itaexpress / Tin ITA / Việt Nam trong mắt tôi / Hướng về quê hương / Bản nghèo giữ chân cô giáo trẻ

Bản nghèo giữ chân cô giáo trẻ

Nhỏ nhắn, xinh xắn, ít ai nghĩ rằng Ngần Thị Minh Hiếu có thể vượt qua quãng đường hàng chục km đường rừng, dốc thẳng đứng để trụ vững ở ngôi trường trên đỉnh núi suốt 3 năm liền. Dân bản gọi Hiếu bằng một từ bình dị nhưng rất đỗi thân thương: “Cô giáo”!

Gian nan đường em đi

Hiếu là cô giáo trường THCS Pù Bin, Mai Châu, Hòa Bình. Cô là người Thái, gia đình đều sống ở thị trấn Mai Châu. Sau khi tốt nghiệp CĐSP Hòa Bình, cô giáo Hiếu về với học sinh xã Pù Bin.

Thời gian đầu về trường, nhiều khi cô giáo trẻ tuổi 20 tưởng như mình không thể vượt qua nổi. Quãng đường từ nhà lên tới trường, nếu đi đường mòn thì phải tới 15km, đường chỉ có đá và bụi, dốc cao vút, nhiều khi xe cộ không thể nào qua nổi; còn nếu đi đường tắt qua rừng phía sau nhà chỉ có 5km, đường không có một người đi, vách núi cheo leo và cũng phải mất tới 3-4 tiếng đồng hồ mới tới nơi.

Đã có những lúc cô giáo Hiếu mệt đến mức cứ 10 bước là lại phải nghỉ một lần và bao phen phải khóc giữa đường vì tủi thân.

Vậy mà cô giáo trẻ cũng đã ở lại trường học trên đỉnh núi được 3 năm. Cô giáo Hiếu tâm sự: “Có những thời gian thực sự khó khăn không chỉ với Hiếu mà còn với cả học sinh và người dân. Những lúc trời quang mây tạnh thì không sao nhưng hễ mưa hay lũ thì thực sự rất cực. Cuối tuần từ nhà lên trường mình vừa đi vừa cầm cuốc dọn đường. Hàng chục cây số như vậy mới đi nổi. Nhưng giờ quen rồi”.

Tuy nhiên, với địa hình khó khăn, cuộc sống của giáo viên vùng cao cũng còn nhiều thiếu thốn. Các thầy cô ít khi được xuống núi nên cũng phải chăn nuôi, trồng trọt để có thức ăn. Nhiều khi phải đi đến các nhà xin thực phẩm hoặc học sinh thương cô thầy mang lên biếu.

Rất nhiều người đã lên với Pù Bin nhưng không thể chịu được sự khắc nghiệt của cuộc sống đã phải bỏ cuộc. Cô giáo Hiếu chuyện trò: “Có nhiều hôm trời rét, thầy cô nào cũng phải mặc 2-3 quần, đi 2-3 cái tất mới thấy tạm đủ ấm. Ở đây không có nổi điện thoại bàn nói gì đến di động, không mạng nào có sóng hết. Nhiều thầy cô thấy vất vả, buồn chán đã không thể chịu đựng được”.

“Học sinh còn vất vả hơn bọn mình nhiều”

Đó là những lời của cô giáo Hiếu khi được hỏi về những thiếu thốn khi dạy ở vùng cao. Vất vả, khó khăn là thế nhưng cô giáo Hiếu luôn mỉm cười. Cô tâm sự: “Trường ở trên đỉnh núi mà nhà các em lại rải rác khắp các nơi trong núi nên đường đi học không dễ dàng gì. Quãng đường 4-5 km, nhiều em còn xa hơn. Có những em lên đến lớp chỉ có ngồi thở, mệt quá không học được”.

“Điều kiện cơ sở vật chất ở đây cũng thiếu thốn nên thiệt thòi cho các em. Có lần Hiếu dạy một bài liên quan đến chiếc xe đạp, học sinh không thể hiểu nổi “xe đạp” là gì. Cả đời các em có biết đến phương tiện này đâu.

Cả trường có 5 phòng học, 4 phòng xây rồi nhưng một phòng vẫn nhà gỗ mục. Nhiều hôm mưa đá cả cô lẫn trò đều phải chui xuống bàn. Gặp trời mưa nền nhà bùn nhão chẳng em nào dám thò chân xuống dưới, đấy là chưa nói đến bàn ghế cũ kỹ không đảm bảo. Nhìn các em thương lắm” - cô giáo kể tiếp.

Đi dạy, thấy nhiều học sinh không có quần áo mặc, mỗi bận được về nhà là Hiếu lại tranh thủ “rinh” đi một ít cho các em. Sau khi Bộ GD-ĐT đề ra chính sách “nói không với ngồi nhầm lớp”, tình trạng bỏ học của trường Hiếu tăng nhanh. Hiếu lại cùng các thầy cô tất bật đến từng nhà, từng bản động viên các em quay lại lớp.

Có lần, một học sinh lớp 9 của cô, em Ngần Thị Mức, bản Nã Lụt không đủ tiền đóng lệ phí thi tốt nghiệp. Cô giáo Hiếu đã tới tận nhà, đến nơi cô gần như phát khóc. Quen với cảnh nghèo nhưng khi thấy cậu em trai của Mức mới hơn 1 tuổi, đói quá không có gì ăn phải nhấm nháp bắp ngô già quá mùa mà người ta phơi cho bò ăn cô đã không kìm nổi nước mắt.

“Mình thương học trò, thương người dân ở đây quá. Chính điều đó đã giữ mình ở lại với trường”, Hiếu nói khe khẽ.

Đứng trên trường THCS Pù Bin, nhìn xung quanh chỉ thấy tứ bề là núi, đi chơi thì cũng thích nhưng nghĩ đến chuyện ở lại một vài ngày có lẽ không ít những người ngại ngùng. Vậy mà những người như cô giáo Hiếu vẫn miệt mài cõng con chữ lên rẻo cao. Ở rất nhiều nơi trên đất nước, vẫn còn những người như cô giáo Hiếu.

Theo Dân Trí