itaexpress / Tin ITA / Thế giới / Tin tức / Cuộc chiến Syria trước thời điểm quyết định

Cuộc chiến Syria trước thời điểm quyết định

Hôm nay (9/9), Quốc hội Mỹ sẽ làm việc trở lại sau kỳ nghỉ hè và bắt đầu thảo luận đề xuất can thiệp quân sự của Tổng thống Obama đối với Syria. Theo dự kiến, Thượng viện Mỹ sẽ tiến hành bỏ phiếu về kế hoạch trên trong tuần này và Hạ viện sẽ biểu quyết sớm nhất là vào tuần sau.

Canh bạc rủi ro của ông Obama

Cho tới thời điểm này, kế hoạch tấn công Syria của Nhà Trắng đang vấp phải sự phản đối quyết liệt của người dân Mỹ. Các kết quả điều tra dư luận đều cho thấy tỷ lệ phản đối cuộc chiến luôn trên 50% trong khi các cuộc biểu tình liên tiếp nổ ra tại một số thành phố của Mỹ, trong đó có cuộc biểu tình trước Nhà Trắng với sự tham gia của hàng trăm người.

Về phía Quốc hội, tỷ lệ ủng hộ một chiến dịch quân sự tại Syria cũng đang rất thấp. Hiện mới chỉ có 25 trong số 100 Thượng nghị sỹ và 24 trong 435 Hạ nghị sỹ tán thành kế hoạch tấn công các mục tiêu của chính quyền Bashar al-Assad. Nhiều nghị sỹ cho rằng nước Mỹ đã quá mệt mỏi với các cuộc chiến liên miên trong khi các nghị sỹ khác muốn tiếp cận đầy đủ các tư liệu tình báo trước khi quyết định, hoặc bày tỏ lo ngại về sự hiệu quả cũng như mục đích của cuộc tấn công.

Quyết định tìm kiếm sự chấp thuận của Quốc hội của Tổng thống Obama ngay từ đầu đã được cho là một canh bạc nhiều rủi ro. Việc thuyết phục các dân biểu bỏ phiếu ủng hộ là điều rất khó vì sang năm 2014, Mỹ sẽ bầu lại toàn bộ 435 ghế tại Hạ viện và một phần ba số ghế tại Thượng viện, và bất kỳ nghị sỹ nào có tham vọng tái cử đều không muốn làm mất lòng cử tri ở thời điểm quan trọng này.

Có tấn công mà không cần Quốc hội phê chuẩn?

Hiện đang có những quan điểm trái ngược nhau về khả năng liệu Tổng thống Obama có phát động tấn công Syria hay không nếu không được Quốc hội phê chuẩn. Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí gần đây, Phó Cố vấn an ninh quốc gia Tony Blinken nhấn mạnh rằng Tổng thống có quyền ra lệnh tấn công Syria mà không cần thông qua Quốc hội nhưng ông Obama không có ý định hoặc mong muốn sử dụng quyền hạn này mà thiếu sự đồng ý của cơ quan lập pháp tối cao. Ngay cả bản thân Tổng thống Obama cũng lấp lửng trong vấn đề này khi nói rằng ông đang nỗ lực để giành được sự ủng hộ tối đa của Quốc hội và do đó không muốn tuyên bố trước điều gì.

Một số nhà phân tích cho rằng, trong trường hợp kế hoạch của Nhà Trắng bị bác bỏ, rất có thể sẽ không có một cuộc tấn công nào vì áp lực chính trị trong nước hiện quá lớn để ông Obama có thể phớt lờ Quốc hội. Một số khác cho rằng ông Obama có thể sẽ vẫn quyết định can thiệp vào Syria mà không cần sự đồng thuận của Quốc hội vì những lý do sau. Thứ nhất, theo đạo luật Quyền chiến tranh năm 1973, Tổng thống Mỹ có quyền phát động chiến dịch quân sự mà chỉ cần thông báo với Quốc hội trong vòng 48 giờ.

Thứ 2, Tổng thống Obama luôn bị chỉ trích là quá thụ động trong việc sử dụng quyền hạn của mình, điều được cho là một nguyên nhân dẫn đến những bế tắc trong tất cả các chính sách lớn mà ông đề xuất từ đầu nhiệm kỳ 2 tới nay. Do vậy, có thể ông Obama sẽ lấy vấn đề Syria lần này làm cơ hội để chứng tỏ mình.

Thứ 3, Tổng thống Obama sẽ buộc phải hành động để thực hiện lời cảnh báo sẽ trừng phạt Syria nếu chính quyền nước này sử dụng vũ khí hoá học, cũng như để răn đe các quốc gia mà Mỹ cho rằng đang tìm cách phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt như Triều Tiên hoặc Iran.

Thứ 4, việc Tổng thống Obama tuyên bố tìm kiếm sự cho phép của Quốc hội được cho là một biện pháp "câu giờ" để vận động sự ủng hộ của trong và ngoài nước và vì vậy rất có khả năng Mỹ sẽ tấn công Syria khi nhận được đủ sự hậu thuẫn của cộng đồng quốc tế.

Trên thực tế thì những nỗ lực vận động liên tục trong những ngày qua của Tổng thống Obama và Ngoại trưởng John Kerry có vẻ như đang mang lại kết quả. Tiếp theo tuyên bố lên án chính quyền Syria của 12 quốc gia thành viên nhóm G20, Liên minh châu Âu hôm 8/9 đã ra tuyên bố chung kêu gọi cộng đồng quốc tế phản ứng rõ ràng và mạnh mẽ đối với việc sử dụng khí độc để sát hại thường dân tại Syria.

Tuyên bố nêu rõ, những thông tin thu thập được đã khẳng định việc sử dụng vũ khí hoá học tại Syria là có thực và dường như đều đưa ra bằng chứng mạnh mẽ cho thấy chính quyền al-Assad phải chịu trách nhiệm về vụ việc. Tuy nhiên, EU không đề cập tới khả năng can thiệp quân sự và nhấn mạnh bất kỳ hành động nào cũng chỉ được phép thực hiện sau khi các thanh sát viên Liên Hợp Quốc báo cáo kết quả điều tra sơ bộ, dự kiến vào cuối tuần này hoặc tuần sau.

Ngoại trưởng Kerry hôm 9/9 đã nhóm họp với ngoại trưởng các nước thành viên của Liên đoàn Arab và cho biết toàn bộ thành viên của tổ chức này đã lên án chính quyền Syria và nhiều nước đã ký vào bản tuyên bố của 12 nước G20. Theo ngoại trưởng Kerry, Saudi Arabia, quốc gia có tiếng nói trọng lượng bậc nhất trong thế giới Arab, khẳng định sẽ ủng hộ Mỹ tấn công Syria.

Tối 10/9 tới (theo giờ Mỹ), Tổng thống Obama sẽ có bài phát biểu trên toàn quốc về vấn đề Syria. Để thuyết phục người dân Mỹ, ông Obama sẽ phải làm sáng tỏ 4 vấn đề: lý do can thiệp quân sự vào Syria; độ xác thực của các thông tin tình báo về việc sử dụng vũ khí hoá học tại đây để tránh lặp lại một Iraq thứ 2; mục đích của chiến dịch tấn công Syria và biện pháp ngăn ngừa rủi ro.

Kịch bản tấn công

Theo một số chuyên gia quân sự thì Mỹ có thể sẽ tấn công Syria bằng tên lửa (đặc biệt là Tomahawk) được phóng luân phiên từ các chiến hạm và tàu ngầm đang được triển khai tại Địa Trung Hải cũng như từ các loại máy bay tầm xa như B52 hoặc B2. Các cuộc tấn công sẽ diễn ra dồn dập để quân đội Syria không có thời gian và khả năng ứng phó.

Hiện nay, tên lửa Tomahawk của Mỹ có tầm bắn khoảng 1600 km và có khả năng lượn vòng hàng giờ đồng hồ cũng như thay đổi hành trình trước khi tiếp cận mục tiêu. Theo Chuyên gia phân tích Edward Hunt thuộc công ty cung cấp thông tin quân sự IHS Jane's, Syria đang sở hữu một số tên lửa chống chiến hạm nhưng chỉ có tầm bắn tối đa khoảng 300km.

Trong khi đó, tờ Thời báo Los Angeles vừa tiết lộ Bộ Quốc phòng Mỹ đang xem xét phương án tấn công Syria một cách dữ dội hơn và dài ngày hơn so với dự tính ban đầu. Theo nguồn tin trên, Nhà Trắng đã yêu cầu Lầu Năm Góc cung cấp danh sách mở rộng các mục tiêu cần tiêu diệt nhằm gây thiệt hại tối đa cho lực lượng của Tổng thống al-Assad hiện đã được phân tán ra nhiều nơi.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là điều gì sẽ xảy ra nếu Syria trả đũa. Về lý thuyết, các tàu chiến và máy bay Mỹ có thể an toàn nếu Syria phản kích nhưng căn cứ không quân Mỹ Incirlik nằm sát khu vực biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria lại nằm hoàn toàn trong tầm bắn của tên lửa Syria. Trong trường hợp Syria giáng trả và gây tổn hại đối với Mỹ thì có lẽ chiến dịch tấn công sẽ không chỉ gói gọn trong khái niệm "quy mô hạn chế và có mục tiêu rõ ràng" mà sẽ bùng phát thành cuộc chiến lớn và lâu dài, điều mà nhiều nghị sỹ cũng như công luận Mỹ lo ngại./.

Nhật Quỳnh-Huy Hoàng/VOV- Washington