itaexpress / Tin ITA / Thể thao - Giải trí / Đi & viết / Về với xứ dừa

Về với xứ dừa

Di tích Đồng Khởi (Mỏ Cày - Bến Tre)

Tỉnh Bến Tre, được hình thành nên bởi ba cù lao lớn: Minh, Bảo và An Hóa nằm ở hạ nguồn sông Mekong, giữa bốn con sông Mỹ Tho, Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên. Người ta thường gọi ba cù lao này là “ba đảo dừa xanh” của tỉnh Bến Tre.

Có hai đường đến Cù Lao Minh (Bến Tre). Nếu đi từ thành phố Hồ Chí Minh - Bến Tre, khách phải qua phà Hàm Luông (Mỏ Cày) cách thị xã chừng 3km. Đi từ Cần Thơ, Vĩnh Long sẽ qua phà Đình Khao rồi theo quốc lộ 57...

Cù Lao Minh gồm có ba huyện là Chợ Lách, Mỏ Cày và Thạnh Phú, trải dài theo sông Hàm Luông và Cổ Chiên đến biển Đông hơn 80km, có các vùng thổ nhưỡng nước ngọt, lợ, mặn với nhiều nét văn hóa đặc trưng, độc đáo.

Vào địa phận huyện Chợ Lách, ghé chợ Phú Phụng, khách có thể lên thuyền nhỏ đi qua cồn Phú Đa thuộc xã Vĩnh Bình. Cồn Phú Đa màu mỡ, cây trái sum suê, nhiều nhất là dừa, sầu riêng, nhãn... Sau khi thong dong dạo bước trên những con đường làng quanh co, ngắm cảnh sông nước miệt cồn, khách có thể ghé vào những quán cóc nhỏ. Có một món đặc sản khá nổi tiếng, đã trở thành thương hiệu của vùng này là ốc gạo Phú Đa. Ốc gạo ở đây sống dưới những bãi bùn non, nhỏ con hơn ốc gạo thường, nhưng lại mập và béo, được dân sành ẩm thực rất ưa chuộng.

Làng trái cây, làng hoa kiểng Cái Mơn nổi tiếng lâu nay thuộc xã Vĩnh Thành. Nơi đây là xứ sở của những giống trái cây ngon như: sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, xoài, sa-pô-chê, cam quýt và những loại hoa kiểng nổi tiếng. Đến Cái Mơn vào dịp cuối năm, khách như lạc giữa rừng cây giống, hoa kiểng khổng lồ! Khách sẽ ngẩn ngơ chiêm ngưỡng nhiều loại cây, hoa quý gốc bản địa cũng như những loại cây, kiểng được di thực về đây chăm sóc, thuần dưỡng và gây giống. Nghề làm cây giống và hoa kiểng có từ khá lâu đời đã giúp cho người dân Cái Mơn có cuộc sống khá giả.

Theo QL 57, đến ngã ba Ba Vác, rẽ tay phải, khách sẽ về Mỏ Cày. Thị trấn Mỏ Cày nhộn nhịp, đông vui. Từ đó đi ra phía sông Hàm Luông chừng hơn 2km. Trên con đường nhựa, uốn cong, ngoằn ngoèo, xuyên qua những vườn dừa xanh um, mát rượi sẽ đến trung tâm xã Định Thủy- nơi được mệnh danh là “cái nôi Đồng Khởi”... Ngày 17-1-1960, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của nữ tướng Nguyễn Thị Định, quân và dân xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày đã nổi dậy, nổ phát súng đầu tiên, mở màn cho phong trào Đồng Khởi khắp miền Nam...

Khu di tích cấp quốc gia “Đồng Khởi 1960” với diện tích khoảng 2 ha, trồng nhiều hoa kiểng, cây cảnh. Phía tay phải đường vào có một hòn đá đỏ uy nghi, bề thế. Bề mặt của hòn đá này có khắc tám chữ vàng “Anh dũng Đồng Khởi. Thắng Mỹ diệt ngụy” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phong tặng cho nhân dân và các lực lượng vũ trang tỉnh Bến Tre. Trong nhà bảo tàng trưng bày nhiều hình ảnh, hiện vật như những chiếc mõ tre, mã tấu, súng ngựa trời, bom mìn tự tạo, những mũi chông cau, mô hình làng chiến đấu...

Định Thủy còn có một di tích độc đáo, đó là “Đình Rắn” với nhiều câu chuyện và huyền thoại. Đường vào Đình Rắn mát rượi, xuyên qua những hàng cây thâm u, vắng lặng. Khách tham quan sẽ được nghe bà từ Võ Thị Năm 77 tuổi, kể cho nghe sự tích về “cặp rắn thần”, lý giải về tên gọi của ngôi đình cổ đã có hơn 150 năm tuổi. Trong chiến tranh chống Mỹ, Đình Rắn là nơi hội họp, điểm xuất phát những cuộc tiến công của lực lượng vũ trang địa phương. Đình Rắn đã bị tàn phá nặng nề bởi bom đạn. Ngày nay, Đình Rắn được xây dựng tôn tạo lại trên nền đất cũ ở ấp Định Nhơn, hoành tráng, to đẹp. Vào các ngày 14, 15, 16 tháng 5 âm lịch hằng năm, hàng ngàn người dân, khách các nơi về thăm viếng, tham quan lễ hội đình Định Thủy.

Huyện Thạnh Phú nằm cuối Cù Lao Minh là một huyện duyên hải, có bờ biển dài trên 25km. Thạnh Phú có những cánh đồng bằng phẳng xen kẽ với những giồng cát và những khu rừng ngập mặn. Ven biển, dọc theo sông rạch là những dải rừng dừa nước, bần, mắm, đước, vẹt, ráng, chà là, ô rô ... Vùng này thuộc hệ sinh thái nước lợ và mặn nên rất phong phú về thủy, hải sản.

Ở xã Đại Điền (Thạnh Phú) có ngôi nhà cổ của cụ Hương Liêm được xây dựng từ cuối thế kỷ 19, ảnh hưởng phong cách kiến trúc bên ngoài của Pháp, bên trong mang dấu ấn truyền thống. Thời gian từ thi công đến hoàn chỉnh mất hết 10 năm. Ngôi nhà cất theo hình chữ nhật, có diện tích trên dưới 500m2, 48 cột lớn nhỏ được bố trí theo kiểu nhà trính đôi. Cột bằng gỗ lim và căm xe núi. Cột cái cao 4,5 mét, bề hoành (tròn) khoảng 1,2 mét. Cột hàng nhì cao 3,9m, bề hoành gần 1m. Cột hàng ba cao 3,5 mét, bề hoành hơn 80cm.

Khách tham quan đến đây đều rất ấn tượng với bức hoành phi “Hiếu Để Trung Tín”, treo cao ở trung tâm gian chính, nằm trên xiên luồn, sơn son thếp vàng. Tất cả xiên, kèo, cột được vào niêm, ghép mộng, kết cấu, liên thông chắc chắn. Những hoa văn, họa tiết ở một số cột được cẩn ốc xà cừ rất tinh xảo theo phong cách Huế. Nền nhà cổ cao tới bụng người lớn, cẩn đá hộc lớn, mái lợp ngói âm dương.

Chất kết dính của công trình là “ô dước”. “Ô dước”, theo các thợ tiền bối, gồm có thành phần cơ bản là: vôi, mật đường mía, lòng trắng trứng vịt cùng với một số chất phụ gia khác dùng kết dính trong xây dựng có độ bền hàng trăm năm.

Nhà cổ Đại Điền là một công trình kiến trúc có giá trị văn hóa cao, một trong những dấu ấn của một thời kỳ quá khứ trên mảnh đất Cù Lao Minh. Xã Đại Điền cũng là nơi xuất phát của Tiểu đoàn 307 anh hùng, vang danh, lừng lẫy trong kháng chiến...

Tận cùng của huyện Thạnh Phú là biển. Thời chiến tranh chống Mỹ, xã Thạnh Phong là nơi tiếp nhận vũ khí của tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển chi viện cho chiến trường Tây Nam bộ. Những địa danh như Khâu Băng, Cồn Bửng, Cồn Rừng, Bần Mít, Eo Lói, Cồn Lợi... đã đi vào lịch sử. Năm 1995, Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận đầu cầu, bến tiếp nhận vũ khí ở xã Thạnh Phong là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Ở đây, hiện nay có một tượng đài hoành tráng được nhiều đoàn khách tìm đến tham quan.

Anh Việt