itaexpress / Tin ITA / Thế giới / Hồ sơ / Công ty đa quốc gia Siemens lao đao vì hối lộ

Công ty đa quốc gia Siemens lao đao vì hối lộ

Thương hiệu của Siemens đang chao

đảo do vụ bê bối hối lộ vừa được tiết lộ.

Sau khi đóng một khoản tiền phạt không nhỏ tại Đức về tội hối lộ, tập đoàn đa quốc gia này thậm chí còn phải đối mặt với những hình phạt cứng rắn hơn tại Mỹ.

Peter Lưscher, Giám đốc điều hành mới của tập đoàn khổng lồ về công nghệ kỹ thuật và điện tử Siemens (Đức) đang hết sức cố gắng đưa công ty của ông vượt qua khỏi vụ bê bối về hối lộ - có lẽ là lớn nhất trong lịch sử các công ty của Đức.

Ngày 8/11 vừa qua, Siemens tiết lộ: Cuộc điều tra nội bộ đã giúp công ty phát hiện nhiều khoản chi “có vấn đề” cho những người bên ngoài công ty khoảng 1,9 tỉ USD trong thời gian từ năm 2000 đến 2006. Khoản hối lộ gây sốc này rất được các quan chức Mỹ tại Washington quan tâm, bởi lẽ Washington muốn lấy Siemens làm gương cho nhiều công ty kinh doanh đa quốc gia khác.

Theo Peter von Blomberg, Phó chủ tịch Hội Minh bạch quốc tế tại Đức, mức phạt sắp tới dành cho Siemens tại Mỹ chắc chắn nặng hơn mức phạt tại Đức.

Chính các công tố viên Munich là những người phát hiện việc Siemens dùng tiền hối lộ để có được những hợp đồng béo bở trên toàn cầu. Viện Công tố Munich cho biết trước mắt đã phạt Siemens 290 triệu USD, và nếu không có gì thay đổi, Siemens còn bị phía Mỹ phạt nặng hơn nữa.

Các chuyên gia chống hối lộ cho biết vụ án Siemens lần này là vụ án hối lộ lớn nhất mọi thời đại được đưa ra xét xử theo Đạo luật Chống tham nhũng của các công ty nước ngoài tại Mỹ (gọi tắt là đạo luật FCPA) - tính cả trong nước lẫn nước ngoài.

Tập đoàn đa quốc gia Siemens và các quan chức nhân viên của nó đối mặt với một số tội danh nghiêm trọng như sử dụng tiền hối lộ để bán thiết bị y tế tại Trung Quốc và Indonesia, thông qua những “hợp đồng kín” để cung ứng các thiết bị viễn thông cho các lực lượng vũ trang Na Uy và Hungary, và giành được hợp đồng xây dựng một nhà máy điện tại Serbia...

Đó chỉ là một vài trong vô số tội danh hối lộ mà Siemens đang chờ bị xử phạt. Thế nhưng, các nhà quan sát cũng tin rằng vụ bê bối của Siemens cũng là một cơ hội đích thực cho Chính phủ Mỹ chứng tỏ họ rất nghiêm khắc trong điều tra và xử phạt những công ty nước ngoài vi phạm luật chống tham nhũng của Mỹ.

Cánh tay pháp luật của Mỹ liệu có đủ dài để vươn tới các văn phòng của tập đoàn quan trọng nhất nước Đức hay không? Có, bởi vì các cổ phần của Siemens được niêm yết trên thị trường chứng khoán New York và những hoạt động mở rộng của nó có mặt trên khắp nước Mỹ, cho nên chắc chắn luật pháp Mỹ “không tha” cho Siemens.

Siemens hiện đang là đối tượng bị điều tra đặc biệt theo Đạo luật FCPA. Đạo luật này trao cho Bộ Tư pháp và Ủy ban Ngoại hối và Chứng khoán Mỹ quyền mở các cuộc điều tra, tất nhiên là Siemens không thể bất hợp tác vì bất cứ lý do nào.

Để chứng tỏ quyết tâm của họ, các nhà hành pháp Mỹ thường đưa ra những hình phạt khá nghiêm khắc cho các công ty nước ngoài mà chính phủ của công ty đó không thể can thiệp.

Chẳng hạn, không hài lòng với khoản phạt 3 triệu USD mà Na Uy áp đặt cho Công ty sản xuất năng lượng Statoil vì đưa hối lộ ở Iran. Năm ngoái, Chính phủ Mỹ buộc công ty này nộp phạt thêm 18 triệu USD. (Công ty này, hiện thương hiệu được đổi lại là StatoilHydro, vẫn chưa thừa nhận tội danh hối lộ mà phía Mỹ cáo buộc).

Không chỉ theo dõi các công ty nước ngoài, giới quản trị người nước ngoài bị tình nghi làm sai trái cũng là đối tượng bị Chính phủ Mỹ âm thầm điều tra.

Năm 2006, các viên chức FBI bắt giữ một nhà quản trị của Hãng sản xuất thiết bị viễn thông Pháp Alcatel-Lucent ngay khi ông ta chuẩn bị lên máy bay tại sân bay Miami.

Đó là Christian Sapsizian, một công dân Pháp, về sau thừa nhận có tội trong việc tham gia một kế hoạch đưa hối lộ các quan chức Costa Rica khoảng 2,5 triệu USD, để giành được một hợp đồng điện thoại di động.

Các nhà điều tra tham nhũng cho biết Siemens sẽ phải đối mặt với những hình phạt tại Mỹ, và những hình phạt đó nặng hơn các án phạt từng được tuyên trong lịch sử Mỹ.

Án phạt nặng nhất hiện tại là 44 triệu USD được tuyên đối với Công ty Baker Hughes Services International bị cáo buộc đưa hối lộ để giành được hợp đồng các dịch vụ dầu khí tại Kazakhstan hồi đầu năm nay. Vì Siemens liên quan đến nhiều trường hợp hối lộ cho nên hình thức phạt có nguy cơ tăng nặng.

Trước nguy cơ bị các nhà điều tra Mỹ cử người giám sát mọi hoạt động trong công ty, Siemens chọn ngay giải pháp hợp tác điều tra, chứng tỏ có thiện chí với Chính phủ Mỹ để vụ này đi vào ổn định càng sớm càng tốt.

Thế nhưng, trước khi họ đưa ra mức phạt tương thích, Bộ Tư pháp và các luật sư tại Ủy ban Chứng khoán và Ngoại hối Mỹ muốn xác định kỹ hơn Siemens hưởng lợi nhuận cỡ nào từ những khoản hối lộ của họ, chính vì thế mà cuộc điều tra có thể kéo dài nhiều tháng, thậm chí hàng năm.

Theo đề nghị từ Siemens với Chính phủ Mỹ, công ty này sẽ thành lập một đội thanh tra để bảo đảm rằng Siemens không còn những hoạt động mờ ám như bôi trơn lòng bàn tay (tức hối lộ) nữa.

Đội thanh tra đó, có thể quân số lên đến hàng trăm người, sẽ có toàn quyền điều tra bất cứ người nào trong công ty có nghi vấn, đến bất cứ nơi nào họ thích, và báo cáo về cho Chính phủ Mỹ, nhưng mọi chi phí của họ là do Siemens trả

Theo Trần Lệ Trí (An Ninh Thế Giới)