itaexpress / Tin ITA / Thế giới / Hồ sơ / Mùa thu nóng bỏng của nước Pháp

Mùa thu nóng bỏng của nước Pháp

Những cuộc biểu tình đang gây áp lực

lớn lên Chính phủ Pháp

Tuần qua, bất chấp khí trời trở lạnh đột ngột làm tuyết rơi sớm ở một số khu vực, "nhiệt độ xã hội" tại Pháp vẫn không bớt nóng sau một tháng biến động.

Trong bộ máy chính quyền, có lẽ chỉ duy nhất Bộ Y tế, Thanh niên và Thể thao vẫn tìm thấy niềm "an ủi" khi từ giữa tháng 10, và đặc biệt là từ ngày 14.11, người Pháp "thể thao" hơn hẳn. Không chỉ siêng năng đạp xe, đi bộ vì các phương tiện giao thông công cộng liên tục đình công, người dân xứ Gaulois còn không ít lần rầm rộ kéo nhau xuống đường biểu tình.

Ngành ngành đình công, người người biểu tình

Kể từ lần tổng đình công đầu tiên của ngành giao thông công cộng vào ngày 18.10, liên tiếp sau đó là nhiều đợt đình công của nhiều ngành khác. Các tiếp viên hàng không của hãng Air France quyết không "lên trời" trong gần một tuần, ngay vào kỳ nghỉ lễ Các Thánh (cuối tháng 10, đầu tháng 11), khiến không ít hành khách thay vì đi du lịch thì đành phải "cắm trại" ngay tại... sân bay.
Cùng thời điểm đó, để phản đối giá xăng dầu tăng quá cao mà Chính phủ Pháp chưa có những hỗ trợ xác đáng, các ngư dân cũng đồng loạt đình công, không chịu "xuống biển" khiến đích thân Tổng thống Nicolas Sarkozy và Bộ trưởng Bộ Nông, ngư nghiệp Michel Barnier phải xuống tận nơi điều đình. Sinh viên một số trường đại học cũng rục rịch khiêng bàn ghế ra "phong tỏa" lối ra vào để chống lại điều luật về quyền tự chủ của các trường đại học. Điểm xuyết vào tình hình rối ren này là đợt đình công của các luật sư, thẩm phán chống lại những cải cách của Bộ Tư pháp. Từ ngày 14.11, ngành giao thông công cộng lại tiếp tục "lên tiếng" với đợt đình công kéo dài và đến ngày 21.11, ngày đàm phán đầu tiên giữa các công đoàn với ban giám đốc, dân Pháp vẫn phải khốn khổ trong cảnh chen lấn và chờ đợi tại các nhà ga.

Ngày 20.11, đến lượt 8 công đoàn của các viên chức nhà nước kêu gọi đình công, biểu tình. 30% viên chức các ngành đã đáp lại lời kêu gọi, riêng ngành giáo dục có tới 40% thầy cô không bước lên bục giảng. Toàn nước Pháp có từ 375.000 người (theo cảnh sát) đến 700.000 người (theo những nhà tổ chức) xuống đường để yêu cầu tăng lương đồng thời phản đối việc Chính phủ dự định cắt giảm 22.921 việc làm (riêng trong ngành giáo dục là 11.200), dưới hình thức chỉ tuyển dụng một nhân viên mới trên tổng số 2 hoặc 3 người về hưu trong các cơ quan Nhà nước. Nhân viên các ngành năng lượng, giao thông công cộng vốn căng thẳng với Chính phủ từ một tháng qua quanh việc cải cách chế độ đặc biệt cùng với giới sinh viên học sinh cũng không bỏ lỡ cơ hội làm cho cuộc biểu tình thêm "hoành tráng".

Theo chân đoàn biểu tình từ Place d'Italie đến Invalides, tôi có dịp kiểm nghiệm lại kết luận trong dịp đồng hành cùng hàng triệu sinh viên học sinh xuống đường vào tháng 3, tháng 4 năm 2006 chống lại điều luật Hợp đồng tuyển dụng đầu tiên (CPE): biểu tình vẫn là một phần của văn hóa Pháp. Không có bạo động "ăn theo", cuộc biểu tình ngày 20.11 như "truyền thống" vẫn rất... vui, không chỉ "vui tai" vì sự đả đảo nhiệt tình của người tham gia mà còn "vui mắt" vì sự xuất hiện của nhiều loại đồng phục do có sự tham gia của nhiều ngành khác nhau, thậm chí có cả cuộc diễu hành của một đoàn xe công sự của nhân viên ngành điện lực.

Sarkozy và "thuốc thử" liều mạnh

Những khẩu hiệu đinh trong chiến dịch tranh cử của Tổng thống Sarkozy như "Làm việc nhiều để kiếm nhiều tiền", "Tăng khả năng mua sắm cho người Pháp", "cải cách lại những bất cập của xã hội"... từng thuyết phục được cử tri, bây giờ khi đưa vào áp dụng lại chính là cội nguồn của những biến động xã hội tại Pháp thời gian qua.

Tuy có nhiều lý do khác nhau để biểu tình, đình công, nhưng hầu hết những người tham gia đều có chung lo ngại về khả năng tài chính của bản thân trong tương lai. Đối với các viên chức nhà nước là việc giá cả đời sống leo thang trong khi đồng lương của họ chẳng chịu "nhúc nhích". Đối với công nhân viên những ngành chịu ảnh hưởng của chế độ đặc biệt, nhiều khả năng lương hưu của họ sẽ giảm nếu không tính kèm các khoản thưởng và cộng thêm phần tỷ lệ khấu trừ nếu không làm đủ 40 năm hoặc nghỉ hưu trước 60 tuổi. Thêm vào đó, sự cắt giảm việc làm chắc chắn sẽ làm tăng áp lực công việc, nghĩa là người dân sẽ phải "làm việc nhiều hơn" nhưng tiền kiếm thêm lại chẳng là bao. Trong bối cảnh như thế, thông báo đăng tải trên khắp các nhật báo vào cuối tháng 10 về việc Tổng thống Sarkozy được tăng lương lên đến 140%, từ 7.000 euro lên đến hơn 19.000 euro rõ ràng như "đổ dầu vào lửa", làm bùng nổ các cuộc biểu tình phản đối.

Khi cánh hữu đương quyền, luôn có nhiều đình công, biểu tình hơn so với cánh tả. "Thế lực đường phố" từng chiến thắng các cải cách và điều luật mới của Chính phủ như cuộc cải tổ chế độ hưu trí của cựu Thủ tướng Alain Juppé năm 1995 hay điều luật lao động của cựu Thủ tướng Dominique de Villepin năm 2006. Hậu quả mỗi lần thất bại như thế rất nặng nề đối với tiền đồ chính trị của hai vị cựu Thủ tướng. Mùa thu năm nay, tuy Chính phủ Pháp cho biết sẽ mở rộng cửa đối thoại, nhưng với việc khẳng định không nhường bước và quyết tâm cải cách của ông Sarkozy, liệu con số hơn 300 triệu euro thiệt hại vào mỗi ngày đình công cùng các cuộc biểu tình chống... đình công sẽ có điểm dừng?

Bài và ảnh : Nguyễn Ngọc Lan Chi (Theo Thanh Niên)