itaexpress / Tin ITA / Việt Nam trong mắt tôi / Góc nhìn du khách / Nghề làm tương ở làng Bần

Nghề làm tương ở làng Bần

Làng tương Bần

Đi từ Hà Nội theo quốc lộ 5 khoảng 25 km là đến thị trấn Bần Yên nhân (trước đây là một thôn của xã Văn Phú) huyện Mỹ Hào, ở đó có nghề làm tương Bần.

Nước ta có nhiều địa phương làm tương ngon và nổi tiếng nhưng Tương Bần vẫn là thứ đặc sản mà người Hà Nội sành ăn xếp vào những món ăn đặc biệt của thủ đô xưa, đó là : Dưa La, húng Láng, nem Bảng, tương Bần, nước mắm Vạn Vân, cá rô Đầm Sét. Nguồn nguyên liệu để làm tương là gạo, ngô, đỗ tương,... rất dồi dào và có sẵn, công nghệ làm tương khá đơn giản song nhờ bí quyết độc đáo mà tương Bần có hương vị thơm ngon độc đáo hơn hẳn các nơi khác.

Làng nghề tương Bần có khoảng 300 lao động làm nghề, thu nhập bình quân 300.000 - 350.000 đồng/tháng. Nhờ có máy móc xay nghiền nên làm tương giờ không vất vả như xưa. Tuy không tốn nhiều lao động song sản xuất tương cũng tạo thêm việc làm cho tới cả trăm người bán. Đi qua phố Bần người ta thấy cả phố bán tương, nhà nào làm thì nhà nấy bán. Nhà có mặt đường thì tiện, nhà không có mặt đường thì thuê chỗ bán hàng, ai cũng cố giành cho được một cửa hàng khang trang bề thế để trưng bày quảng cáo cho hiệu của mình. Sản xuất tương ở làng Bần hầu hết là các hộ gia đình, có hộ do được truyền nghề từ đời trước, có hộ mới vào nghề dăm bảy năm nay khi thấy làm tương phát đạt. Tuỳ theo uy tín, chất lượng mà có hộ làm ăn quy mô lớn, có tới ba trăm chum đại sức chứa tới 40.000 lít liên tục quay vòng.

Tương Bần được người dân lưu truyền từ vùng này sang vùng khác, từ thế hệ trước đến thế hệ sau. Có người bảo rằng: tương Bần từng là đặc sản tiến vua. Có lúc, nghề tương của làng Bần tưởng như bị mất. Thế rồi giờ đây, nghề làm tương có điều kiện phát triển, trở thành sản phẩm hàng hóa cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước.

Nghề làm tương phát đạt trong cơ chế thị trường là vậy nhưng hỏi ngọn ngành ai là tổ nghề, ai là người đầu tiên đem nghề này về làng thì người làng không ai còn nhớ. Các cụ già làng cho biết rằng, vào đầu thế kỷ XX, làng Bần thuần nông, nghèo lắm, nhà nào vào mùa hoa mướp cũng làm một vài chum tương dùng làm nước chấm trong sinh hoạt ăn uống của gia đình. Sau đó, nhờ có đường quốc lộ số 5 chạy cạnh làng Bần, một số người làng ra bám mặt đường, mở cửa hàng, hình thành phố Bần vào những năm 35 - 40 của thế kỷ trước. Ở làng Bần lúc bấy giờ có cụ bà Thân Thị Lựu khéo tay làm tương. Cụ mạnh dạn làm tương và đưa sản phẩm ra bán ở quán lấy tên hiệu là Cự Lẫm. Ai ngờ cái quán tương đầu tiên ở cạnh đường số 5 ấy lại là một sự mở màn cho việc đưa tương làng Bần hội nhập với thị trường cả nước. Sau nhà sản xuất hiệu Cự Lẫm có thêm nhà sản xuất tương hiệu Dân Sinh. Khách thập phương qua lại mua tương về ăn thấy ngon và lời đồn, tiếng thơm vang đến Hà Nội. Thế rồi thương hiệu tương Cự Lẫm bỗng chốc nổi tiếng khắp vùng và sản phẩm tương Cự Lẫm được Hà Nội ưa chuộng, cạnh tranh với tương Cự Đà (Hà Đông) nằm kề Hà Nội. Kế thừa truyền thống nghề tương của cha ông, người làng Bần luôn bảo nhau giữ gìn chữ tín. Và họ đã không làm phụ lòng khách mến mộ sản phẩm tương của làng cho đến tận ngày nay.

LT (tổng hợp)