itaexpress / Tin ITA / Việt Nam trong mắt tôi / Góc nhìn du khách / Cuộc sống trên cao nguyên đá

Cuộc sống trên cao nguyên đá

Đường lên cao nguyên đá

Người Mông nơi cao nguyên đá Đồng Văn, Mèo Vạc (tỉnh Hà Giang) sống như cây xanh gắn chặt mình vào đá. Đá làm cứng cáp con người, nhưng không làm lòng người chai cứng.

Núi. Lại núi

Xa gần, toàn núi,

Mỗi bước chân leo, leo gập gối

Chênh vênh, lởm chởm đá như nanh ...

Diễn ca của người Mông kể rằng, chiến tranh, loạn lạc... để tránh những cuộc truy đuổi, người Mông đã làm cuộc thiên di đầy máu, mồ hôi và nước mắt vào miền Bắc Việt Nam. Người Mông dắt díu nhau cứ nhằm các triền núi cao mà chạy trốn vó ngựa, mũi tên. Họ chọn các nơi hiểm trở ở miền cao núi đá mà ẩn cư.

Ở Đồng Văn, Mèo Vạc, người Mông làm nhà trên núi cao. Đá sừng sững miên man, chập chùng bủa vây… Đối mặt trước nghiệt ngã của thiên nhiên là sức sống bền bỉ, dẻo dai, là cuộc sống lao động nhọc nhằn mà quả cảm của bao thế hệ người Mông.

Những ngôi nhà chênh vênh trên sườn núi là chỗ ở của bao thế hệ người Mông

Mấy ai biết được người dân nơi đây đã phải gồng mình thế nào để đổi mầu cho đá. Thiếu đất, hiếm hoi lắm mới có vạt nhỏ gieo được dăm ba ống giống. Người Mông nổi tiếng về nghệ thuật xếp đá. Xếp đá để chống chọi lại với trời đất, với giông bão, với mưa lũ xói mòn, khắc khoải giữ từng chút đất. Những nắm đất thấm bao mồ hôi và mỗi hốc đá đẫm cả niềm vui cùng hi vọng của bao người.

Mỗi mầm cây mọc được trên cao nguyên đá đều thấm đẫm mồ hôi của bao người

Người Mông nơi đây sống như cây xanh gắn chặt mình vào đá. Đá làm cứng cáp con người, nhưng không làm lòng người chai cứng. Và, tâm tư, tình cảm con người hôm nay đã chuyển đổi theo nhịp sống mới.

Giao thông đã làm thay đổi dần cuộc sống của người dân ở đây

Để phá thế quây bọc của núi, để địa thế hiểm trở không còn cô lập cuộc sống nơi vùng cao nguyên đá, mạng lưới giao thông được ưu tiên phát triển rộng khắp và được coi là một kỳ tích. Chẳng biết bằng những cách nào để có thể mở bao con đường xuyên qua đá. Biết bao tấn thuốc nổ, bao nhiêu nước mắt, mồ hôi và cả máu nữa để mảnh đất xa xôi hiểm trở này có được những con đường mỏng manh như sợi chỉ, hun hút bên vực sâu.

Những con đường cheo leo nơi đỉnh núi sương mù là kỳ tích của con người

Câu chuyện miền đá chuyển mình đổi mới thật hồn nhiên và ngây thơ, gian truân và kỳ lạ khác nào một huyền thoại. Đổi thay trên những con đường lên cao nguyên đá, đến tận những phiên chợ mà xưa kia phải bắc thang trèo núi mới lên tới nơi được.

Phiên chợ là nơi để đồng bào Mông trao đổi những sản vật do mình làm ra

Đường thôn, ngõ bản rộn ràng cảnh làm ăn sớm tối. Chưa thật giàu nhưng đã từng nhịp vượt thoát đói nghèo. Cuộc đời vui đem đến những nụ cười sảng khoái bên chén rượu. Ở vùng cao núi đá, uống rượu được coi là một nét văn hóa. Rượu ở đây là thứ nước trong vắt được cắt ra từ những hạt bắp mà người Mông trồng tỉa trên núi đá.

Và, trong phiên chợ vui, lại vang lên xao động, tinh tế tiếng khèn, lời ca thể hiện các cung bậc tình cảm của người Mông trong sự gắn bó máu thịt với cuộc sống mới.

Múa khèn là một sinh hoạt văn hoá độc đáo của đồng bào Mông

Âm thanh hồn hậu, tươi vui rộn rã của cuộc sống mới đang vang vọng. Lời hát buồn thương truyền đời kể về nỗi tuyệt vọng của người miền đá chỉ còn là quá khứ. Khắp nơi là tiếng reo vui trước những đổi thay, trước con đường đã bừng sáng của người Mông hôm nay./.

(Theo VOV)