itaexpress / Tin ITA / Việt Nam trong mắt tôi / Góc nhìn du khách / Đón bình minh trên mũi Đại Lãnh

Đón bình minh trên mũi Đại Lãnh

Mũi Đại Lãnh thuộc địa phận tỉnh Phú Yên, được coi là điểm cực Đông và là địa điểm trên đất liền của Tổ quốc nhìn thấy mặt trời đầu tiên. Những khoảnh khắc tuyệt sắc bình minh nơi đây khiến chúng tôi sững sờ khi "phục kích" trên ngọn hải đăng Đại Lãnh.

Phục kích... mặt trời

3 giờ 30 sáng, TP Tuy Hòa còn chìm say trong giấc ngủ, theo đường Phước Tân - bãi Ngà, chúng tôi thẳng tiến về phía mặt trời. Con đường ven biển với một bên là nhà cửa nhìn ra bờ biển xanh xanh, rì rào phi lao và một bên là "thành phố" tôm giăng giăng ánh điện...

Ô-tô nằm lại bãi Môn, trong ánh trăng mờ ảo, chúng tôi lò dò từng bước chân trong thung lũng cát, lọt thỏm giữa một hẻm núi cao, chỉ nghe tiếng gió vi vút thổi và tiếng dế gáy. Ở nơi thoáng nghe tiếng sóng biển ầm ồ, chúng tôi tìm được đường qua suối. Không có nhiều nước, chúng tôi bước trên những tảng đá hình thù kỳ lạ, "không biết nó tròn tròn hay vuông vuông, không phân biệt được mặt nào phẳng để bước lên"- một đồng nghiệp mô tả.

Khi tìm thấy con đường khá rộng ở lưng chừng núi, có cả tiếng gà gáy và tiếng chó sủa từ nơi có ngọn hải đăng vọng lại, sự phấn khích đầy căng trở lại. Chúng tôi tiếp tục lên đường. Trời vẫn tối lem nhem khi đặt chân lên trạm. Anh Nghiên - nhân viên Trạm đèn biển Đại Lãnh, đích thân dẫn đoàn lên 108 bậc thang của ngọn hải đăng, kích thích tinh thần cả đoàn bằng thông báo ngắn: "Mặt trời sắp lên rồi đó". Lúc này khoảng 5 giờ 10 phút, một vùng trời ửng hồng, tạo một đường viền giữa chân trời và mặt biển. Cảnh sắc vô cùng ngoạn mục, như một trò ảo thuật đặc sắc biến hóa khôn lường đang bày ra trước mắt. 5 giờ 25 phút. Những tia nắng đầu tiên ló dạng. Mặt biển như chỉ cần có thế để dấy lên khúc nhạc ban mai trong trẻo, lấp lánh và rực rỡ. Núi non, rừng cây xanh thẫm, bãi biển cát vàng... chỉ chờ có thế để bày ra sự hùng vĩ trùng điệp và vô cùng quyến rũ. Hải đăng mũi Đại Lãnh được người Pháp xây năm 1890, có thể phát tín hiệu ánh sáng đi xa 27 hải lý. Ngọn đèn biển hoạt động được 55 năm thì ngừng (năm 1945), đến năm 1961 mới hoạt động trở lại. Do vùng Đại Lãnh - Vũng Rô là căn cứ cách mạng trên biển, là nơi tiếp nhận những chiếc tàu không số của những người cộng sản chở vũ khí từ miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam trong chiến tranh Việt Nam nên hải đăng bị hủy bỏ, đến năm 1997 mới được khôi phục. Mũi Điện trở thành 1 trong 45 đèn biển cấp 1 quốc gia. Ngoài 5 thành viên đoàn chúng tôi, còn có 2 người khách đã qua đêm tại đây để "phục" đón mặt trời. Chị Dung - 1 trong 2 người khách ở Nha Mân (Đồng Tháp) đang làm cuộc hành trình khám phá và chinh phục các tọa độ cột mốc của đất nước. Chị cho biết đã đến đỉnh cực Bắc - Lũng Cú (Hà Giang), cực Nam - mũi Cà Mau, cực Đông - Đại Lãnh và sắp tới sẽ lên cực Tây - A Pa Chải (Điện Biên Phủ) nghe nói đường khó đi nhưng càng khó càng thích.

Một ngày mới

Chúng tôi chỉ rời ngọn hải đăng và thôi nhìn ngắm mặt trời khi ánh nắng đã bắt đầu chói chang. Anh Nghiên xách giỏ bảo xuống núi đi chợ mua dầu, gạo, thức ăn. Do nhu cầu của du khách đến điểm cực Đông ngày càng nhiều, trạm đã có thêm dịch vụ cho khách ngủ qua đêm 80.000 đồng/người và 100.000-120.000 đồng/phần ăn. Con đường vừa đi qua hồi đầu hôm chúng tôi có dịp nhìn rõ hơn khi trở xuống trong ánh mặt trời và tiếng chim rừng lảnh lót. Đó là một eo biển cát vàng: Thung lũng cát bãi Môn tuyệt đẹp, yên ả với sóng biển rì rầm. Có lẽ vì vậy mà rất nhiều công ty du lịch muốn sở hữu khu vực này.

Dự án xây dựng Khu du lịch bãi Môn - mũi Điện nằm trong kế hoạch khả thi của một doanh nghiệp, với chức năng khách sạn, resort, giải trí,... nhưng cũng nằm trong "tầm ngắm" của nhiều đại gia khác. Nhưng chúng tôi không quay lại đường cũ mà theo đường rộng khoảng 2 m xây bằng đá, vẫn còn nhiều đoạn xây bằng loại gạch cổ đang dần bị thời gian ăn mòn.

Anh Trần Minh Thái, có lẽ là hộ dân hiếm hoi mà chúng tôi gặp, sống ở bãi Môn. Anh quê ở Quảng Ngãi đến "cắm sào" ở đây. Anh kể, hồi ấy 2 vợ chồng đi ghe bầu dọc theo bờ biển, thấy địa hình đất đẹp bèn tắp ghe vào và dựng lều ở tạm, làm nghề đánh cá và bán thêm dầu, gạo, thuốc lá, rượu... cho dân đi biển. Anh Thái cho biết, trước đây, vùng này còn rất hoang sơ, có rất nhiều dê núi, heo rừng, cả gấu nữa... Ở chốn heo hút này chỉ di chuyển bằng tàu ghe vào Tuy Hòa, Vũng Rô. Vậy mà, tôi cũng đã ở đây ngót nghét 15 năm.

Chúng tôi trở về thành phố Tuy Hòa theo đường Phước Tân - bãi Ngà, tuyến đường nối Vũng Rô với Khu công nghiệp Hòa Hiệp và TP Tuy Hòa. Vũng Rô là một trong những vịnh đẹp nổi tiếng khu vực ven biển miền Trung. Thôn Vũng Rô được chính thức thành lập năm 1986 gồm: bãi Mù U, bãi Lách, bãi Ngà, bãi Chùa, bãi Hồ, bãi Hương, bãi Chính, bãi Lau, bãi Bàng, bãi Nhãn, mũi Yến, mũi Điện và hòn Nưa. Anh Thanh Xuân cho biết, những năm gần đây nhiều người đổi đời nhờ con tôm hùm. Vũng Rô có môi trường tốt và ổn định, tôm hùm nuôi trong lồng phát triển nhanh chóng. Hiện nay, tuyến đường Phước Tân - bãi Ngà đã được xây dựng, phá thế cô lập cho vùng đất này. Anh Thái giải thích là trước đây do bãi này có nhiều cọp, dân địa phương gọi ông Ba Mươi là "ngài", sau này đọc trại là ngà. Khi nhiều du khách theo đường bộ đến khám phá điểm cực Đông Đại Lãnh, vợ chồng anh làm thêm dịch vụ ăn uống, "homestay" cho khách ngủ qua đêm, cắm trại, tắm biển...

Khách lên đỉnh Đại Lãnh từ tờ mờ, khi trở xuống đã có nồi cháo gà đồi nóng hổi, thơm lừng, mà vợ chồng anh Mười hì hục nấu bằng lò than củi. Một ngày mới ở vùng biển cực Đông đã bắt đầu!.

Theo Phước Vĩnh (Cà Mau Online)