itaexpress / Tin ITA / Thế giới / Nhân vật chính trường / Tổng thống Pháp: Quyết tâm cải cách, không sợ mất lòng

Tổng thống Pháp: Quyết tâm cải cách, không sợ mất lòng

Cuộc đình công kéo dài 10 ngày của nhân viên giao thông công cộng Pháp đã khiến hàng triệu người dân Pháp rơi vào cảnh khốn đốn, và trở thành thách thức lớn nhất trong 6 tháng cầm quyền của Tổng thống mới lên Nicolas Sarkozy.

Những cải cách đầy tham vọng của ông Sarkozy đã vấp phải hòn đá tảng đầu tiên. Giải quyết cuộc khủng hoảng này ra sao sẽ quyết định tương lai của những cải cách sâu rộng hơn của ông sau này.

Lĩnh vực "bất khả xâm phạm"

Theo kế hoạch cải cách lương hưu mới do Tổng thống Pháp đề xuất, thời gian lao động tiêu chuẩn để hưởng lương hưu đối với nhân viên trong khu vực công sẽ tăng từ 37 năm rưỡi hiện nay lên 40 năm. Lương hưu của khu vực công ở Pháp hiện cao hơn nhiều so với khu vực tư nhân trong khi thời gian lao động tiêu chuẩn ngắn hơn. Điều đó nghĩa là người làm trong các ngành dịch vụ công có thể nghỉ hưu khi mới qua tuổi 50 mà vẫn được hưởng đầy đủ lương hưu.

Ý định cải cách hệ thống lương hưu ở Pháp không phải mới có. Năm 1995, Tổng thống Jacques Chirac cũng đã khởi xướng kế hoạch tương tự, nhưng cuộc đình công kéo dài 3 tuần của nghiệp đoàn đường sắt - được biết đến với tên gọi “Ngày thứ Ba đen tối”, đã khiến giao thông công cộng đình trệ và buộc chính phủ từ bỏ ý định. Thủ tướng lúc đó là ông Alain Juppe đã phải từ chức. Sau sự việc đó, nước Pháp bị cộng đồng quốc tế đánh giá là không đủ khả năng cải cách, và vấn đề lương hưu trong lĩnh vực công trở thành “lãnh địa thiêng” không ai có thể động chạm.

12 năm sau, Tổng thống mới lên Sarkozy quyết định vực lại ý định cải cách này. Những đề xuất ông đưa ra là hợp lý, song nó lại đánh đúng vào đặc quyền của các ngành dịch vụ công, nên ông có thể đoán trước mình sẽ phải đối mặt với làn sóng giận dữ của những cuộc đình công và tuần hành phản đối.

Cuộc đình công của nhân viên giao thông công cộng bắt đầu hôm 14/11 khiến hầu hết các chuyến tàu hỏa ở Pháp phải hoãn lại, trong khi các chuyến tàu ở ngoại ô, tàu điện ngầm và xe buýt hoạt động cầm chừng. Tình thần đình công còn lan ra cả nhân viên các ngành dịch vụ công khác như giáo viên, nhân viên y tế, thuế, ngân hàng, bưu điện, viễn thông, hàng không... đình công để yêu sách về lương và phản đối việc cắt giảm chỗ làm. Nhiều sinh viên cũng "bãi khóa" để phản đối kế hoạch cải cách liên quan đến các trường đại học, trong khi nhân viên ngành tư pháp đình công để phản đối việc tái cơ cấu khiến nhiều tòa án có nguy cơ bị đóng cửa.

Người biểu tình phản đối kế hoạch cải cách lương hưu của Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy.

Dường như ông Sarkozy đã châm ngòi cho một cuộc đối đầu về tư tưởng giữa chính phủ và các nghiệp đoàn: một bên muốn có một nước Pháp mới "làm nhiều hơn để kiếm nhiều tiền hơn", còn bên kia là một nước Pháp cũ muốn bảo lưu những lợi ích xã hội thiếu thực tế. Jacques Capdevielle, người chuyên nghiên cứu về đời sống chính trị Pháp, nhận định: "Thay đổi những thói quen đã tồn tại hàng trăm năm đâu phải việc dễ dàng. Ông Sarko đang chơi một ván bài rất nguy hiểm".

Im lặng nhưng không nhượng bộ

Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy được đặt biệt danh là "Chú thỏ Energizer của nước Pháp". Ông là một nguyên thủ siêu năng động đến nỗi bị chỉ trích là làm hết việc của các bộ trưởng. Tin tức về ông chiếm nhiều thời lượng của các chương trình phát thanh trong khi chính ông thì không chịu nghỉ ngơi hoặc làm gì dễ mất uy tín. Vì thế mà cách ông phản ứng trước cuộc khủng hoảng nguy hiểm này khiến nhiều người rất bất ngờ.

Từ khi đình công nổ ra ngày 14/11, đến đỉnh điểm là ngày 20/11 khi phạm vi đình công lan rộng đến hầu hết các ngành dịch vụ công, Tổng thống gần như không lên tiếng. Không hề có một bài phát biểu hay một cuộc phỏng vấn truyền hình nào. Nhiều người đã tự hỏi ông Sarkozy đang mất tích ở đâu trong thời điểm quan trọng nhất nhiệm kỳ Tổng thống của mình.

Trả lời câu hỏi này, phát ngôn viên của điện Elysée David Martinon cho biết: "Đơn giản là ông ấy đang chờ đợi thời điểm thích hợp để can thiệp". Còn Raymond Soubie, cố vấn các vấn đề xã hội của Tổng thống thì khẳng định: "Tổng thống vẫn theo dõi vụ việc một cách lặng lẽ, liên tục, cần mẫn và chủ động trong những ngày gần đây".

Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy.

Vậy là ông Sarkozy đã chọn cách tiếp cận rất khác với chính ông: dè dặt và kiên nhẫn. Theo Jacques Mistral, giám đốc nghiên cứu kinh tế tại Viện hàn lâm quan hệ quốc tế Pháp ở Paris nhận định thì "Tổng thống đã khiến người dân hiểu rõ tầm quan trọng không thể chối cãi của những cải cách này, vì thế giờ đây ông ấy có thể chờ đợi các nghiệp đoàn và chính phủ tranh cãi cho đến khi thấy cơ hội thích hợp để can thiệp và hóa giải bất hòa bằng những dàn xếp có lợi cho cả hai bên".

Mistral cho rằng cuối cùng thì giới nghiệp đoàn cũng sẽ đồng ý với yêu cầu chủ yếu của ông Sarkozy là tăng số năm phục vụ để đủ điều kiện hưởng lương hưu của nhân viên khu vực công lên ngang bằng với khu vực tư. Đổi lại, họ sẽ có cơ hội bàn bạc với chính phủ sao cho các nội dung cải cách hưu trí được chấp nhận. "Bằng cách đó, ông Sarkozy sẽ cải cách được lĩnh vực mà những người đi trước đều thất bại, còn các nghiệp đoàn và các nhân viên đều cảm thấy họ được đối xử tốt hơn", ông Mistral giải thích.

Cách tiếp cận rất khiêm tốn của ông Sarkozy mặt khác lại có tác dụng khẳng định thêm quyết tâm cải cách của ông. Một ngày trước khi cuộc đình công nổ ra, ông Sarkozy tuyên bố trước các đại điện châu Âu ở Strasbourg rằng ông sẽ "theo đuổi cải cách đến cùng" và khẳng định "không gì có thể làm tôi bỏ cuộc". Ông nhắc lại rằng "Người Pháp đã chấp nhận những cải cách này. Tôi đã nói với họ về những dự định này trước cuộc bầu cử để tôi có thể làm những việc cần làm".

Và áp lực của cuộc đình công vẫn không khiến ông nao núng. Ông vẫn tiếp tục các cuộc gặp gỡ ngoại giao và còn lên đường đến thăm Trung Quốc.

Thắng lợi chính trị

Đến ngày 23/11 thì cuộc đình công đã chấm dứt với việc 42 trong số 45 nghiệp đoàn đường sắt của Pháp bỏ phiếu ủng hộ việc quay trở lại làm việc và ngồi vào bàn thương thuyết với chính phủ về kế hoạch cải cách. Mặc dù một số lãnh đạo nghiệp đoàn cho biết đình công mới chỉ "tạm hoãn", và nếu các cuộc thương thuyết đổ vỡ, sự đình trệ sẽ lại tiếp diễn dù là trong dịp Giáng sinh, nhưng không thể phủ nhận đây là một thắng lợi chính trị quan trọng đối với Tổng thống Pháp.

Chiến thắng này cho thấy chính phủ Pháp nói chung, và Tổng thống Pháp nói riêng, không hề sợ hãi trước áp lực của những cuộc đình công như những người tiền nhiệm của họ. Nếu ông chùn chân, thì tất cả những hứa hẹn cải cách mạnh mẽ mà ông tuyên bố khi tranh cử sẽ chẳng còn sức thuyết phục và hàng loạt dự định cải cách sâu rộng hơn trong tương lai sẽ không còn cơ hội thực hiện.

Tổng thống Pháp đã thể hiện nhất quán lập trường cải cách của mình như ông đã khẳng định "là những cải cách mà người dân bầu tôi lên để thực hiện". Đa số người dân Pháp ủng hộ mong muốn cải cách của ông và vì vậy họ đã bầu ông làm Tổng thống. Bằng chứng là giữa cuộc đình công, khoảng 10.000 người đã xuống đường ở Paris để ủng hộ ông. Nếu ông bỏ cuộc ngay từ cuộc chiến đầu tiên chỉ vì sự phản đối của số ít người, ông sẽ phụ lòng tin của số đông dân Pháp đang chờ đợi những thay đổi tích cực dưới sự lãnh đạo của ông.

Hơn nữa, ông có đầy đủ cơ sở để tự tin vào chương trình cải cách của mình. Đơn cử việc cải cách lương hưu đối với nước Pháp là rất cấp thiết. Cơ chế cũ khiến người lao động trong khu vực công có thể nghỉ hưu sớm mà vẫn hưởng toàn bộ lương hưu, dẫn đến sự thiếu hụt lao đông và làm ngân sách thâm thủng đến 5 tỷ euro mỗi năm.

Và cuối cùng, sự không nhượng bộ của ông là một thái độ rõ ràng gửi đến cái gọi là "sức mạnh đường phố" hay thói quen cứ không hài lòng là đình công, biểu tình của một bộ phận người dân Pháp. Thói quen này không chỉ gây ra cảnh giao thông hỗn độn, bế tắc, làm đảo lộn cuộc sống của đa số người lao động Pháp, cản trở tiến trình cải cách kinh tế mà quan trọng hơn, nó khiến nước Pháp trì trệ vì ỷ lại những lợi ích bảo thủ, trong khi các đối thủ của Pháp trong nền kinh tế thế giới không ngừng chuyển động.

Thủy Chung / Nhandan