itaexpress / Tin ITA / Thể thao - Giải trí / Đi & viết / Du lịch Malaysia: Sự thần kỳ của ngành công nghiệp không khói

Du lịch Malaysia: Sự thần kỳ của ngành công nghiệp không khói

Kết thúc năm 2007, ngành công nghiệp không khói của Ma-lai-xi-a đã thu hút gần 17 triệu lượt khách du lịch nước ngoài, chiếm 33% trong tổng sản phẩm quốc nội của quốc gia 26 triệu dân này.

Ma-lai-xi-a có lợi thế về du lịch biển vì biển bao quanh quốc gia này nhưng dường như rất ít khi bị ảnh hưởng của bão lớn. Ma-lai-xi-a cũng lợi thế vì du lịch sinh thái bởi đất nước này có sông suối và ngọn núi cao nhất khu vực Đông Nam Á. Nếu trên máy bay từ Hà Nội đến Cu-la Lăm-pơ, chỉ cần qua ô cửa máy bay, người đi Ma-lai-xi-a thấy một màu xanh trải dài thì không cần tiếp viên thông báo họ biết chắc chắn là máy bay đã đến địa phận của đất nước này vì rừng Ma-lai-xi-a gần như không bị phá để lấy đất canh tác như Việt Nam, Lào và Thái Lan. Ma-lay-xi-a cũng có nhiều công trình văn hóa bản địa và dấu ấn văn hóa của Hà Lan và Bồ Đào Nha.

Để thu hút khách du lịch, phần việc của Chính phủ, doanh nghiệp, người dân là khá rõ ràng. Chính phủ chịu trách nhiệm quảng bá thông qua mở văn phòng xúc tiến du lịch ở nhiều quốc gia trên thế giới, quảng cáo trên các đài truyền hình quốc tế lớn. Hàng năm, Chính phủ đứng ra mời các nhà báo ở nhiều quốc gia, các công ty du lịch đến thăm để viết bài và kết nối với các Công ty trong nước. Tất nhiên Chính phủ cũng là chỉ đạo từ hải quan các cửa khẩu thông thoáng trong nhập cảnh đến an ninh nội địa phải đảm bảo cho du khách. Bắt đầu từ năm 2006, ngành du lịch nước này đã có chương trình “Visit Ma-lay-xi-a” với các chương trình khuyến mại về chỗ ăn ở, đi lại và mua sắm hàng hóa. Chương trình “Visit Ma-lai-xi-a năm 2007” với thành công ngoài mong đợi khiến Chính phủ tiếp tục kéo dài chương trình này đến 31/8/2008 với chủ đề “Lễ kỷ niệm vàng” kết hợp với những hoạt động kỷ niệm 50 năm ngày quốc gia này độc lập. Từ nhiều năm nay, cứ vào ngày đầu tiên của tháng 12, Chính phủ Ma-lai-xi-a lại tổ chức tháng khuyến mại với nhiều loại hàng hóa được giảm giá. Để du khách thường xuyên thấy các sản phẩm du lịch không cũ, mỗi tháng cả đất nước lại có một sự kiện được tổ chức. Với doanh nghiệp, họ chọn du lịch kết hợp với mua sắm là hướng đi chính. Nếu ai đã từng đi Xinh-ga-po, Thái Lan không thể không choáng ngợp trước các siêu thị tràn ngập các loại hàng hóa nhưng đến Ma-lai-xi-a đều phải thừa nhận Ma-lai-xi-a là siêu thị khổng lồ của khu vực Đông Nam á. 13 bang của đất nước này đều có vô vàn siêu thị lớn nhỏ. Nhiều nhất là ở thủ đô Cua-la Lăm-pơ tới vài chục siêu thị dành cho đủ các loại khách hàng từ cao cấp đến bình dân. Không thể không nhắc đến khu vui chơi giải trí và mua sắm Genting nằm trên cao nguyên quanh năm nườm nượp khách du lịch đến chơi và mua sắm. Trong siêu thị có các cửa hàng ăn uống, vui chơi, phòng chiếu phim hay các phòng chơi games. Nhưng cái hay của các siêu thị tại Ma-lai-xi-a là cùng một sản phẩm thì giá ở bất cứ siêu thị nào trong 13 bang cũng chỉ có một giá. Cái hay khác chính là khách hàng bao giờ cũng mua được hàng thật vì Nhà nước kiểm soát chặt chẽ việc hàng nhái hàng giả. Những siêu thị ở Ma-lai-xi-a hấp dẫn du khách từ cung cách phục vụ, bầy biện khiến ai đến đất này không mua một thứ gì đó sẽ cảm thấy như có lỗi. Tháng 11/2007 tại Cua-la Lăm-pơ đã khai trương siêu thị cao cấp Pavilion với mặt bằng tới hàng chục nghìn mét vuông. Trên tầng 5 có một dãy cửa hàng ẩm thực trong đó có cả quán ăn Việt Nam. Ngay như người dân nước láng giềng Xinh-ga-po cũng đổ sang Ma-lai-xi-a mua hàng hóa vì sản phẩm cùng loại tại Xinh-ga-po đắt hơn.

Du lịch sinh thái cũng được khai thác tối đa. Ở bang Ma-le-ka có resoft Afamosa rộng tới 520 héc ta hệ thống khách sạn, biệt thự có thể đáp ứng cùng một lúc tới vài nghìn khách lưu trú. Afamosa có nhiều khu vui chơi, giải trí với các trò chơi địa phương cũng như quốc tế vô cùng hấp dẫn. Đặc biệt du khách có thể đi ô tô xem sư tử, hổ thả tự do. Được xem chim, khỉ, hay nhiều loài vật khác biểu diễn những tiết mục vô cùng độc đáo làm cho khách du lịch khó tính nhất cũng phải thán phục. Ngoài ra du lịch biển, du lịch văn hóa cũng phát triển mạnh đáp ứng nhu cầu cho các loại khách. Với người dân, họ ý thức được rằng du khách nước ngoài không chỉ mang lại nguồn thu cho đất nước mà còn mang lại việc làm không vất vả mà thu nhập tương đối cao.

Nhờ sự phối hợp tốt giữa Chính phủ, doanh nghiệp và người dân nên du lịch Ma-lai-xi-a trở thành hiện tượng thần kỳ của du lịch châu á vượt qua cả khách đến Trung Quốc, ấn Độ, 2 quốc gia có rất nhiều công trình văn hóa nổi tiếng thế giới. Khách Việt Nam đến Ma-lai-xi-a chưa nhiều nên ngành du lịch nước này đang cố gắng để thu hút khách du lịch Việt Nam. Chẳng mong du lịch Việt Nam làm nên điều thần kỳ trong tương lai song chí ít thành công của du lịch Ma-lai-xi-a chắc chắn là kinh nghiệm cho du lịch Việt Nam.

Theo HNM