itaexpress / Tin ITA / Thể thao - Giải trí / Âm nhạc / Vietnam Idol khoác nhầm chiếc áo quá nổi?

Vietnam Idol khoác nhầm chiếc áo quá nổi?

Ít có cuộc thi âm nhạc nào khi mới vừa xuất hiện lại bị săm soi nhiều đến vậy. Chỉ bởi Vietnam Idol đã khoác cho mình một chiếc áo quá nổi được thiết kế bởi nhà may Idol danh tiếng.

Bởi chiếc áo ấy được hơn 30 quốc gia trên thế giới mua bản quyền hoặc mô phỏng tràn lan. Bởi chiếc áo ấy là thứ thời trang cấp tiến khi lần đầu tiên trao cho người ngắm quyền được phán xét. Các trào lưu thời trang không quan trọng, các ý kiến phê bình của các nhà chuyên môn chỉ dừng ở ý nghĩa tham khảo. Ngắn, dài, xấu, đẹp là do thượng đế bầu, chính xác hơn là nhắn tin bầu chọn.

Ca sỹ Duy Khánh

Điều quan trọng của serie Idol là đưa khán giả trở thành thượng đế toàn phần. Sau Sao Mai điểm hẹn, Vietnam Idol mang ý nghĩa toàn phần nhất của một cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc được bầu chọn bởi khán giả, của khán giả và do khán giả quyết định.

Với việc trao chiếc trượng quyền năng ấy cho thượng đế, 6 năm nay danh xưng Idol trở thành một nhãn hiệu uy tín khắp toàn cầu. Việt Nam lần đầu tiên mua bản quyền tổ chức, liệu có thật sự mặc vừa chiếc áo ấy?

Giám khảo chỉ đưa ra những nhận xét... cá nhân

Tạm bỏ qua chi tiết bản quyền, nhái hay mô phỏng. Vietnam Idol đến sau, Sao Mai điểm hẹn đến trước và cả hai đều có cùng mục đích. 3 năm trước, Sao Mai điểm hẹn thành công rực rỡ, thành công đến nỗi Ban tổ chức phải làm thêm 1 giải thưởng do Ban giám khảo chấm do lường trước sự bầu chọn của khán giả sẽ không thật thuyết phục. Kết quả là giải của giám khảo và khán giả khác nhau hoàn toàn. Và rồi sau cuộc thi ấy những người thắng cuộc đều thành công, cũng theo hướng khác nhau.

Nhận xét của Ban giám khảo không có tính quyết định.

Câu hỏi đặt ra nếu như Tùng Dương không trúng giải của Hội đồng Nghệ thuật thì sau SMĐH anh sẽ ra sao? Tiêu chí của Idol không đi theo hướng trả lời câu hỏi này. Ở Mỹ, không thiếu những con người thật sự tài năng nhưng khi khán giả của American Idol không bầu chọn họ thì lập tức họ biến mất, không có một hội đồng nghệ thuật nào được bầu lên để tìm lại sự công bằng. Bởi nếu họ làm thế (dù dư sức làm thế), tiêu chí cuộc thi sẽ lập tức mất ý nghĩa và uy tín của nó sẽ tan theo bọt khói.

Ở Mỹ hay nhiều nước đều có những giải thưởng âm nhạc uy tín khác để các nhà chuyên môn bình bầu và lựa chọn. Nhưng ở Việt Nam khi những cuộc thi âm nhạc có tầm cỡ không nhiều, mặt bằng chung còn khá thấp thì những tiêu chí ban đầu được đưa ra sau cùng hay bị cào đồng và cuối cùng phải dựa theo sức ép dư luận.

Liên hoan các ban nhạc trẻ mới đây cũng là một ví dụ. Cuộc thi với mục đích tìm ra ban nhạc trẻ xuất sắc nhất được buông màn sớm hơn tưởng tượng. Dù nhiều lời giải thích chính thống được đưa ra nhưng nhiều người vẫn hiểu rằng, cái thứ âm nhạc đang được thi thố ấy, cái chất rock ầm ầm ấy không lọt được lỗ tai nhiều người, nhất là nó lại được trực tiếp trên truyền hình. Và thế là kết thúc. Trần Lập không buồn xuất hiện, một vài nhóm rock của Hà Nội cũng ra về sớm mà không cần phải xuất hiện tại lễ trao giải.

Tiêu chí đề ra ban đầu bị sức ép phải thay đổi và từ đó uy tín dù mới manh nha cũng nổ như bong bóng xà phòng.

3 năm sau SMĐH, Vietnam Idol xuất hiện và đến vòng thi 7 người ta có thể nhận ra một chút thực lực của 7 thí sinh, và bắt đầu có ý kiến cho rằng vì sự bình bầu của khán giả như thế nên cần có thêm 1 Hội động nghệ thuật để tìm ra giọng hát thật sự có tài.

Nhưng đó chỉ là ý kiến cá nhân, bởi với format của một chương trình Idol có bản quyền, điều này là không được phép.

Khán giả Việt ngày càng quen dần với Vietnam Idol nhưng không phải ai cũng hiểu hết ý nghĩa của nó. Thế nên mới có người xì xồ "Tuấn Khanh nhận xét thế thì cậu ấy rớt chắc rồi" hay "Siu Black mở lời như vậy thì cô nàng đoạt giải là cái chắc". Ban giám khảo ngồi đó chỉ có duy nhất nhiệm vụ đưa ra những nhận xét... cá nhân, còn khán giả mới là người quyết định cuối cùng.

American Idol 2002, cuộc khẩu chiến giữa cô nàng Kelly Klarkson và vị giám khảo Simon Cowell nổ ra dữ dội, và cả hai tố cáo nhau nhiều chuyện nực cười. Nhưng cuối cùng người đoạt giải vẫn là Kelly và cho dù Simon không ưa điều ấy cũng vẫn phải chấp nhận. Khán giả là thượng đế.

Serie Idol có được uy tín là nhờ ở điểm này.

Bác sĩ ngang phân anh đạp xích lô!

Có thể nhận xét không ngoa rằng, đến thời điểm này những thí sinh của Vietnam Idol có chất lượng không đồng đều, không có những gương mặt bứt phá hẳn như thời SMĐH 2004. Ban giám khảo càng ngày càng có vẻ thỏa hiệp, và nhận xét không mang nhiều ý kiến đặc thù.

Có lẽ Ban tổ chức đang bị sức ép từ nhiều phía, và đang tìm đường trám lại bằng nhiều cách, khiến bức tường Vietnam Idol bị loang lổ màu.

Nhưng khi xét đến chất lượng cuộc thi như Idol thì chẳng còn cách nào khác là phụ thuộc vào khán giả. Một anh nhạc công có thể nhắn tin cạnh tranh với một chị bán vàng, một bác sĩ có thể đôi co với một bác xích lô. Ai cũng có quyền ngang bằng, và vì thế chất lượng chưa đồng đều là điều dễ hiểu.

Ngọc Minh đã từng bị loại nếu Thùy Dương không bỏ cuộc chơi giữa chừng.
Minh hát tốt và từng gây tiếc nuối bởi không được nhiều khán giả lựa chọn.

Ở Mỹ, Fantasia Barrino từng gây shock khi cô là dân da màu, có một đứa con riêng, nhưng cuối cùng vẫn đoạt giải nhất bằng tài năng thật sự của mình. Cô được yêu mến bởi đã kết nối được sự đồng cảm của nhiều giới, thậm chí cả nhiều trình độ thưởng thức. Bây giờ, những album của Fantasia được bán hàng triệu bản. Bản thân cô đã đạt đúng chuẩn Giấc mơ Mỹ (American dream) từ nghèo hèn vượt lên thành sao sáng.

Ở Việt Nam liệu có thí sinh nào sẽ được như thế? Một Ngọc Ánh đến từ vùng quê nghèo khó, cuộc sống không dư dả, đang là hình ảnh để nhiều sinh viên nghèo nhìn vào. Cậu hát hay, hiền lành, nụ cười chất phác. Sẽ ra sao nếu cậu trở thành Idol đầu tiên của Việt Nam? Không ai bị tước đoạt quyền mơ mộng. Nếu Ánh thành thần tượng đồng nghĩa cuộc sống của cậu sẽ có nhiều đổi thay.

Malaysia Idol cũng đã từng là cuộc thi đình đám ở đất nước Hồi giáo, nhưng sau 2 mùa liên tiếp thành công thì... biến mất. Đơn giản vì dân chúng tẩy chay người đoạt giải, và quan trọng nhất là nhà đài sợ cuộc thi chẳng chất lượng chút nào. Thế là dẹp gọn ghẽ và... chưa biết khi nào mới được tổ chức lại.

Malaysia Idol làm thế bởi họ đi đến cùng với uy tín của mình. Họ chấp nhận mất mát nhưng tiêu chí của cuộc thi không bị thay đổi. Vietnam Idol mới qua mùa đầu tiên, kết quả chưa ngã ngũ nhưng hãy cứ để các thí sinh thể hiện hết mình. Sức ép chất lượng sẽ làm họ lớn lên.

Có thể hôm nay Vietnam Idol không trình làng được 1 giọng ca chất lượng nhưng ngày mai, với trình độ thưởng thức cùng sự kén chọn tăng dần của khán giả, chất lượng sẽ được nâng dần.

Cung Tuy

Ý kiến

Log in or create a user account to comment.