itaexpress / Tin ITA / Thể thao - Giải trí / Quán của tôi / Quán của “những ngôn ngữ ngón tay”

Quán của “những ngôn ngữ ngón tay”

Biển hiệu không tên. Ảnh: Mỵ Kiều

Để gọi thức uống, xin quý khách vui lòng dùng viết hoặc chỉ tay vào menu. Chân thành cảm ơn! Đó là lời nhắn ý nhị của chủ quán đề ngay ngắn trên tấm biển mỗi bàn, cạnh bình hoa.

Không gian nhỏ, ấm cúng, không ồn ào, không nghe thấy một âm thanh nào to hơn tiếng nhạc không lời dìu dặt. Đó là cảm nhận chung của bất kỳ ai đến với quán cà phê không có tên trên biển hiệu ở 173 Trần Huy Liệu, quận Phú Nhuận.

Trên tấm biển hiệu, chỉ có một bông hoa hướng dương, và xung quanh bông hoa hướng dương ấy là rất nhiều những hình ảnh của “ngôn ngữ ngón tay” . Thứ ngôn ngữ của những người câm giao tiếp với nhau. Tôi không đọc được “những ngôn ngữ ngón tay”, chỉ đồ rằng, những ký hiệu trên tấm biển ấy có nghĩa là Hoa hướng dương. Sau này có dịp ngặp lại cô chủ quán để hỏi lại, thì quả đúng chúng có nghĩa là Sunflower café.

Đó là quán cà phê mà những người phục vụ là những người bị câm.

Họ đang nói chuyện với nhau. Ảnh: Mỵ Kiều
Cần mẫn và lặng lẽ. Ảnh: Mỵ Kiều
Nhóm khách hàng say sưa bàn việc. Ảnh: Mỵ Kiều

Tôi thực sự lúng túng, muốn tìm một ngôn ngữ nào đó tế nhị hoặc lịch sự hay đại loại như là đẹp hơn…ví như người ta gọi những người chẳng may bị điếc là những người khiếm thính, gọi những người bị mù là những người khiếm thị…. mà bất lực.

Tiền thân của Sunflower là quán Lặng, do một chị ở báo Tuổi trẻ mở, chỉ tuyển nhân viên phục vụ là những người bị câm, trừ nhân viên bảo vệ. Nguyễn Kim Nguyên nhân một lần đến, thấy không gian của quán ấm cúng và thân thiện, thích quá. Nên khi chị chủ quán muốn nhượng lại cửa hàng, Nguyên đồng ý mua ngay. Nguyên chưa bao giờ kinh doanh, nên cũng đồng ý luôn với chuyện trả bảng hiệu. Tôi hỏi: “Sao lại trả bảng hiệu?”. Nguyên cười rất hồn nhiên, “Ừ thì mình cũng đâu có nghĩ xa xôi gì đâu, cái mình thích là không gian của quán và mình muốn giữ lại nó, thế thôi”.

Vốn là dân Mỹ thuật ra trường, nên Nguyên rất khó tính trong việc thiết kế bảng hiệu mới cho quán. Không biết tấm bảng hiệu đó phải làm đi làm lại bao nhiêu lần mới vừa lòng cô chủ. Những ký hiệu, ngôn ngữ ngón tay xung quanh đóa hướng dương, là suy nghĩ của Nguyên muốn chia sẻ với mọi người khi đến với Sunfower. Họ có quyền được bình đẳng và được nhìn nhận, đối xử như những người bình thường khác! Là câu trả lời của Nguyên khi tôi hỏi về việc tuyển dụng những người bị câm về phục vụ tại quán. Thực khách đến với Sunlower cũng không gặp khó khăn gì khi muốn giao tiếp với nhân viên phục vụ. Những cây viết luôn sẵn sàng cùng với thái độ rất lịch sự của các nhân viên Giang, Kiều, Thái….

Những lọ hoa vẫn luôn được làm mới, tôi cặm cụi với công việc bên chiếc máy tính được kết nối wifi. Thực đơn khá rẻ so với các quán khác. Trong góc quán, đôi tình nhân thầm thì và ở bàn bên, một nhóm bạn khác cũng đang nho nhỏ trao đổi công việc. Không một thanh âm nào lớn hơn những bản nhạc Trịnh không lời.

Đằng xa, các nhân viên bình thản ngồi bên nhau, sẵn sàng phục vụ những tín hiệu yêu cầu của thực khách, và họ nói chuyện với nhau, không một âm thanh. Chỉ những ngón thay như có thần, lạ lùng.

Sài Gòn tháng 6/2007

Mỵ Kiều