itaexpress / Tin ITA / Thế giới / Hồ sơ / Mối quan hệ giữa Nixon với mafia

Mối quan hệ giữa Nixon với mafia

Tổng thống Richard Nixon ngồi tọa đàm

với Bebe Rebozo (bên trái) và Edgar

Hoover (giữa) tại "Nhà Trắng Florida".

Không chỉ dính vào vụ bê bối Watergate, leo thang chiến tranh ở Việt Nam, Richard Nixon đã có những mối quan hệ bất chính với thế giới tội phạm khét tiếng ở Mỹ, và chính họ là những người gây quỹ cho các cuộc tranh cử và tái tranh cử của ông ta.

Ngày nay, nhiều nhà sử học nói rằng, Tổng Thống Richard Nixon trong thời gian sống trong Nhà Trắng gây ra bê bối nhiều hơn là cống hiến cho nước Mỹ.

Ngoài ra, ông này còn là một tay chơi bạc hạng anh chị và dàn xếp các cuộc ám sát Chủ tịch Cuba Fidel Castro...Những bí mật đen tối đã được kết luận và phanh phui. Mặc dù vậy, vẫn còn nhiều chuyện mờ ám về người đàn ông "bí ẩn" này. Dưới đây là những tiết lộ được đăng trên tạp chí Tội phạm của Mỹ.

Chiến dịch tranh cử hoành tráng từ những đồng tiền “bẩn”

Trong lúc cao trào của vụ bê bối Watergate, vợ của Tổng trưởng lý Gen. John Mitchell là Martha đã gióng lên hồi chuông cảnh báo với cánh phóng viên rằng: “Nixon có liên hệ với mafia và chúng đã nhúng tay vào cuộc bầu cử của ông ta”.

Tuy nhiên, Nhà Trắng lúc đó đã kịch liệt phản đối bất cứ những bình luận nào chống Nixon và gây sức ép với những nhà báo để phản pháo những công bố của Martha, cho rằng đó chỉ là những lời ngông cuồng vô căn cứ của một người say rượu.

Tuy nhiên, thời gian đã chứng minh cho lời cảnh báo của Martha là đúng.

Người quản lý chiến dịch tranh cử kiêm cố vấn chính trị của Nixon là Murray Chotiner, một luật sư có thân hình đẫy đà, người chuyên bảo vệ những thành viên của các băng đảng mafia, là cầu nối giữa Nixon và thế giới ngầm ở Mỹ. Khi Nixon bước vào tòa Nhà Trắng, cả trong thời gian làm Phó Tổng thống và sau này là Tổng thống, ông ta đều ân sủng Chotinor.

Chỉ mãi tới gần đây, những nhà làm luật của Mỹ mới biết rằng Nixon đắc cử tổng thống năm 1969 nhờ từ mối quan hệ của Chotiner với những tội phạm chóp bu như Jimmy Hoffa, ông chủ mafia ở New Orleans, rồi Carlos Marcello và tên tội phạm khét tiếng ở Los Angeles là Mickey Cohen. Có thể nói, trong suốt hơn hai thập niên bước vào chính trường, Nixon đã được hưởng rất nhiều chiến lợi phẩm từ thế giới ngầm trong và ngoài nước Mỹ.

Bắt đầu từ cuộc chạy đua vào Quốc hội năm 1946. Nixon đã thành công nhờ tư tưởng chống Cộng mạnh mẽ ở phía Nam California. Nixon đã nhận được 5.000 USD từ khoản đóng góp của Cohen cộng với việc sử dụng văn phòng miễn phí tại biệt thự Mickey Cohen cho chiến dịch làm dân biểu.

Đến năm 1950, Chotiner đã lập ra một bữa tối gây quỹ tranh cử cho Nixon tại khách sạn Knickerbocker ở Los Angeles.

Kết quả là bữa tối này đã gây được 75.000 USD để giúp cho Nixon đủ tiền chi phí vào những cuộc vận động hoành tráng và đánh bại Sen Helen Gahagan Douglas, người đã bị Nixon phác họa là kẻ ủng hộ Cộng sản. Thực ra, cuộc gây quỹ tranh cử này mang tính ép buộc hơn là tự nguyện.

Cohen sau đó đã thuật lại vụ việc: “Bữa tối hôm đó có sự tham gia của các con bạc đến từ Las Vegas. Tiền gây quỹ toàn là tiền đánh bạc và không có ai tham gia hôm đó là sống đúng luật pháp”.

Nixon đã ghi nhận bữa tối đó sau khi Cohen nói với những người tham dự rằng tất cả các cửa ra vào sẽ bị đóng cho đến khi hạn ngạch 75.000 USD được đáp ứng. Và chính Cohen đã nói rằng, sự ủng hộ của ông đối với Nixon được đưa ra từ Frank Costello và Meyer Lansky, những người sáng lập ra National Syndicate (Ủy ban đặc trách quốc gia).

Đánh bạc và kinh doanh kiếm lời

Nixon cũng có mối quan hệ với trùm tội phạm Bebe Rebozo, người có cổ phần trong chuỗi khách sạn của Lansky ở Havana. Theo nhà sử học Anthony Summers, mối quan hệ giữa Nixon và Rebozo trở nên thắm thiết vào những năm đầu thập niên 50 khi Nixon còn là một người say mê đỏ đen. Thường thì Rebozo bao hết số tiền thua của Nixon, có khi lên tới 50.000 USD, khi các cuộc chơi đỏ đen diễn ra ở khách sạn Nacional của Lansky.

Nhiều nhà viết tiểu sử về Nixon nói rằng, Richard Danner, một cựu nhân viên FBI đã giới thiệu Nixon với Rebozo vào năm 1951. Danner là người quản lý ở thành phố biển Miami và sau này ông trở thành phụ tá hàng đầu trong lĩnh vực tài chính của Nixon.

Những năm sau đó, Danner đã trao 100.000 USD dưới danh nghĩa quyên góp cho Nixon. Hai người từ đó hầu như không thể tách rời. Rebozo đã hỗ trợ tài chính cho thần tượng chính trị của mình.

Cả cuộc đời chính trường của Nixon là một màn bí ẩn
mà cho đến nay vẫn gây không ít tò mò cho các nhà
nghiên cứu và các nhà sử học

Và trong buổi tổ chức bầu chọn vào chức phó tổng thống năm 1952, Rebozo cũng có ở đó. Sau khi giấc mộng chính trị của Nixon trở thành hiện thực vào năm 1968 (Nixon lên làm tổng thống Mỹ), Rebozo và Nixon đã uống rượu và tắm nắng cùng nhau ở Key Biskayne.

Trong suốt những năm ở Nhà Trắng, đã có rất nhiều lần Rebozo ở bên cạnh Nixon. Theo tính toán thì cứ 10 ngày Rebozo lại ở bên Nixon trong Nhà Trắng một ngày.

Không chỉ có vậy, Nixon và Rebozo cũng đã mua rất nhiều đất ở Florida với giá rất hời từ Donald Berg, một phần tử cũng có nhiều hoạt động bất chính. Thậm chí Mật Vụ của Nhà Trắng còn khuyên Nixon ngừng quan hệ với Berg vì tên này có nhiều tai tiếng.

Nixon và Rebozo cũng là bạn của James Crosby, chủ tịch của một hãng phim nổi tiếng là có liên hệ với những băng đảng tội phạm. Chính Ngân hàng Biscayne của Rebozo bị nghi ngờ là hậu thuẫn cho những đường dây rửa tiền kếch xù từ sòng bạc của Crosby ở Barhamas.

Vào những năm 60, các nhân viên FBI đã phát hiện ra những người bạn quốc tịch Mỹ gốc Cuba của Nixon “là những nhân vật phạm pháp có tổ chức”. Tuy nhiên, tất cả đều im hơi, lặng tiếng vì họ không muốn động chạm đến một công dân số hai của nước Mỹ.

Cựu thành viên mafia là Bill Bonanno, con trai của bố già khét tiếng ở thành phố New York là Joe Bonanno đã khẳng định rằng, Nixon “sẽ chẳng bao giờ làm được gì” nếu như không có những bố già hỗ trợ.

Ông này còn cho biết, thông qua Rebozo, Nixon đã “có những vụ làm ăn với những người trong gia đình của Trafficante (ông chủ tội phạm ở Florida), và kiếm được rất nhiều lời từ kinh doanh bất động sản, hậu thuẫn cho việc cấp giấy kinh doanh sòng bạc, che đậy các cuộc gây quỹ chống Chủ tịch Fidel Castro...”.

Những vụ mưu sát

Lãnh đạo công đoàn người lái xe tải Jimmy Hoffa và Nixon đã căm ghét John Kennedy và Robert Kennedy như kẻ thù. Lý do là Nixon đã bị John Kennedy đánh bại trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 1960. Còn Robert Kennedy đã cố gắng tống Hoffa vào tù từ năm 1956 nhưng chưa tìm ra được bằng chứng rõ ràng về tội lỗi của tên này.

Do cùng chung một kẻ thù với Nixon nên Hoffa và 2 triệu thành viên công đoàn của ông đã ủng hộ Phó tổng thống Nixon chống lại Thượng nghị sĩ John Kennedy trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1960. Edward Partin, người cung cấp thông tin của chính phủ tiết lộ rằng Hoffa đã bí mật gây quỹ từ thiện cho chiến dịch của Nixon. Partin cho hay: “Tôi đã biết được nhiều hoạt động bất chính, Marcello và Hoffa đã có một chiếc vali chứa 500.000 USD tiền mặt và chuẩn bị được chuyển tới cho Nixon”.

Vì thân mật nên Hoffa đã hoạt động như người chào hàng cho Nixon. Nhưng sau khi Nixon bị thất cử năm 1960, Hoffa đã bị tống vào tù với tội danh đút lót và biển thủ quỹ lương của công đoàn gần 2 triệu USD. Mối quan hệ của Nixon và Hoffa quả là thắm thiết cho nên sau khi Nixon lên làm Phó tổng thống, ông đã đưa ra đặc ân đối với kẻ phạm tội này. Kết quả là Hoffa chỉ phải lĩnh án 5 năm thay vì bản tuyên án là 13 năm tù.

Tất nhiên là Hoffa cũng đã hối lộ để được ra tù. Theo một người chứng kiến thì Jame P. Hoffa (người anh của Hoffa) và kẻ tống tiền Allen Dorfman đã mang một chiếc vali màu đen có chứa 300.000 USD tới khách sạn Washington để giúp cho “bố già Hoffa” được phóng thích. Và trong một công bố mới đây, FBI cũng đã công nhận điều này.

Các băng đảng tội phạm dưới thời Nixon

Trong suốt thời gian Nixon cầm quyền, những áp lực nhắm vào các băng đảng tội phạm đã giảm đi đáng kể, điển hình là trùm tội phạm Sam Giancana hay vụ trục xuất Johny Roselli.. Các luật sư của Nixon khi đó đã ra sức bào chữa cho những bị cáo và là bạn bè của Nixon, trong đó có Johny Roselli vì “đã có những hoạt động mang nhiều ý nghĩa đối với an ninh quốc gia”.

Roselli là một nhân vật trung gian quan trọng trong những hoạt động ám sát của bọn tội phạm với sự hậu thuẫn của CIA để chống lại Chủ tịch Fidel Castro. Mặt khác, Roselli cũng giao thiệp với một điệp viên tình báo là bạn của Nixon tên là E. Howard Hunt. Nixon và Hunt đã ngấm ngầm lập những kế hoạch ám sát Fidel Castro khi Nixon còn là Phó tổng thống.

Roselli và Jack Ruby - người đã ám sát Tổng thống John Kennedy - được cho là đã gặp nhau trong các khách sạn ở Miami trong nhiều tháng trước cuộc ám sát diễn ra. Rosselli cũng dính líu đến vụ ám sát nguyên thủ của nước Cộng hòa Dominica là Jafael Trujillo.

Phớt lờ nhiều vụ xét xử mafia

Chính quyền Nixon cũng đã can thiệp vào ít nhất 20 vụ xét xử các nhân vật tội phạm chóp bu, thực ra việc đưa những kẻ phạm tội này ra xét xử chỉ là danh nghĩa để đánh lừa công chúng, còn thực chất chúng đã được bảo vệ bởi CIA. Nixon thậm chí còn lệnh cho Bộ Tư pháp không sử dụng từ “mafia” và “Cosa Nostra” để mô tả những tội phạm có tổ chức.

Khi lên làm Tổng thống, Nixon cũng bỏ qua cho Angelo "Gyp" DeCarlo, người đã bị FBI mô tả là “đao phủ của giới giang hồ”. Tên này đã được phóng thích sau chưa đầy 2 năm bị giam giữ trong tổng số 12 năm tù mà hắn bị xử. Sau đó, tờ Newsweek đã có bài viết rằng, tên tội phạm này “đã ngựa quen đường cũ” và còn khoe khoang mối quan hệ của hắn với ca sĩ Frank Sinatra, người đã giúp y được phóng thích.

Sinatra đã bị loại ra khỏi vòng xã hội dưới thời Tổng thống Kennedy khi Bộ Tư pháp Mỹ thông báo rằng danh ca này đã giao du và bạn bè với những trùm mafia khét tiếng. Tuy nhiên, Nhà Trắng dưới quyền Nixon đã không đếm xỉa đến chuyện đó và Sinatra đã trở thành người bạn của cả Nixon cũng như Phó tổng thống dưới thời Nixon là Spiro Agrew - người đã dính vào nhiều vụ tham nhũng.

Vào tháng 4/1974, theo lời yêu cầu của Nixon, Sinatra đã đến Nhà Trắng để hát tại bữa tối chiêu đãi Thủ tướng Italia Giulio Andreotti khi ông này đến thăm nước Mỹ và trong buổi tối đó, Thủ tướng Italia đã khen ngợi Sinatra là người vĩ đại. Đến năm 1998, sau khi Sinatra qua đời, các hồ sơ của FBI đã được công bố và xác nhận rằng Sinatra đã đóng góp hơn 150.000 USD tiền mặt cho các chiến dịch tranh cử của Nixon.

Các báo cáo cho biết, dưới thời John Kennedy nắm quyền, cuộc chiến chống tội phạm có tổ chức có hiệu quả rất cao. Ngược lại, dưới thời Nixon, các cuộc cướp nghiêm trọng tăng từ con số 0 lên thành 683, và số người bị kết án tù từ con số 0 lên thành 619. Rõ ràng là Nixon đã buông lỏng quản lý đất nước để bọn tội phạm gia tăng hoạt động.

Các thông tin cũng tiết lộ rằng, nhân viên FBI nghi ngờ Nixon đã nhận được 1 triệu USD từ Hiệp hội người lái xe tải để thanh toán tiền cho việc thực hiện vụ Watergate. Thực ra, vào đầu năm 1973, khi mà vụ Watergate đang dần bị phanh phui, trợ lý John Dean đã nói với Nixon rằng, có thể phải cần tới 1 triệu USD để cho những tên ăn trộm thông tin giữ câm lặng.

Nixon liền đáp lại: “Chúng ta có thể làm điều đó, tôi có thể đưa cho anh 1 triệu USD để làm. Tôi biết tôi có thể kiếm được khoản tiền này ở chỗ nào”. Sau này người ta mới biết rằng, số tiền trên lấy từ nguồn tài trợ của Rebozo và những người bạn mờ ám của Nixon.

Có thể nói, cả cuộc đời chính trường của Nixon là một cuốn phim dài tập, mỗi tập lại nó nhiều cảnh và mỗi cảnh lại có rất nhiều màn bí ẩn mà cho đến nay vẫn gây không ít tò mò cho các nhà nghiên cứu và các nhà sử học. Các chuyên gia cho rằng, nhiều vụ mờ ám của Nixon với các nhóm tội phạm vẫn chưa được phanh phui, một phần cũng là do nhiều người liên quan đã qua đời, một phần cũng vì vấn đề an ninh quốc gia.

Nhưng dù sao, kết cục của một người gian lận và dính vào nhiều bê bối cuối cùng cũng không có hậu. Màn kịch gian lận của Nixon trên chính trường là vụ Watergate. Cho dù trước những lời đồn, Nixon luôn từ chối là đã không làm những cuộc nghe lén và đổ lỗi hết cho các nhân viên cấp dưới.

Chỉ đến khi Alexander Butterfield, người nắm giữ lai lịch của Nixon công bố trước Thượng viện về hệ thống nghe lén ghi lại toàn bộ những cuộc đối thoại của Nixon tại Nhà Trắng, phòng nội các, phòng khách và phòng làm việc của Nixon ở trại Daivid thì ông ta mới không thể chối cãi. Điều này đã buộc Nixon phải từ chức và kết thúc một màn kịch đầy tai tiếng.

Theo Hữu Mạnh (CANDOL)