itaexpress / Tin ITA / Việt Nam trong mắt tôi / Góc nhìn du khách / Đến làng Chăm mùa lễ Ramadan

Đến làng Chăm mùa lễ Ramadan

Thánh đường Mubarak

Từ ngày 10 đến ngày 12-10-2008, tại xã Châu Phong, huyện Tân Châu sẽ diễn ra Ngày hội Văn hóa - Thể thao và Du lịch dân tộc Chăm tỉnh An Giang lần thứ IV-2008.

Trong những ngày diễn ra lễ hội, du khách sẽ có dịp tham gia các trò chơi dân gian, biểu diễn văn nghệ, đua thuyền cùng người dân địa phương.

Du khách có thể chọn chương trình ngày 10-10 tức ngày khai mạc lễ hội. Sau khi tham quan những Thánh đường, du khách trở về với không khí lễ hội của người Chăm và Liên hoan ẩm thực diễn ra vào lúc 16 giờ chiều tại khu vực Thánh đường xã Châu Phong. Tại đây, du khách được thưởng thức nhiều món ăn do chính người Chăm phục vụ.

Tiếp theo là chương trình khai mạc lễ hội bắt đầu từ 19 giờ tối. Không chỉ được xem các nghệ sĩ Chăm biểu diễn múa hát, du khách còn được thưởng thức các tiết mục tái hiện lại sinh hoạt hàng ngày cũng như lễ cưới trang trọng và lộng lẫy của đôi uyên ương người Chăm...

Ở Đồng bằng sông Cửu Long, người Chăm sống tập trung chủ yếu ở An Giang. Nhiều năm nay, các làng Chăm ở An Giang đã trở thành điểm đến của nhiều du khách trong và ngoài nước. Đến với làng Chăm vào mùa lễ Ramadan, phần nhiều du khách muốn được hòa mình vào cuộc sống và lễ hội của người Chăm...

Một phiên lễ trong thánh đường Châu Phong

Lễ Ramadan của người theo đạo Hồi thường được gọi là “tháng ăn chay” hay “tháng nhịn ăn”. Vào dịp này, người theo đạo Hồi nhịn ăn uống vào thời điểm mặt trời mọc đến khi mặt trời lặn. Riêng người bị ốm đau, trẻ dưới 5 tuổi hoặc khi đi du lịch đến các nước mà đạo Hồi không là Quốc giáo thì được miễn nhịn ăn vào ban ngày. Ramadan cũng là tên gọi cho tháng thứ 9 của lịch Hồi Giáo (lịch Hijra).

Với người theo đạo Hồi, nhịn ăn uống là để có sự thông cảm với những người nghèo đói, những đồng đạo chưa đủ ăn, đủ mặc; đồng thời, rèn luyện cho con người sự tiết chế, chống những cám dỗ vật chất... Cộng đồng người Chăm ở An Giang hầu hết theo đạo Hồi đều thực hiện quy định trên. Đến nhà của người Chăm vào dịp này, khách cũng cần hiểu vì sao gia chủ không mời khách uống nước hay ăn bánh vào ban ngày.

Dịp lễ Ramadan năm nay, Lễ hội dân tộc Chăm tỉnh An Giang được tổ chức tại làng Chăm Châu Phong ở ấp Phũm Soài, xã Châu Phong, huyện Tân Châu (An Giang). Để đến đây, có thể đi bằng hai đường: Một là qua phà Năng Gù, qua Phú Tân rồi lên Tân Châu để đến Phũm Soài; hai là theo hướng từ Châu Đốc qua phà Châu Giang là đã đặt chân lên đến làng Chăm.

Người Chăm An Giang không xây tháp như ở miền Trung nhưng làng nào cũng có Thánh đường Hồi giáo. Tất cả Thánh đường đều có biểu tượng mặt trời và vầng trăng khuyết, cửa và nóc hình vòm, màu chủ đạo là màu trắng. Tùy theo mỗi làng mà quy mô Thánh đường lớn nhỏ khác nhau, nhưng kiến trúc của các thánh đường đều có những điểm chung.

Trong số những Thánh đường đẹp nhất ở An Giang phải kể đến Thánh đường Mubarak ở xã Phú Hiệp, huyện Phú Tân (An Giang). Qua phà Châu Giang, rẽ trái vài trăm mét, du khách sẽ thấy ngay Thánh đường Mubarak. Đây là công trình có kiến trúc rất giống với các Thánh đường tại các nước Hồi giáo với những mái vòm, 4 tháp ở 4 góc. Được biết, công trình do kiến trúc sư người Ấn Độ Mô-ha-mét A-min thiết kế và xây dựng, hoàn thành vào năm 1992, được xem là công trình kiến trúc tiêu biểu của cộng đồng người Chăm ở An Giang.

Thánh đường Mubarak - một trong những thánh đường đẹp nhất An Giang

Tại Châu Giang còn nhiều Thánh đường của người Chăm dọc hai bên đường hướng về Tân Châu. Nếu từ Châu Đốc, quý khách qua cầu Cồn Tiên về huyện cửa khẩu Khánh Bình thì cũng sẽ nhìn thấy nhiều Thánh đường khác. Mỗi Thánh đường mỗi vẻ nhưng Thánh đường nào cũng nguy nga. Đặc biệt, bên trong Thánh đường lúc nào cũng tràn ngập ánh sáng và thoáng mát dù không chiếu sáng đèn và bật quạt nhờ dãy hành lang rộng xung quanh, mái vòm cao và nhiều cửa sổ lớn.

Người Chăm An Giang sống chan hòa với thiên nhiên. Có lẽ do ảnh hưởng của vùng ven sông luôn bị nước lũ hàng năm ngập nên nhà của người Chăm thường là nhà “cao cẳng”. Nhà được cất trên những hàng cột cao đến 2-3 mét. Mùa khô, dưới sàn nhà được sử dụng làm nơi đặt khung dệt, sinh hoạt... Người Chăm ở đây rất phát triển nghề dệt thổ cẩm và chăn nuôi dê, cừu, làm ruộng...

Dệt vải là nghề mà bất cứ người phụ nữ Chăm nào cũng phải biết. Khoảng 12 tuổi, những thiếu nữ người Chăm đã được tập những thao tác đơn giản nhất của nghề dệt. Hiện nay, thổ cẩm Chăm được nhiều du khách ưa chuộng.

Thổ cẩm của người Chăm hiện nay khác trước rất nhiều nhưng vẫn giữ được những hoa văn truyền thống. Chất liệu chủ yếu được sử dụng là tơ công nghiệp và được nhuộm màu thủ công từ nước nấu của cây rừng. Nhuộm màu sợi, màu vải là bí quyết được lưu truyền nhiều đời nay trong cộng đồng người Chăm ở An Giang. Ví, túi xách, nón, dép... đủ mọi kiểu dáng được bàn tay khéo léo của người phụ nữ Chăm làm nên từ nguyên liệu thổ cẩm kết hợp với cói, vải, lục bình... Đồng bào dân tộc Chăm cũng khéo léo, sáng tạo đưa thổ cẩm lên thành sản phẩm trang trí nội thất trên trần và vách.

Sản phẩm thổ cẩm Chăm được nhiều du khách ưa chuộng

Nhiều khách sạn lớn ở TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, An Giang... sử dụng thổ cẩm như một món hàng sang trọng treo ở vị trí trang trọng trên vách phòng lễ tân, nhà hàng và phòng nghỉ cao cấp. “Nhiều du khách nước ngoài đến nghỉ tại khách sạn đã đòi cho bằng được nhân viên đưa đến chỗ làm ra sản phẩm này hoặc tìm mọi cách mua giùm. Ban đầu chúng tôi cũng sợ không thành công nhưng sau một thời gian quảng bá và tung nhiều sản phẩm ra thị trường thì khách hàng đón nhận nhiều lắm. Không chỉ bán cho khách du lịch trong nước mà còn xuất khẩu sang nhiều nước nữa...” - anh Mohamad, Chủ nhiệm Hợp tác xã dệt thổ cẩm Châu Giang (xã Châu Phong, huyện Tân Châu, tỉnh An Giang) cho biết.

Hiện nay, bà con người Chăm An Giang đã bỏ bớt một số hủ tục không còn phù hợp nhưng làng Chăm vẫn giữ được nét độc đáo riêng. Con gái Chăm thướt tha, duyên dáng trong trang phục xà-rông, có khi được cách điệu thành bộ váy cùng tông màu rất đẹp. Đặc biệt là các thiếu nữ lúc nào cũng có chiếc khăn choàng đầu được thả lơi hoặc cột gọn bao trùm mái tóc với những họa tiết, hoa văn rất trang nhã và quý phái. Đàn ông thì mặc xà-rông kẻ sọc ca-rô, áo sơ-mi... và lúc nào cũng có chiếc nón vải tròn đội đầu.

Bà con Chăm rất thân thiện và hiếu khách, đặc biệt là đối với khách lạ đến thăm làng. Nếu kết thân, du khách sẽ được mời ngủ qua đêm tại nhà. Đa số nhà được cất bằng gỗ, cao ráo nên rất mát mẻ. Sàn nhà thường xuyên được lau sạch bóng.

Hiện nay, ngành du lịch An Giang đang chuẩn bị một số tour du lịch đưa du khách đến làm công dân của làng theo hình thức “home stay” Chăm năm 2008. Làng Chăm ở xã Châu Phong là một trong hai điểm được chọn thực hiện xây dựng và phát triển chương trình du lịch cộng đồng do Ngân hàng Á Châu - ACB tài trợ với tổng kinh phí 360.000 USD.

Các hoạt động thờ cúng, dệt thổ cẩm, múa hát... của cộng đồng người Chăm sẽ là sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo gắn với các điểm du lịch Vĩnh Tế hà, miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam, rừng tràm Trà Sư tạo nên chuỗi sản phẩm phục vụ du khách. Cộng đồng người Chăm tham gia dự án được tập huấn cách tiếp xúc, phục vụ khách du lịch.

Bài, ảnh: THÀNH NHÂN