itaexpress / Tin ITA / Thế giới / Hồ sơ / Tiến sĩ Evgeny Kobelev: “Việt Nam, cơ duyên của tôi”

Tiến sĩ Evgeny Kobelev: “Việt Nam, cơ duyên của tôi”

Trong cuộc gặp đầu năm với phóng viên báo Nhân Dân, bằng vốn tiếng Việt hoàn hảo, Tiến sĩ Evgeny Kobelev - nhà sử học, nhà báo, nhà Việt Nam học người Nga - kể về cơ duyên dẫn ông đến với Việt Nam, đất nước đã gắn bó chặt chẽ với cuộc đời và sự nghiệp của ông.

Vào buổi tối Tết Dương lịch, ngày 1-1-2008, tại Hà Nội, phóng viên báo Nhân Dân có dịp trò chuyện với Tiến sĩ Evgeny Kobelev, nhà sử học, nhà báo, nhà Việt Nam học người Nga, hiện là Phó Chủ tịch thứ nhất Hội Hữu nghị Nga - Việt Nam và là Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN của Viện Nghiên cứu Viễn Ðông thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga.

Trong căn phòng ấm áp của Nhà khách Chính phủ, sau cái bắt tay thật chặt, ông E.Kobelev hồ hởi cho biết, ông sang thăm Việt Nam lần này theo lời mời của Hội Hữu nghị Việt Nam - LB Nga và ông vừa dự Ðại hội lần thứ nhất Chi hội hữu nghị Việt Nam - LB Nga của TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Trong câu chuyện cởi mở, những ký ức gắn bó với Việt Nam từ thời trai trẻ của ông dường như sống lại. Với chất giọng trầm ấm và khả năng nói tiếng Việt hoàn hảo, ông Kobelev hồi tưởng về cơ duyên dẫn ông đến với đất nước và con người Việt Nam, đất nước đã gắn bó chặt chẽ với cuộc đời và sự nghiệp của ông.

Hơn nửa thế kỷ trước, vào năm 1956, chàng thanh niên E.Kobelev bước chân vào Trường đại học Tổng hợp quốc gia Moscow mang tên M.V.Lomonosov (MGU) - trường đại học lâu đời và danh tiếng nhất của nước Nga. Anh sinh viên Kobelev được học tiếng Việt tại Khoa Phương Ðông, nay là Viện các nước Á - Phi. Khi đó việc sang Việt Nam để học và thực hành tiếng chỉ là mơ ước xa vời của những sinh viên như anh. May sao, cuối năm 1957, trong một chuyến thăm Liên Xô, khi hội đàm với Bí thư thứ nhất Ðảng CS Liên Xô N.Khrutsev, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc lại thỏa thuận giữa hai nước về việc trao đổi sinh viên, nhưng mới chỉ có Việt Nam cử 3.000 sinh viên sang học tập tại các trường đại học của Liên Xô. Ngay lập tức, theo chỉ thị của đồng chí N.Khrutsev, phía Liên Xô đã cử một nhóm sinh viên đầu tiên, gồm ba người, sang học tại Việt Nam. Và trong số này có anh sinh viên N.Kobelev.

Những kỷ niệm sâu sắc nhất trong cuộc đời của N.Kobelev dồn dập hiện về: Năm 1961, ông vinh dự được T.Ư Ðảng CS Liên Xô cử làm phiên dịch trực tiếp phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Ðại hội Ðảng CS Liên Xô lần thứ XXII. Lần đó, khi phát biểu những câu cuối cùng trong diễn văn của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói trực tiếp bằng tiếng Nga. Nhưng do quá xúc động, người phiên dịch Kobelev ngay lập tức đã dịch câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh sang tiếng Việt cho cả Ðại hội nghe!

Tiếp đó là những năm tháng không thể nào quên từ năm 1964 đến năm 1967 khi ông làm phóng viên thường trú của Hãng thông tấn Liên Xô TASS tại Việt Nam. Trong những năm tháng đầy gian khó này của nhân dân Việt Nam, phóng viên Kobelev đã viết hàng nghìn bài, tin giới thiệu về cuộc chiến đấu anh dũng của nhân dân và quân đội Việt Nam anh hùng trong cuộc đấu tranh vì độc lập và tự do của Tổ quốc. Và hơn hết, thời gian này đã để lại trong ông những kỷ niệm vô cùng sâu sắc về những lần mà ông được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh...

Ông Kobelev phấn khởi khoe rằng sau nhiều năm ấp ủ, năm 1978 ông đã hoàn thành một công trình có ý nghĩa nhất trong cuộc đời mình. Ðó là cuốn sách mang tựa đề “Những kỷ niệm sâu sắc về Chủ tịch Hồ Chí Minh”, một tác phẩm văn học chính trị, dày 400 trang, được ông viết trong vòng ba năm và được Nhà xuất bản Thanh niên của Nga ấn hành trong loạt sách những người lỗi lạc thế giới.

Ông nhớ lại, suốt ba năm liền viết cuốn sách này, cứ mỗi ngày ông như lại được gặp và tiếp xúc với một con người vĩ đại - đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ðến nay, cuốn sách đã được dịch ra nhiều thứ tiếng: Việt, Anh, Bulgaria, Lào, Mông Cổ, Kazakhstan. Ông đã sưu tầm được tất cả những bản dịch này, trong đó có bản dịch "đặc biệt" bằng tiếng Anh (không có tên nhà xuất bản) mà ông mua được khi ghé thăm một quầy sách ở TP Hồ Chí Minh.

Ông Kobelev cho biết, những năm gần đây, thường xuyên có dịp thăm Việt Nam, được tận mắt chứng kiến những đổi thay nhanh chóng và toàn diện trên đất nước Việt Nam, ông rất ấn tượng cũng như khâm phục những thành tựu mà nhân dân Việt Nam đạt được trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, trong đó GDP nhiều năm liên tục đạt hơn 7-8%. Ông hiểu rằng những thành tích đó đạt được là nhờ chính sách Ðổi mới do Ðảng CS Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo.

Ông cho rằng Ðổi mới là chính sách có tính phát minh và là sự sáng tạo của Ðảng CS Việt Nam. Ông phấn khởi trước sự phát triển tích cực của mối quan hệ hợp tác hữu nghị toàn diện giữa Việt Nam và LB Nga những năm gần đây, trong đó có quan hệ giữa hai hội hữu nghị.

Ông cho biết, đến tháng 7 tới, Hội Hữu nghị Nga - Việt sẽ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập. Nhân dịp này, Hội đã làm một bộ phim về nhà du hành vũ trụ G.Titov, người nhiều năm giữ cương vị Chủ tịch Hội Hữu nghị Nga-Việt. Ðây cũng là món quà của Hội Hữu nghị Nga - Việt dành tặng Hội Hữu nghị Việt - Nga.

Ông vui mừng trước việc ngày càng có nhiều người Nga đến Việt Nam du lịch, trong đó lượng khách du lịch người Nga đến Việt Nam trong năm 2007 đã tăng 50% so với năm 2006. Ông cho biết, các chuyến bay từ Nga sang Việt Nam gần đây luôn đầy ắp hành khách người Nga và để có được vé máy bay đến Việt Nam, khách du lịch người Nga thường phải đặt trước từ nhiều tháng. Ông nêu rõ, việc nhiều người Nga chọn Việt Nam là điểm du lịch không chỉ vì Việt Nam là đất nước ổn định, an ninh tốt, khí hậu ấm áp, có nhiều danh lam, thắng cảnh mà hơn hết đây còn là nơi mà người Nga luôn nhận được tình cảm hữu nghị ấm áp của nhân dân Việt Nam.

Ông cho biết, hiện rất nhiều người Nga mong được đến thăm hòn đảo mang tên G.Titov trên Vịnh Hạ Long do đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên. Ðể đáp ứng nhu cầu này, Hội Hữu nghị Nga-Việt và Hội Hữu nghị Việt-Nga đã đề ra sáng kiến đóng một con tàu du lịch tại Vịnh Hạ Long trong thời gian tới.

Ông hy vọng sáng kiến trên sẽ sớm trở thành hiện thực và con tàu hữu nghị này sẽ không chỉ góp phần thu hút ngày càng nhiều người Nga đến Việt Nam du lịch mà còn làm cho quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước ngày càng phát triển.

Ðiền Tâm / Nhân dân