itaexpress / Tin ITA / Thế giới / Hồ sơ / Những động thái trên Thái Bình Dương: Bất ngờ mà không khó hiểu!

Những động thái trên Thái Bình Dương: Bất ngờ mà không khó hiểu!

Hạm đội Nam Hải của TQ tập tác xạ

tên lửa hôm 17-11-2007

“Hải quân Trung Quốc tập trận trong khu vực quần đảo Hoàng Sa là hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam, không phù hợp với nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, cũng như tinh thần cuộc gặp vừa qua giữa hai thủ tướng bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN lần 13 tại Singapore”.

Đó là tuyên bố của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 23-11-2007. Điều gì đã xảy ra? Điều gì sẽ xảy ra?

“Trung Quốc dập cửa vào mặt 8.000 thủy thủ đoàn tàu sân bay Kitty Hawk khi tàu này lẽ ra phải cập cảng Hong Kong (HK) hôm thứ tư tuần qua như đã dự định để nghỉ lễ Tạ ơn vào cuối tuần qua. Bộ Ngoại giao Trung Quốc (TQ) vào phút chót đã ra lệnh “cấm cửa” mà không giải thích lý do. Một ngày sau, bộ này thu hồi lệnh cấm, song vào giờ đó tàu Kitty Hawk đã trên đường quay trở lại căn cứ ở Nhật. Hàng trăm gia đình thân nhân thủy thủ tàu Kitty Hawk trước đó đã bay đến HK để cùng đón lễ Tạ ơn với các thủy thủ. Đô đốc Timothy Keating, tư lệnh quân lực Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương, tuyên bố ông rất “bối rối và quan ngại” trước vụ này.

Quan hệ quân sự giữa Hoa Kỳ và TQ có vẻ như đã được cải thiện, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Robert Gates mới thăm Bắc Kinh vào đầu tháng, tàu chiến TQ thăm Trân Châu cảng của Hoa Kỳ năm ngoái, hải quân hai nước cùng thao diễn cứu hộ trên biển. Sự cố Kitty Hawk diễn ra sau khi TQ cấm cửa hai tàu quét mìn của Hoa Kỳ vào cảng HK lấy nhiên liệu và tránh thời tiết xấu trên biển Đông”.

Báo The Star Bulletin “ngây thơ cụ”

Năm ngày sau “sự cố Kitty Hawk”, nhật báo The Star Bulletin phát hành tại Honolulu, Mỹ nhắc lại vụ này như trên, kèm theo tựa đề “TQ phải giải thích vụ làm nhục tàu Kitty Hawk”. Có vẻ như tờ báo này muốn tỏ ra “ngây thơ cụ” khi nhận xét: “Quan hệ quân sự giữa Hoa Kỳ và TQ có vẻ như “đã được cải thiện” bằng vài cuộc thăm viếng lẫn nhau, cả ở cấp bộ trưởng quốc phòng.

“Làm nhục tàu Kitty Hawk” hay “làm nhục Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates”, người vừa đến thăm Bắc Kinh trước đó hai tuần để trao đổi một cách “hữu nghị”? Nhất là sau chuyến đi đó, hai bên đã lập đường dây điện thoại “nóng” với nhau. Có điện thoại “nóng” rồi sao không sử dụng để rồi đột ngột cấm cửa tàu Kitty Hawk? Tờ The Star Bulletin ấm ức viết: “Lý do cấm cửa chẳng ai đoán ra được!”.

Thật ra không khó đoán lý do. Vào thời điểm đó hải quân TQ đang tập trận trong khu vực quần đảo Hoàng Sa. Chẳng lẽ hải quân TQ đang tập trận mà tàu sân bay Kitty Hawk, cùng hai tàu quét mìn trước đó, lò mò đến gần được à! Đến để nghe ngóng, dòm ngó hạm đội Nam Hải của TQ tập trận sao? Tàu Kitty Hawk từ lâu đã là một đối tượng “săn lùng” hàng đầu của hải quân TQ do đặc trưng của nó. Lý lịch của tàu Kitty Hawk cho thấy từ năm 1973, tàu này đã được biến cải từ một tàu sân bay tấn công thành một tàu sân bay đa dụng, trong đó có thêm vai trò săn tàu ngầm. Ngày 21-3-1984, tàu Kitty Hawk “đụng phải” một tàu ngầm Liên Xô trong vùng biển Nhật Bản khi tàu ngầm này bị phát hiện đang theo dõi cuộc tập trận “Tinh thần đồng đội” (Team Spirit) của hải quân Mỹ - Nhật. Sau vụ “đụng chạm” này, tàu Kitty Hawk được thưởng huy chương “Chiến công”.

Do tính năng săn tàu ngầm này, Kitty Hawk được hải quân TQ “chăm sóc đặc biệt” mỗi khi có thể để “thử sức”. Ngày 26-10-2006, tàu Kitty Hawk bẽ mặt vì bị một tàu ngầm TQ theo sát nút khi đang tập trận ngoài khơi Okinawa và trồi lên “chào buổi sáng” ngay trước mũi. Đúng là thợ săn bị săn! Thật ra, tàu Kitty Hawk cùng thủy thủ đoàn của nó cũng đã “già” rồi. Tháng năm trước đó, nó đã bị một chiếc Il của Nga bay qua đầu ngoài khơi Hokkaido của Nhật Bản sau khi đã bị hai chiếc chiến đấu cơ

Su-24 và Su-27 của Nga lần đầu tiên bay sát qua đầu vào ngày 17-10-2000. Sau đó, Nga gửi email cho tàu Kitty Hawk kèm theo các bức ảnh do các phi công Nga chụp khi bay qua đầu như ngầm cho biết: “Ông tha mạng cho đấy nhé, chứ chiến tranh thật thì chú mày toi rồi!”. Năm tới tàu này sẽ bị cho “nghỉ hưu” sau 46 năm chinh chiến từ VN sang Somalia rồi vùng Vịnh...

Hạm đội Nam Hải

Cuộc tập trận của hải quân TQ trong khu vực quần đảo Hoàng Sa kết thúc giữa tuần qua. Tân Hoa xã cho biết mục đích của cuộc tập trận này là “nhằm cải thiện khả năng chiến đấu của hạm đội”. Hạm đội tập trận này là hạm đội Nam Hải cũng không xa lạ gì, cũng như khu vực tập trận là quần đảo Hoàng Sa mà hạm đội này đã tấn chiếm của VN từ tháng 1-1974.

Lính thủy đánh bộ TQ diễn tập đổ bộ

Global Security (An Ninh Toàn Cầu) viết về các vụ này như sau: “Hạm đội Nam Hải đã bành trướng đáng kể từ ngày đầu thành lập. Hạm đội này đã chiếm đoạt Hoàng Sa từ tay VN năm 1974 và chiếm một số đảo trên quần đảo Trường Sa năm 1988”.

Theo một số tác giả, hạm đội này là ưu tiên 1 của hải quân TQ vốn gồm ba hạm đội Bắc Hải, Đông Hải và Nam Hải. Global Security viết: “Từ cuối thập niên 1980, các thay đổi trong quan niệm về đe dọa của TQ, kèm theo là việc gia tăng lợi ích ở vùng biển phía nam TQ, đã dẫn đến việc TQ nhấn mạnh ưu tiên cho hạm đội Nam Hải”.

Đương kim tư lệnh hải quân TQ Wu Shengli (từ 2006) từng là tư lệnh hạm đội này. Tư lệnh hải quân TQ trong giai đoạn 1996-2003 là Shi Yunsheng cũng xuất thân từ hạm đội này với chức vụ chỉ huy trưởng không lực trực thuộc hạm đội. Duy chỉ một lần người nắm hạm đội Nam Hải là tư lệnh hạm đội Bắc Hải là Zhang Dingfa nhưng chỉ trong giai đoạn ngắn ngủi 2003-2006 (tham khảo: China Navy, Office of Naval Intellgence - Cơ quan tình báo hải quân Hoa Kỳ, tr.24).

Phân tích lực lượng của ba hạm đội sẽ thấy được phần nào nhiệm vụ của mỗi hạm đội, và đoán ra lý do của các bổ nhiệm trong từng giai đoạn.

Cụ thể là phân bố tàu đổ bộ (nguồn: http://www.sinodefence.com/navy/amphibious/default.asp).

Với chỉ 24 tàu đổ bộ (hoặc hơn) cho hạm đội Đông Hải, nhiệm vụ đổ bộ đường biển để “giải phóng Đài Loan” của hạm đội đặc trách eo biển Đài Loan này quả là rất khiêm tốn! Với chỉ sáu tàu đổ bộ cho hạm đội Bắc Hải, nhiệm vụ đổ bộ biển của hạm đội này hầu như bằng không. Trong khi đó với 38 (hoặc hơn) tàu đổ bộ, chiếm phân nửa lực lượng tàu đổ bộ của hải quân TQ, hạm đội Nam Hải, hoạt động ở khu vực Hoàng Sa, Trường Sa, hầu như đặc trách đổ bộ đường biển.

Kèm theo tàu đổ bộ là lính thủy đánh bộ. Đại tá hải quân Brad Kaplan, tùy viên hải quân tại sứ quán Hoa Kỳ ở Bắc Kinh năm 1999, viết về lực lượng này như sau: “Lực lượng gồm 7.000 người này được huấn luyện và trang bị tương đối tốt. Nhiệm vụ cơ bản của lực lượng này là bảo vệ các hòn đào nằm trong biển Nam Hải của TQ (biển Đông của VN) trong thời bình và tấn chiếm rồi bảo vệ các hòn đảo trong vùng biển này trong thời chiến” (nguồn: www.navyleague.org/seapower/chinas_navy_today.htm).

Trên website sinodefence.com (quốc phòng TQ), lực lượng này được giới thiệu một cách không giấu giếm như sau:Từ đó, có thể hiểu cả quá khứ lẫn vị lai ở Hoàng Sa và Trường Sa, để đừng phải bất ngờ và thất vọng. Kể cả khi phát ngôn viên Bộ Ngoại giao TQ phát biểu trong họp báo hôm thứ ba 27-11-2007: “Việc VN phản đối hải quân TQ tập trận ở Tây Sa (VN gọi là Trường Sa) là không có cơ sở. Hải quân TQ tập trận ở Tây Sa là chuyện thường tình đều đặn”. Phát ngôn viên này quên nhắc đến bối cảnh của việc hải quân TQ “đều đặn” ở đây là chỉ sau khi tấn chiếm Hoàng Sa vào tháng 1-1974, sau một trận hải chiến đẫm máu với hải quân miền Nam VN. Miễn là đừng có “ngây thơ” hơn tờ The Star Bulletin.

 

Hải quân tầm xa

Cùng với lực lượng tên lửa và không quân, hải quân TQ được tăng cường phát triển. Tăng cường như thế nào? Để làm gì?

“Sách trắng quốc phòng TQ 2006” khoe rằng TQ đang tiếp tục cắt giảm quân số. Năm 2005 đã cắt được 200.000 người, quân số xuống còn 2,3 triệu người. Thế nhưng, đây là một sự cắt giảm “chọn lọc” theo phương hướng “binh quí hồ tinh, bất quí hồ đa”. Trong khi bộ binh bị cắt giảm 1,5%, thì hải quân và không quân cùng lực lượng tên lửa tăng 3,8%. Ngay trong hải quân và không quân cũng cắt giảm “chọn lọc” một số đơn vị “cổ lỗ” để thay thế bằng các đơn vị tàu chiến, máy bay, tên lửa phòng không tối tân.

Chương 2 của Sách trắng khẳng định: “Mục tiêu của hải quân là từng bước mở rộng chiều sâu chiến lược của các chiến dịch hoạt động phòng thủ tầm xa, đồng thời tăng cường khả năng tác chiến tích hợp và phản công hạt nhân”.

Không lấy làm lạ tại sao hải quân Mỹ đã dự báo đổi thay này của hải quân TQ như sau từ năm 1999: “Trong những năm gần đây, nhiệm vụ của hải quân TQ từ vai trò phòng thủ cố định bờ biển sang phòng thủ tích cực viễn dương. Các mục tiêu của sách lược mới này nhằm đảm bảo vai trò của TQ như là một cường quốc hàng hải của khu vực. Sách lược này diễn biến qua hai giai đoạn tách biệt. Giai đoạn 1 là phát triển phòng thủ tích cực viễn dương từ Vladivostok ở phía bắc đến eo biển Malacca ở phía nam, bao gồm cả “vành đai đảo” thứ nhất là các (quần) đảo Aleutians, Kuriles, Ryukyus, Đài Loan, Philippines và Greater Sunda về phía đông. Hải quân TQ có thể đạt mục tiêu này ngay đầu thế kỷ 21. “Vành đai đảo” thứ nhì gồm các đảo Bonins, Guam, Marianas và Palau vào giữa thế kỷ. Hải quân TQ cũng mở rộng triển khai các căn cứ ở Myanmar, nhằm tìm đường trực tiếp vào vịnh Bengal” (nguồn: http://www.navyleague.org/seapower/chinas_navy_today.htm).

Cũng năm 1999, nhật báo The Washington Times 11-2-1999 đã ghi nhận như sau về sách lược “vành đai” này: “Các viên chức tình báo quân sự cho biết TQ đang tìm cách vươn xa bằng sách lược dãy hòn đảo trên trục Bắc - Nam thành một vòng cung từ Nhật xuống đến Indonesia”.

Thế chiến thứ nhì đã khởi sự trên Thái Bình Dương từ vòng cung này. Vành đai thứ nhì nêu trên, hải quân Hoa Kỳ đã có kinh nghiệm chiến đấu với hải quân Nhật vào năm 1944, nên rất rành rẽ “đường đi nước bước”.

Nhà lãnh đạo Lý Quang Diệu: Cá lớn nuốt cá bé... không được nữa đâu

Nhật báo International Herald Tribune (IHT) 29-8 năm nay đã phỏng vấn cựu thủ tướng Singapore về những thách thức và cơ hội đối với tương lai đảo quốc này.

Ông Lý Quang Diệu: “Đó là một hòn đảo nhỏ nằm ở vị trí chiến lược cực nam châu Á kết nối các hải lộ ra Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Chúng tôi phải tự bảo vệ. Phải xây dựng một quân đội, một hải quân, một không quân, các hệ thống cảnh giới sớm từ xa... Liệu chúng tôi có thể sống sót được không? Câu hỏi vẫn chưa được trả lời. Trong 42 năm qua, chúng tôi đã sống sót đấy. Thế còn 42 năm tới? Nếu không có luật pháp và trật tự quốc tế, cá lớn sẽ nuốt cá bé, cá bé sẽ nuốt tôm tép, chúng tôi sẽ không tồn tại nổi. Quân lực chúng tôi sẽ đứng vững được một cuộc tấn công và gây thiệt hại cho đối phương trong hai tuần hoặc ba tuần, còn nếu bị bao vây thì chịu thôi, sẽ chết đói. Thành ra, tùy nơi bối cảnh quốc tế có khẳng định rằng biên giới là tối thượng và còn có luật pháp để giải quyết. Không chỉ ở Hội đồng Bảo an LHQ. Hiện tại có hạm đội thứ bảy của Hoa Kỳ, có lợi ích của Nhật ở eo biển Malacca, sau này là TQ và Ấn Độ, thành ra phải cân bằng...IHT hỏi tiếp: Liệu TQ có tham vọng lâu dài ở châu Á có thể khiến phần còn lại của khu vực lo ngại?

Câu trả lời của ông Lý Quang Diệu rất “chính trị”: “Đó chỉ là những hoài niệm dân gian. Thành ra câu hỏi cần đặt ra là: Loại quan hệ nào sẽ là cần thiết? Ngày nay TQ đứng trước một Bắc Mỹ, châu Âu, Nhật Bản rất tiên tiến và một Đông Nam Á cùng Ấn Độ khá phát triển. Đó là một thế giới khác thế giới ngày xưa khi chưa có tàu thủy hơi nước, máy bay và đất Mỹ chưa có người ở. Dự đoán của chúng tôi là thế hệ lãnh đạo tới ở TQ, trong 30 năm nữa, sẽ có đầu óc khác nay. Do họ được giáo dục ở nước ngoài và hoàn toàn khác với ông cha họ. Họ đã từng đi ra nước ngoài như đi chợ và thông thạo tiếng Anh, sẽ biết rằng cho dù vào năm 2050 TQ có là nền kinh tế có tổng sản lượng nội địa/đầu người cao nhất, họ vẫn sẽ còn là bé tí và về mặt kỹ thuật vẫn còn ở xa phía sau. Để đạt đến đó, họ phải có đầu óc thực tế - điều mà giới lãnh đạo hiện nay đang có. Để đạt đến ngày đó, họ phải trở nên giống chúng ta, nghĩa là phải có đầu óc rất tỉnh táo xem cái gì có thể, cái gì không. Họ phải biết rằng khống chế cả khu vực này là điều không thể được”.

Lực lượng lính thủy đánh bộ quân đội giải phóng nhân dân (GPND) TQ gồm hai lữ đoàn (6.000 người mỗi lữ đoàn) trong hạm đội Nam Hải. Lực lượng có hai hệ thống chỉ huy song song: báo cáo hoạt động qua hạm đội Nam Hải và bộ chỉ huy quân GPNDTQ về mặt quản trị. Trong thời khủng hoảng, trực tiếp với Bộ tổng tham mưu.

Quân đội GPNDTQ thành lập đơn vị thủy bộ đầu tiên vào năm 1963 nhằm chiếm lại các hòn đảo nhỏ ngoài khơi còn do Quốc dân đảng giữ. Đến cuối chiến tranh Triều Tiên, lực lượng này đã phát triển lên đến tám sư đoàn với 110.000 quân. Tuy nhiên, lực lượng này được giải tán vào năm 1957 sau khi các nhà lãnh đạo CHND Trung Hoa bỏ kế hoạch chiếm Đài Loan. Khi các tranh chấp quốc tế về chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa bắt đầu nổi lên vào giữa thập niên 1970, một lần nữa quân đội GPNDTQ lại cảm thấy nhu cầu triển khai một lực lượng có khả năng tác chiến đường biển. Năm 1979, lực lượng lính thủy đánh bộ được tái thành lập nhằm bảo vệ TQ khỏi các yêu sách lãnh thổ trong khu vực biển phía nam ở Hoàng Sa và Trường Sa. Tháng 7-1998, sư đoàn bộ binh cơ giới 164 được tái phân bổ cho hạm đội Nam Hải để thành lập đơn vị lính thủy đánh bộ thứ nhì: lữ đoàn 164”

(http://www.sinodefence.com/organisation/navy/marinecorps.asp).

Theo Hữu Nghị (Tuổi Trẻ)