itaexpress / Tin ITA / Việt Nam trong mắt tôi / Góc nhìn du khách / Châu Đốc mùa lễ hội

Châu Đốc mùa lễ hội

Cách thị xã Châu Đốc khoảng 6km có ngọn núi Sam - một trong bảy ngọn Thất Sơn - uy nghi hiện lên xanh xám giữa trời. Nếu đến đúng vào dịp vía Bà tháng 4 âm lịch, bạn sẽ không khỏi ngạc nhiên trầm trồ vì hai bên đường từ chợ Châu Đốc đến chân núi Sam rợp bóng phượng vĩ, màu hoa đỏ cháy mắt đó cũng sẽ nhuộm đỏ ngọn núi Sam dọc lối lên núi.

Đến núi Sam, bạn không thể bỏ qua nhiều quần thể di tích văn hóa đã được xếp hạng quốc gia như Tây An cổ tự, lăng Thoại Ngọc Hầu, đặc biệt là ngôi miếu Bà Chúa Xứ núi Sam là nơi thu hút nhiều du khách thập phương nhất, là nơi để mọi người đến cầu xin những điều thiêng liêng nhất trong cuộc sống.

Từ thuở còn nằm nôi chúng tôi đã thuộc lòng câu chuyện truyền tụng từ xa xưa để lại về nguồn gốc lễ hội quê mình. Vào những năm 1820-1825, vùng Châu Đốc - An Giang còn là một miền đất hoang vu, dân cư thưa thớt, quân Xiêm La thường sang quấy nhiễu, cướp bóc. Có lần quân giặc rượt đuổi theo dân làng lên đỉnh núi Sam.

Tại đây, giặc bắt gặp tượng Bà, thấy pho tượng Bà trên núi trông có vẻ quý hiếm, chúng liền nổi lòng tham cướp đi pho tượng nhưng không sao xê dịch nổi, chúng bèn đập phá làm cho pho tượng bị gãy một cánh tay. Khi ông Nguyễn Văn Thoại (Thoại Ngọc Hầu) về trấn nhậm vùng này, ông cho khai hoang lập ấp.

Lúc đào kênh Vĩnh Tế gặp nhiều khó khăn chướng ngại do lam sơn chướng khí, thú rừng hoành hành gây thương vong không biết bao nhiêu lính tráng, phu phen. Bà Châu Thị Tế - phu nhân ông Thoại Ngọc Hầu - phát nguyện cầu mong việc đào kênh được mau chóng và suôn sẻ sẽ cúng một kiểng chùa.

Năm 1824, kênh Vĩnh Tế hoàn thành đã mở ra một bước ngoặt lớn cho công cuộc khai phá vùng đất miền Nam của triều đình nhà Nguyễn. Dân làng phát hiện pho tượng Bà liền trình báo với ông. Ông Thoại cho họp tráng đinh lại mang tượng xuống núi nhưng không thể nhấc tượng lên được. Liền khi đó có một thiếu nữ lên đồng tự xưng là “Chúa Xứ Thánh Mẫu” yêu cầu phải có chín trinh nữ, tắm rửa sạch sẽ ăn mặc đẹp tới thỉnh Bà. Ông Thoại cho làm theo yêu cầu, quả nhiên pho tượng mang đi được.

Khi đến chân núi thì tượng Bà trở nên nặng, các cô gái không tài nào xê dịch được. Người ta đoán rằng Bà đã chọn nơi này để ngự nên cùng nhau lập miếu thờ Bà. Chính là ngôi miếu Bà Chúa Xứ núi Sam ngày nay, và ngày đưa Bà từ trên núi xuống được chọn làm ngày lễ vía Bà (24 đến 27-4 âm lịch hằng năm).

Miếu Bà được dựng lên từ năm 1870 lúc đầu chỉ xây cất đơn sơ bằng tre, lá. Đến năm 1972, miếu được xây dựng lại theo lối kiến trúc phương Đông, có màu xanh đặc trưng với một quần thể đồ sộ, lộng lẫy, uy nghi và rất độc đáo. Bên trong miếu tượng Bà được đặt giữa chánh điện, đầu đội mão, mặc áo thêu rồng phụng lấp lánh kim tuyến. Ngôi miếu và pho tượng lạ lùng xuất hiện ở Việt Nam đã làm nhiều nhà nghiên cứu cất công tìm hiểu. Trải qua một thời gian dài người ta đã xác định được loại đá dùng tạc tượng đó là loại diệp thạch.

Theo các nhà khảo cổ, tượng Bà là hiện thân của thần Shiva, một tác phẩm nghệ thuật độc đáo được tạc từ thế kỷ 6 và tượng Bà được tạc bằng một loại nham thạch trầm tích có tên là diệp thạch. Từ lâu, người ta tin rằng Bà Chúa Xứ luôn phò trợ cho dân chúng. Ai đến cầu xin điều gì cũng được như ý. Sự linh thiêng của Bà Chúa Xứ núi Sam được loan truyền khắp nơi, ngày càng thu hút nhiều khách thập phương đến cúng bái, nhất là vào các ngày lễ vía Bà.

Từ năm 2000 lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam đã được nâng cấp thành lễ hội cấp quốc gia. Cứ vào ngày 24 đến 27-4 âm lịch, người dân quê tôi lại làm lễ Vía Bà với nhiều nghi lễ vô cùng trọng thể. Lúc 0 giờ ngày 23 rạng sáng 24-4 mở đầu là lễ tắm Bà, bức màn vải có viền ren thêu chữ, hoa màu sắc sặc sỡ được kéo ngang bệ thờ, che khuất khu vực đặt tượng. Một nhóm bốn phụ nữ đã được chọn lựa từ trước sẽ dùng nước thơm lau khắp thân tượng, sau đó thay mũ miện và quần áo mới. Lễ tắm Bà xong, bức màn được kéo qua một bên để mọi người vào chiêm bái, ai cũng cố đến gần sát bệ thờ để xin lộc Bà. Lộc là một vài cành hoa, trái cây để trên bàn thờ.

Tiếp theo là “lễ cúng túc yết”, được tổ chức lúc 0 giờ đêm 25 rạng 26-4 âm lịch. Đây là lễ cúng chánh thỉnh sắc Thoại Ngọc Hầu, nhị vị phu nhân và các tướng lĩnh của ông về miếu Bà. Đoàn thỉnh sắc có đội lân đi trước, tiếp theo là chiếc kiệu sơn son thếp vàng do bốn người khiêng. Hai hàng học trò đứng lễ tay cầm cờ phướn suốt đoạn đường lên lăng. Lễ vật dâng cúng gồm một con heo trắng làm sẵn, một đĩa đựng huyết, một ít lông heo gọi là “mao huyết”, một mâm xôi, một mâm trái cây, trầu cau và một đĩa gạo, muối. Đúng giờ hành lễ, ban quản trị đốt hương đèn nghi ngút, dâng tuần trà rượu và đọc văn tế, sau đó đốt đi cùng với một ít vàng mã, con heo cũng được lật trở lại.

Các ngày lễ tiếp theo gồm có: xây chầu, lễ cúng chánh tế, lễ hồi sắc... diễn ra nhằm nhớ ơn các bậc tiền nhân có công trong những buổi đầu mở đất - cầu mong mưa thuận gió hòa, nhân dân khỏe mạnh, trường thọ... Cuối dịp lễ sẽ là lễ thỉnh sắc thần (tức lễ rước sắc Thoại Ngọc Hầu cùng chư vị về lại lăng) - kết thúc nghi lễ dịp lễ hội vía Bà.

Lễ hội miếu Bà Chúa Xứ núi Sam đang ngày càng chứng tỏ là một lễ hội văn hóa dân gian lớn ở Nam bộ. Mỗi năm thu hút hàng chục vạn khách thập phương về hành lễ.

NGUYỄN THỊ THANH HIẾU (An Giang)