itaexpress / Tin ITA / Thế giới / Hồ sơ / Thái Lan tìm đường trở lại dân chủ

Thái Lan tìm đường trở lại dân chủ

Bầu cử được tổ chức 15 tháng sau

cuộc đảo chính không đổ máu.

Lãnh đạo các cuộc đảo chính thường hứa sẽ sớm trở lại chế độ dân chủ, và rồi thường chẳng giữ được lời hứa này.

Nhưng cú sốc về sự can thiệp của quân đội đối với sự kiện tháng chín năm 2006 ở Thái Lan, một đất nước vẫn được coi là đầu tầu về dân chủ ở châu Á, khiến rất ít người nghi ngờ tính chân thực của những lời hứa này từ các vị tướng lĩnh khi họ đảo chính giành quyền lực.

Thái Lan có vẻ quá thịnh vượng, quá tinh tế, và cũng quá tự do, không thể sống dưới sự lãnh đạo quân sự một thời gian quá lâu được.

Và 15 tháng sau ngày giành chính quyền, các vị tướng đã thực hiện lời hứa.

Hồi tháng tám, hiến pháp mới được thông qua sau một cuộc trưng cầu dân ý và người dân Thái Lan đi bầu cử một chính phủ dân chủ mới vào ngày chủ nhật 23 tháng 12 năm 2007.

Cuộc đảo chính của quân đội đã diễn ra với tinh thần thượng võ và không hề gây đổ máu.

Nhưng cuộc khủng hoảng liên quan đến sự lãnh đạo của cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra vẫn chưa được giải quyết, và cũng không có vẻ sẽ được giải quyết qua cuộc bầu cử này.

Đủ lý do để đảo chính

Các vị tướng lĩnh dẫn đầu của đảo chính đã chấp nhận một rủi ro lớn.

Nếu mọi việc không xảy ra theo ý muốn, nếu có đổ máu hay nếu có sự kháng cự của những người ủng hộ ông Thaksin, cuộc đảo chính sẽ thất bại.

Đảng mới của ông Thaksin được
nhiều người nông thôn ủng hộ

Họ được sự ủng hộ của các thành viên lãnh đạo quan trọng trong giới chính trị cũng như kinh doanh và nhận được sự cảm thông của một phong trào phản đối Thaksin đang ngày một lớn mạnh với sự tham gia của một bộ phận người Thái trung lưu và một số nhà hoạt động phi chính phủ.

Nhưng cuộc đảo chính là một cú đánh mạnh và hậu phương của ông Thaksin, những người nông thôn nghèo khó, những người đã tạo nên chiến thắng vang dội của Thaksin.

Các vị tướng lĩnh lãnh đạo đảo chính cần chứng tỏ rằng những cáo buộc tham nhũng và lợi dụng quyền lực đối với Thaksin là có thực.

Điều đó đã không xảy ra.

Những vụ kiện vị cựu thủ tướng đều mang tính kỹ thuật và không đạt được nhiều tiến bộ tại tòa án.

Có người nghi ngờ rằng các quan chức không muốn ủng hộ những vụ kiện này cho đến khi họ biết chắc rằng ông Thaksin sẽ không trở lại chính trường được nữa.

Hoặc cũng có thể quá nhiều quan chức đã có những thỏa hiệp với Thaksin nên không dám 'đánh' ông.

Tuy nhiên, những cáo buộc rằng chính quyền của ông Thaksin là chính quyền tham nhũng nhiều nhất trong lịch sử Thái Lan giờ không có vẻ có nhiều tính thuyết phục.

Trung thành hết mực

Như vậy ông Thaksin vẫn còn được nhiều người yêu quý ở miền bắc và đông bắc Thái Lan, nơi những chính sách kinh tế của ông đã để lại nhiều ảnh hưởng.

Cuộc đảo chính được nhiều người ủng hộ

Những khu vực này tập trung đông dân cư và họ sẽ bầu cho phần lớn trong số 480 ghế của quốc hội mới.

Quyết định hồi tháng năm cấm đảng Thai Rak Thai của ông Thaksin tham gia chính trị đã không hề ảnh hưởng đến sức mạnh của đảng mới của ông mang tên Đảng sức mạnh nhân dân (PPP).

Dường như đảng này khó có thể chiếm được đa số áp đảo nhưng nó cũng có thể giữ khoảng cách đủ xa so với các đối thủ để giữ được đảng PPP ở trong chính phủ.

Và đảng PPP đã công khai vận động phản đối cuộc đảo chính và ủng hộ việc đưa ông Thaksin trở về nước.

Cuộc lật đổ chính quyền Thaksin đã phá vỡ khung cảnh chính trị của Thái Lan, mà trong đó nhiều người trung gian vận động quyền lực ở địa phương, từng mang lại nhiều ủng hộ cho ông Thaksin, giờ lập ra những đảng chính trị riêng.

Nhưng rất ít trong số những bố già này có được kỹ năng tiếp cận người dân và vận động bầu cử của ông Thaksin.

Các vị lãnh đạo đảo chính năm 2006 rằng một đảng mới sẽ được thành lập để kết hợp lực lượng với đảng Dân chủ, đảng lâu đời nhất ở Thái Lan và đảng đối lập chính với ông Thaksin. Nhưng hy vọng này đang dần biến mất.

Thay vào đó, những thành viên còn lại của Thai Rak Thai đã dạt vào ba đảng nhỏ hơn - Puea Pandin, Matchima Thipataya và Ruam Jai Thai/ Chart Pattana - không đảng nào trong số này có khả năng thắng được quá 40 ghế.

Một đảng cỡ trung nữa, Chart Thai, được cho là có khả năng giành được khoảng 60 ghế dưới sự lãnh đạo của lãnh tụ lâu năm Banharn Silpa-Archa, nhưng không ai biết vị lãnh tụ nổi tiếng là 'thay đổi như thời tiết' này sẽ ủng hộ bên nào.

Với nhiều người trung lưu sống tại các vùng đô thị, đảng Dân chủ là đảng sạch sẽ nhất dưới sự lãnh đạo của lãnh tụ trẻ và rất ăn ảnh Abhisit Vejjajiva.

Nhưng hậu phương lâu năm của đảng Dân chủ bên ngoài Bangkok nằm ở miền nam.

Tại các vùng nông thôn khác, người ta cảm thấy khó có thể cạnh tranh với những lời hứa hùng hồn của ông Thaksin về một chính phủ sẽ làm người nghèo trở nên giàu có.

Tất cả các đảng giờ đều đưa ra những lời hứa tương tự nhằm vào đám đông như giảm lãi suất, nâng cao dịch vụ y tế.

Nhưng lòng trung thành đối với người đàn ông đã đưa ra những hứa hẹn này từ đầu vẫn còn rất mạnh mẽ.

Liên minh thiếu ổn định

Vậy quân đội sẽ làm gì nếu PPP chiếm đủ số ghế để trở thành bộ phận chủ chốt của chính phủ liên minh?

Đã có những phàn nàn từ các đại biểu của PPP rằng quân lính cản trở và gây khó dễ đối với họ.

Tổng tư lệnh quân đội mới đã khẳng định sẽ không có một vụ đảo chính nữa - nhưng cũng cần nhớ rằng người lãnh đạo cuộc đảo chính năm 2006, tướng Sonthi Boonyaratglin, cũng đã từng khẳng định như vậy trước khi đảo chính xảy ra.

Chắc chắn, trong hậu trường, sẽ có những áp lực lớn đối với các đảng khác về việc không bắt tay với PPP.

Bất kỳ chính phủ nào được thành lập từ cuộc bầu cử này có nhiều khả năng sẽ không tồn tại lâu dài và sẽ không tạo được một liên minh bền vững.

Xã hội Thái Lan bị chia rẽ giữa những
người ủng hộ và phản đối cuộc đảo chính.

Sự chia rẽ trong xã hội Thái Lan giữa những người ủng hộ và phản đối Thaksin Sinawatra, và giữa những người ủng hộ và phản đối cuộc đảo chính, vẫn còn đó.

Lời hứa của các lãnh đạo đảo chính rằng sẽ hàn gắn sự chia rẽ chính trị Thái Lan, giờ vẫn chưa được thực hiện.

Và những lực lượng thực sự đằng sau vụ lật đổ chính phủ Thái Lan vẫn còn là một điều bí ẩn.

Theo BBC