itaexpress / Tin ITA / Thể thao - Giải trí / SK - Điện ảnh / Slumdog và bài học về cách giáo dục

Slumdog và bài học về cách giáo dục

Những ai đã xem Slumdog Millionaire đều bất ngờ khi biết bộ phim đã vươn tới giải thưởng của Viện hàn lâm với 8 giải Oscars trong đó có giải thưởng cho bộ phim xuất sắc nhất. Một bộ phim tự do bỗng chốc đạt doanh thu lên tới 200 triệu đô quả là thành một hiện tượng trong ngành điện ảnh.

Cùng với câu chuyện về một chàng trai từ nghèo khổ bỗng chốc trở thành triệu phú, bộ phim còn là câu chuyện về cách những con người khác nhau học tập theo những cách khác nhau.

Nhân vật chính trong phim, cậu bé mồ côi Jamal Malik lớn lên trong một khu nhà ổ chuột và thiếu sự giáo dục đầy đủ từ trường lớp. Cậu đã cố gắng để được tham gia một game show, tại đây Jamal đã trả lời thành công một cách khó tin các câu hỏi và chính điều đó đã khiến nhà sản xuất chương trình và cảnh sát nghi ngờ cậu lừa đảo. Bị lôi đến sở cảnh sát và tra khảo, cậu đã giải thích cho những câu trả lời đúng của mình bằng việc kể lại câu chuyện cuộc đời mình.

Giống như những người khác, Jamal học được từ những kinh nghiệm của chính bản thân. Trong vô vàn những lĩnh vực khác nhau của cuộc sống, cậu biết những cái mà ít người biết vì những cái đó đều đã từng liên quan đến những sự kiện có ý nghĩa trong cuộc đời cậu.

Jamal thu lượm kiến thức qua những kinh nghiệm và đến cuối bộ phim chúng ta nhận thấy cậu cũng đã học được một điều còn quan trọng hơn, đó là khả năng suy nghĩ sáng tạo theo tư duy phản biện. Khả năng đó quả thực đã giúp cứu sống và làm thay đổi cuộc đời cậu.

Những câu hỏi ứng với từng cột mốc trong cuộc đời của chàng trai ở khu ổ chuột
và Jamal đã vượt qua xuất sắc

Trở lại với vấn đề hiệu quả trong tính giáo dục mà bộ phim mang lại, một trong những khó khăn của việc giáo dục hiện nay là làm sao để các môn học trở nên hấp dẫn và có tính ứng dụng với học sinh. Muốn thế, chúng ta phải hiểu họ sống như thế nào và đưa những kiến thức đó vào những gì họ đã trải qua. Nhiều học sinh có gia cảnh nghèo khổ như Jamal bị điểm kém trong những bài kiểm tra đã được chuẩn hoá, nhưng điều đó không có nghĩa là họ không thông minh. Chúng ta phải tìm được khả năng hiểu biết trong mỗi đứa trẻ và tìm cách để chúng được phát triển khả năng suy nghĩ một cách sáng tạo.

Ken Robinson, một chuyên gia về nghiên cứu óc sáng tạo nhận xét rằng những bài kiểm tra theo dạng chuẩn sẽ dẫn tới kiểu dạy học nhồi nhét và cứng nhắc khiến cho trí tò mò bị hạn chế và làm cho việc học tập không còn hấp dẫn.
Jamal bị tra khảo vì cậu đã học theo cách mà những nhà cầm quyền không thể hiểu nổi. Chúng ta cũng không nên tiếp tục sai làm khi trừng phạt học sinh vì suy nghĩ của chúng đi trái với thông lệ. Thay vào đó cần khuyến khích, kích thích chúng đặt những câu hỏi và tự mình động não. Có như vậy, chúng mới luôn luôn muốn tìm tòi.

Theo VnMedia