itaexpress / Tin ITA / Thế giới / Nhân vật chính trường / “Tôi muốn thay chồng làm Tổng thống Argentina”

“Tôi muốn thay chồng làm Tổng thống Argentina”

Là đệ nhất phu nhân nổi bật nhất kể từ thời Evita Peron, bà Cristina Fernandez de Kirchner được nhận định nhiều khả năng sẽ đánh bại 12 đối thủ khác trong cuộc bầu cử Tổng thống tại Argentina sẽ diễn ra cuối tuần này, và ngồi lên chiếc ghế của ... chồng mình.

Giới phân tích khẳng định đây chính là thời điểm dành cho Cristina và chính sách vận động tranh cử của bà đang thu hút được tình cảm của rất nhiều cử tri Argentina.

Hầu hết kết quả các cuộc thăm dò dư luận gần đây đều cho thấy Cristina sẽ giành chiến thắng áp đảo trước đám đông đối thủ "lẽo đẽo" phía sau vào ngày 28/10 tới, mà không cần tới bầu cử vòng hai.

Thời cơ...

Trong cuộc tiếp xúc cử tri mới đây, cả sân vận động đã rền vang những tiếng đồng thanh của người hâm mộ: "Chúng tôi cảm thấy điều đó! Chúng tôi cảm thấy điều đó! Cristina, Tổng thống!"

"Hãy quen với điều này", Cristina đáp lại, vẫy một ngón tay. "Đó là Presidenta (Tổng thống)!".

Với mái tóc nâu dài, dáng vẻ quyến rũ và tính cách mạnh mẽ, Cristina đã vượt qua cái bóng chồng mình, Tổng thống Nestor Kirchner sắp mãn nhiệm, khi ông cũng tham gia các chiến dịch vận động tranh cử của bà. Cristina luôn khẳng định sự ủng hộ đối với những chính sách trong chính phủ trung tả của chồng.

Đương kim đệ nhất phu nhân của Argentina.

Trong những năm đầu thiên niên kỷ mới, người dân Argentina khi đó đã trải qua một nền kinh tế "địa ngục", hậu quả từ cú vỡ nợ khủng khiếp của nước này và đồng peso mất giá, làm “bốc hơi” 2/3 khoản tiền tiết kiệm của hầu hết người dân chỉ sau một đêm.

Và chính ông Nestor Kirchner, đắc cử Tổng thống Argentina năm 2003 sau ba nhiệm kỳ làm Thống đốc tỉnh Santa Cruz heo hút thuộc vùng Patagonia ở miền Nam, đã khôi phục sự ổn định cho đất nước.

Đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử này, Tổng thống Kirchner đã tái đàm phán khoản nợ chính phủ trị giá 100 tỷ USD và giám sát chặt chẽ quá trình phục hồi kinh tế, với tỷ lệ tăng trưởng thường niên 8%, trong 4 năm qua. Chính điều này đã khiến tỷ lệ người dân Argentina ủng hộ ông luôn ở mức trên 60%.

Tổng thống Kirchner khẳng định sẽ giành sự ủng hộ này để mang lại chiến thắng cho vợ ông, và "các hòm bỏ phiếu sẽ đầy ắp những kỷ niệm đẹp" trong ngày bầu cử.

Thực tế cũng cho thấy những phụ nữ đầy quyền lực không phải là điều gì đó quá mới mẻ trên chính trường Argentina.

Trong thập kỷ 1950 tại Argentina, Evita Peron đã từng rất nổi bật cả về sắc đẹp lẫn tài năng khi là đệ nhất phu nhân của cựu Tổng thống Juan Peron. Và thời gian gần đây, nhiều bậc hồng nhan đang tiếp tục khuynh đảo các cuộc bầu cử tại Mỹ Latinh.

Năm 2005, bà Michelle Bachelet đã đắc cử Tổng thống Chilê, và nay người Argentina cũng đã sẵn sàng để đón nhận thêm một “Una presidenta” (Tổng thống nữ).

... và thách thức

Mặc dù gia đình Kirchner không hề bày tỏ tham vọng nắm giữ quyền lực mãi mãi, song nhiều người đã chỉ trích quyết định không ra tranh cử đầy bất thường của Tổng thống Kirchner, giữa lúc ông đang ở đỉnh cao của sự ủng hộ.

Theo họ, chừng nào vợ chồng Tổng thống tiếp tục tráo đổi vị trí cho nhau và giành chiến thắng, gia đình Kirchner có thể tại vị ở Casa Rosada (phủ Tổng thống) vô hạn định, qua đó "lách" được quy định hiến pháp chỉ cho phép tại nhiệm 8 năm ở vị trí này.

Giống như chồng mình, Cristina đang cố gắng tránh tăng những kỳ vọng về một sự thay đổi chính sách triệt để. Bà không cho biết sẽ giải quyết tình trạng nghèo đói cũng như sự tồi tệ trong trường học và bệnh viện công lập như thế nào.

Tuy nhiên, nhiều người dân Argentina vẫn sẽ vui mừng nếu Cristina chỉ đơn giản là tiếp tục giữ lời hứa duy trì sự hồi phục nền kinh tế được khởi xướng từ người chồng.

Bà Cristina sẽ tiếp tục đi theo đường lối thiên tả?

Hiện hi vọng lật đổ “mong manh" của những ứng cử viên đối lập hàng đầu - như cựu Chủ tịch Quốc hội, bà Elisa Carrio, đại diện cho cánh tả và cựu Bộ trưởng Kinh tế Roberto Lavagna, đại diện cho cánh hữu - chỉ là làm thế nào để bà Cristina nhận được dưới 40% số phiếu và buộc phải tham dự bầu cử vòng hai.

Tuy nhiên, kết quả thăm dò dư luận toàn quốc mới nhất lại cho thấy Cristina nhận được 44% sự ủng hộ trong khi tỷ lệ này đối với bà Carrio là 15% và ông Lavagna là 13%.

Thứ vũ khí họ dùng để chống lại Cristina chính là dù nền kinh tế đang hồi phục tốt, song tỷ lệ lạm phát ở Argentina hiện vẫn ở mức cao, trong khi nhiều vụ bê bối tham nhũng gần đây cũng làm suy giảm uy tín của Chính phủ.

Ngoài ra, họ cũng nhấn mạnh sự e ngại rằng gia đình Tổng thống đang tham vọng tạo dựng cái gọi là "una monarKia", có nghĩa: nền quân chủ với chữ K bắt đầu của từ Kirchner.

Một trở ngại khác, đó là giới truyền thông Argentina thường ưa thích đăng tải những bức ảnh chụp "Hoàng hậu Cristina" lộng lẫy với các bộ trang phục đắt tiền trong các chuyến công du nước ngoài thường xuyên để gặp gỡ các nhà lãnh đạo châu Âu và Mỹ Latinh.

Và phe đối lập đã lợi dụng hình ảnh này để mô tả Cristina thường xa cách với phần đông quần chúng nhân dân.

N.H (Tổng hợp)