itaexpress / Tin ITA / Thế giới / Hồ sơ / Chuyện về ngôi sao thay thế biểu tượng Sa hoàng

Chuyện về ngôi sao thay thế biểu tượng Sa hoàng

Những ngôi sao đỏ trên đỉnh tháp Kremlin thay thế cho hình đại bàng thời Sa hoàng và chính là biểu tượng của kỷ nguyên Xô viết hùng cường.

Ngôi sao 5 cánh đầu tiên thay thế cho hình đại bàng thời Sa hoàng trên đỉnh tháp Spasskaya xuất hiện từ năm 1935, tuy nhiên mãi đến ngày 2/11/1937 những ngôi sao đỏ rực rỡ ấy mới được thắp sáng.

Ý tưởng thay thế biểu tượng chính quyền Sa hoàng bằng những ngôi sao đỏ trên đỉnh tháp Kremli xuất hiện ngay sau khi cách mạng tháng 10/1917 thành công, nhưng mãi đến tháng 8 năm 1935 chính quyền Xô viết mới chính thức quyết định dựng những ngôi sao 5 cánh cùng biểu tượng búa liềm thay thế cho biểu tượng đại bàng trên đỉnh 4 ngọn tháp Kremli là Spasskaya, Nikolskaya, Borovitskaya và Troitskaya .
Những ngôi sao này ban đầu được gia công từ thép không gỉ có độ hợp kim cao và đồng đỏ, sau đó gắn thêm biểu tượng búa liềm làm từ loại đá màu nổi tiếng vùng núi Ural được mạ một lớp vàng dày từ 18 đến 20 micron.
Tuy nhiên do tác động của môi trường khí hậu Moscow nên loại đá Ural đó chỉ một năm sau đã bị mờ đục, đồng thời do kích thước quá lớn nên những ngôi sao này không mấy hài hòa với cảnh quan của quần thể kiến trúc Kremlin. Vì thế nên tháng 5/1937 mới có quyết định dựng 5 ngôi sao mới màu đỏ thẫm và phát sáng trên 5 ngọn tháp Kremli (thêm ở đỉnh tháp Vodovzvodnaya).

Dưới đế mỗi ngọn tháp nặng chừng 1 tấn có lắp hệ thống trục bi đặc biệt để ngôi sao có thể quay được. Khung gọng của sao cũng không ngại gì bão lốc hay gỉ sét vì được làm bằng loại thép không gỉ đặc biệt cao cấp.

Ngôi sao đỏ trên đỉnh tháp Kremlin.

Mỗi ngôi sao gồm 2 lớp kính - lớp bên trong là loại thủy tinh đục màu trắng sữa để phát tán ánh sáng, còn lớp bên ngoài là thủy tinh màu đỏ rubi dày 6-7 mm. Những lớp kính này được phục chế và thay thế thường xuyên mỗi khi rạn nứt.
Những ngôi sao đỏ phát sáng nhờ chế độ đèn tự cấp điện. Mỗi bóng đèn có hai sợi dây tóc mắc song song nên khi một sợi bị cháy thì sợi kia vẫn sáng và trung tâm điều khiển lập tức cũng biết ngay sự cố để khắc phục.

Công suất đèn ở 3 tháp Spasskaya, Nikolskaya và Troitskaya là 5.000W mỗi bóng, còn trên hai tháp kia là 3700 W. Mãi đến tận năm 1980 hệ thống tời dùng để hỗ trợ công việc thay bóng điện và tu sửa những ngôi sao này mới được thay thế bằng tời điện, còn những cơ cấu khác nói chung vẫn nguyên dạng từ năm 1937.
Trung tâm kiểm tra và điều khiển hệ thống thông gió để tránh cho những ngôi sao sáng khỏi bị quá tải vì nhiệt đặt ở trong tháp Troitskaya. Mỗi ngày hai lần các chuyên gia kiểm tra hoạt động của bóng đèn bằng mắt thường và chuyển đổi luân phiên hoạt động của hai quạt thông gió và lọc bụi cho các ngôi sao.

Công việc bảo dưỡng sao trên tháp chính - Spasskaya - được coi là phức tạp nhất vì tháp này còn có hệ thống đồng hồ chuông không kém phần quan trọng. Những ngôi sao Kremlin được sục rửa 5 năm một lần, công tác bảo dưỡng chung tiến hành mỗi tháng một lần, còn việc đại tu thường được làm 8 năm một lần, tuy nhiên trên thực tế tùy thuộc vào tình trạng cụ thể của từng ngôi sao.