này’’, sử gia Bernd Stoever thuộc Đại học Potsdam, người nghiên cứu cuộc xung đột này cho biết.

Sau khi phát hiện đường hầm vào ngày 22/4/1956, Liên Xô và CHDC Đức ngay lập tức mở một chiến dịch tuyên truyền về chiến thắng này. Họ đã tổ chức một cuộc họp báo - một việc mà quân đội Liên Xô gần như chưa bao giờ làm - và mời các phóng viên từ hai bên biên giới tới tham dự. Trong những tuần tiếp theo, khi Washington vẫn im lặng, nhà chức trách Đức đã cho 50.000 người Đông Berlin đi qua đường hầm để tận mắt chứng kiến ’’trò bẩn thỉu’’ của kẻ thù - ngôn từ mà một quan chức Đông Đức đã sử dụng.

Trong đường hầm, nhà chức trách Liên Xô tìm thấy những thiết bị
được mắc rẽ vào các đường dây điện thoại tới Moscow và những nơi khác

Tuy nhiên, tại trụ sở CIA, các quan chức Mỹ lại hoan hỉ khi biết Liên Xô và CHDC Đức đã tuyên truyền về vụ việc này. Họ cho rằng việc này làm cho Liên Xô bẽ mặt vì đã bị Mỹ nghe trộm các thông tin cấp cao.

Sự thực phức tạp hơn rất nhiều. Điều mà CIA không hề hay biết là Xô Viết đã biết về đường hầm này từ lâu. Trước khi đường hầm được động thổ, CIA đã phạm sai lầm khi thảo luận kế hoạch đó với George Blake, một quan chức tình báo cấp cao của Anh. Năm 1961, Blake bị lật tẩy là điệp viên của KGB. Ông ta đã tiết lộ nhận dạng của hàng trăm tình báo Anh cũng như các kế hoạch về dự án đường hầm Berlin.

Theo một cuốn sách do Sergei A. Kondrashev - quan chức KGB giám sát Blake - viết, các quan chức tình báo Liên Xô lo ngại về nguy cơ bị lộ nguồn tin. Họ lo ngại rằng Mỹ có thể nghi ngờ nếu họ ’’phát hiện’’ ra đường hầm này quá nhanh. Do vậy, họ để cho hoạt động nghe trộm này tiếp tục. Mưa lớn mà gây hư hỏng một trong các đường cáp vào mùa xuân năm 1956 đã tạo cho họ cớ để kiểm tra các đường dây liên lạc và vờ như là họ tình cờ phát hiện ra đường hầm này.
Do vậy, chính CIA đã bị lừa. Trong khi đó, theo một tài liệu nội bộ tháng 8/1956, CIA đã kết luận rằng việc Liên Xô phát hiện ra kế hoạch nghe trộm trên ’’hoàn toàn là tình cờ và không phải là kết quả của việc Liên Xô có nội gián trong các cơ quan tình báo Anh hoặc Mỹ’’.

Việc phát hiện Blake là điệp viên hai mang 5 năm sau đó đã buộc những người ngoài cuộc đánh giá lại dự án này. Liệu dự án có thu được bất kỳ bí mật thực sự nào hay không? Hay Liên Xô đã truyền các thông tin giả qua đường cáp? Trong cuốn sách, Kondrashev nói rằng các thông tin được truyền qua đường cáp là thật và Liên Xô không dám chuyển các thông tin sai lệch do lo ngại Blake bị phát hiện. Tuy nhiên, các học giả vẫn không chắc chắn.
’’Sẽ khó biết chắc được cho tới khi chúng ta có nhiều thông tin hơn từ phía Liên Xô’’, Christian F. Ostermann, Giám đốc Dự án Lịch sử Chiến tranh lạnh thuộc Trung tâm các học giả quốc tế Woodrow Wilson, Washington, nói.

Trong khi đó, theo dòng thời gian, đường hầm Berlin tiếp tục xuất lộ. Trong năm 2005, một nhóm công nhân xây dựng của Đức đã phát hiện ra một phần của đường hầm bằng bê tông cốt thép này khi đang xây dựng một con đường cao tốc tới sân bay Schoenefeld của Berlin. Đoạn đường hầm được khai quật và được đưa tới Bảo tàng đồng minh ở Tây Berlin trước kia, nơi một triển lãm lớn được tổ chức một năm sau đó nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày phát hiện ra đường hầm.

Blake, người thoát khỏi nhà tù của Anh năm 1966 và chạy sang Moscow, vẫn sống song chưa bao giờ tiết lộ ông đã nói gì với KGB. Vào tháng 11, nhân dịp sinh nhật lần thứ 85, ông đã được Tổng thống Putin trao Huân chương Hữu nghị, phần thưởng cao quý nhất có thể được trao cho một công dân nước ngoài.

Theo Minh Sơn (VietNamNet)