itaexpress / Tin ITA / Thế giới / Hồ sơ / Đằng sau cuộc đua lên mặt trăng của châu Á

Dự án Hằng Nga có thể mào đầu chiến tranh lạnh mới? Đằng sau cuộc đua lên mặt trăng của châu Á

Vệ tinh mặt trăng Kaguya của Nhật.

Có ít nhất ba nước châu Á là Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ đang tham gia cuộc chạy đua lên mặt trăng. Trung Quốc và Nhật đã phóng vệ tinh mặt trăng của mình. Ấn Độ sẽ phóng một vệ tinh tương tự vào tháng 4 năm tới. Mỗi nước có tham vọng riêng của mình, không ai hợp tác với ai

Dĩ nhiên, không có nước nào dám nói chương trình của mình mang tính ganh đua vì lợi ích quốc gia và vị thế trên thế giới. Đọc tất cả những tuyên bố của các quan chức Trung Quốc (TQ), người ta thấy TQ rõ ràng muốn đánh tan những nghi ngờ của các nước có chung tham vọng như mình.

Không muốn cạnh tranh

Ông Luân Ân Khiết, tổng chỉ huy dự án Hằng Nga, từng tuyên bố: “TQ không ganh đua dưới bất kỳ hình thức nào với bất kỳ nước nào và sẽ chia sẻ những kết quả thám hiểm với toàn thế giới”.

Ông Lý Học Dũng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, nhấn mạnh: “TQ hoan nghênh hợp tác quốc tế trong các hoạt động vũ trụ”. Nhưng nói ra câu ấy, ông Lý hàm ý TQ mong muốn trở thành nước thứ 17 tham gia dự án Trạm Không gian Quốc tế (ISS).

Ông Âu Dương Tư Viễn, giám đốc khoa học của dự án Hằng Nga, cho biết mục tiêu của chương trình phóng vệ tinh mặt trăng cũng rất hòa bình. Nó chỉ tốn từ 1 tỉ đến 1,4 tỉ nhân dân tệ tương đương với chi phí xây 2 km đường xe lửa ngầm ở Bắc Kinh cho nên không thể nói là quá tốn kém. So với nền kinh tế TQ, nó không phải là một gánh nặng mà ngược lại nó giúp phát triển khoa học và kỹ thuật nước nhà. Dự án thành công, TQ sẽ đẩy mạnh những công trình nghiên cứu khoa học mới và đào tạo được những chuyên viên có tài trong lĩnh vực hàng không vũ trụ.

Bình luận về việc TQ và Nhật Bản phóng vệ tinh mặt trăng gần như một lượt (chỉ cách nhau hơn một tháng), ông Trương Kiến Kỳ, một quan chức của dự án Hằng Nga, đã cố gắng giảm bớt ý nghĩa cạnh tranh với các nước khác: “Nhật Bản nghiên cứu việc thám hiểm mặt trăng sớm hơn chúng tôi. Vì vậy, chúng tôi xin nhấn mạnh rằng, với việc phóng vệ tinh Hằng Nga-1, chúng tôi không muốn nói ai là người đi đầu”.

Sau khi TQ phóng thành công vệ tinh mặt trăng Hằng Nga -1, người phát ngôn của cơ quan không gian vũ trụ Nhật cũng nói một cách trịnh trọng: “Chúng tôi hy vọng họ sẽ thành công. Hợp tác quốc tế là rất quan trọng cho việc phát triển kỹ thuật. Chúng ta phải động viên nhau. Như vậy cả hai nước chúng ta mới thành công”.

Nhật Bản đang có một vệ tinh mặt trăng mang tên Kaguya (nàng Huy Dạ) phóng ngày 14-9 và đã bay vào quỹ đạo mặt trăng hôm 4-10. Chương trình thám hiểm mặt trăng của Nhật bao gồm cả việc đưa người lên mặt trăng vào năm 2020.

Phác thảo vệ tinh mặt trăng Chandrayaan-1 của Ấn Độ.

Nghi kỵ hơn hợp tác

Ngoài Nhật Bản và TQ, tháng 4 - 2008 Ấn Độ dự kiến sẽ phóng vệ tinh mặt trăng của mình mang tên Chandrayaan-1. Vệ tinh này cũng có nhiệm vụ lập một bản đồ ba chiều địa hình mặt trăng và bản đồ khoáng sản. Ấn Độ cũng từng tuyên bố sẽ đưa người lên mặt trăng trước năm 2015.

Tuy nhiên, theo báo The Indian Express, chương trình thám hiểm mặt trăng của Ấn Độ có thể không thực hiện sớm như kế hoạch đã đề ra vì Chính phủ Ấn Độ thiếu ý chí chính trị. Theo tờ báo, chính phủ cần thức tỉnh vì vấn đề ở đây là Ấn Độ không thiếu tài năng khoa học. Chính phủ cũng cần thúc đẩy các chương trình không gian phục vụ các mục đích dân sự và quân sự.

Tờ báo nhận định rằng sẽ là sai lầm nếu nói rằng việc TQ phóng vệ tinh Hằng Nga-1 được hoan nghênh trong khuôn khổ cuộc chạy đua lên mặt trăng của các nước châu Á. Lý do: Chương trình không gian của TQ không chỉ nhằm thúc đẩy kiến thức khoa học của con người. Nó còn nhằm xây dựng “sức mạnh tổng hợp quốc gia” và cả quyết tâm tranh giành quyền thống trị không gian vũ trụ của Mỹ.

Nhận định trên cũng được website intelligencepost.com chia sẻ. Nhà báo Jean-Paul Ney cho rằng sau khi phân tích cuộc chạy đua dồn dập lên mặt trăng hiện nay của Nhật, TQ, Ấn Độ và Mỹ (năm 2008), các chuyên gia phương Tây tiên đoán có thể bùng nổ “chiến tranh lạnh” giữa TQ và Mỹ. Nếu ngày xưa người Mỹ ăn không ngon vì vệ tinh Sputnik của Liên Xô cứ bay vần vũ trên đầu thì ngày nay cũng gần như thế. “Người Mỹ làm sao có thể ngủ yên dưới vành trăng cộng sản kiểu TQ”.

Nhật báo Mỹ The Christian Science Monitor số ra ngày 25-10 dẫn lời Bates Gill, Giám đốc Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế ở Stockholm (Thụy Điển), cho rằng cuộc chạy đua lên mặt trăng của các nước châu Á tuy mới ở thời kỳ bình minh đã làm nảy sinh nhiều nghi kỵ hơn là hợp tác. Gill giải thích: “Điều đó có nghĩa là sẽ có cạnh tranh gay gắt hơn vì tồn tại các vấn đề an ninh giữa ba nước (TQ, Nhật, Ấn Độ). Vì vấn đề quân sự liên quan đến các chuyến bay trong không gian và công nghệ, việc hợp tác thật sự sẽ khó xảy ra”.

Vấn đề mấu chốt ở đây là công nghệ không gian không chỉ phục vụ các mục tiêu dân sinh. Nó cũng phục vụ các mục tiêu quân sự. Vì vậy, các nước nhìn sự tiến bộ của nước láng giềng bằng cặp mắt đầy nghi kỵ. Những tham vọng của TQ đang làm Ấn Độ lo lắng, đặc biệt sau khi TQ thử tên lửa diệt vệ tinh hồi tháng 1 năm nay. TQ cũng lo ngại chương trình phòng thủ tên lửa của Nhật hợp tác với Mỹ đe dọa các lợi ích của mình. Trong khi đó, Nhật lại âu lo về khả năng bắn tên lửa đạn đạo của CHDCND Triều Tiên.

Nguyễn Cao