itaexpress / Tin ITA / Việt Nam trong mắt tôi / Hướng về quê hương / Bà con Việt kiều tại Đức: Mong ước góp phần nhỏ cho quê hương

Bà con Việt kiều tại Đức: Mong ước góp phần nhỏ cho quê hương

Hội Vifi tổ chức cuộc chạy bộ Đồng hành

vì Việt Nam

Cũng như cộng đồng người Việt ở khắp nơi trên thế giới, bà con Việt kiều tại Đức luôn hướng về quê hương với tình cảm máu mủ, ruột rà, đã đóng góp nhiều công sức và tiền của góp phần làm dịu bớt những nỗi đau cho các gia đình gặp khó khăn ở quê hương, nhất là khi xảy ra thiên tai. Đặc biệt, họ còn vận động được nhiều người bạn Đức cùng chung tay làm từ thiện.

Một quỹ từ thiện gắn bó với Việt Nam

Quỹ Vì tương lai phát triển (Zukunftsstiftung Entwicklungshilfe) có trụ sở chính tại thành phố Bochum, nước Đức. Tổ chức từ thiện này có bề dày hoạt động trên 26 năm, với mục tiêu chính là trao đổi kinh nghiệm, vận động thực hiện các chương trình trợ cấp nhân đạo cho các nước đang phát triển như Ấn Độ, Bangladesh, các nước ở châu Phi.

Riêng đối với Việt Nam, từ năm 1999, quỹ đã vận động trợ cấp kinh phí liên tục cho nhiều dự án như xây trường Tiểu học Hiệp Phước (huyện Nhà Bè, TP.HCM), xây dựng lại các trường học ở tỉnh Thừa Thiên - Huế sau các trận bão, hỗ trợ kinh phí cho Nhà xuất bản Kim Đồng dịch truyện thiếu nhi từ tiếng Đức và in 5.000 quyển phát miễn phí cho các trường tiểu học ở Việt Nam…

Ông Walter Burtkart - nhà sáng lập kiêm Chủ tịch quỹ cho biết: “Tình yêu Việt Nam của tôi bắt đầu từ những mối quan hệ với một hội đoàn người Việt tại thành phố này. Chính họ là cầu nối giữa chúng tôi và đất nước các bạn”.

Vì cộng đồng và vì quê hương

Một trong những cái tên mà nhà từ thiện 64 tuổi ấy thường nhắc đến là nhân vật không xa lạ với cộng đồng người Việt tại Đức - anh Lê Duy Nhẫn. Tốt nghiệp trường Kỹ thuật Cao Thắng Sài Gòn năm 1971 rồi sang Đức du học tự túc, chàng trai đến từ xứ dừa Bến Tre đã trải qua bảy năm đại học đáng nhớ vì không chỉ học tập thành công, mà còn hết sức nhiệt tình tham gia phong trào sinh viên chống chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Tốt nghiệp đại học năm 1978, anh xin vào làm việc tại một nhà máy chuyên chế tạo máy bơm.

Lúc đó, nhà máy không có ý định tuyển người, nhưng sau khi ông chủ gặp và cho cơ hội để chàng trai đến từ châu Á trình bày những điều tâm huyết và ý tưởng của mình, anh đã được nhận ngay và cũng là người nước ngoài đầu tiên làm việc ở nhà máy nọ. Sau này, trước khi qua đời, ông chủ có tâm sự với anh rằng anh chính là một trong những người mà ông tin cậy hơn cả người bản xứ. Từ một nhân viên bình thường của Phòng Kỹ thuật, anh được cất nhắc lên nhiều vị trí cao hơn và nay đang đảm nhiệm vai trò Giám đốc kỹ thuật của Công ty Klaus Union tại thành phố Bochum.

Trong thời gian tham gia phong trào sinh viên, anh kết bạn với chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, một cô gái đến từ Sài Gòn. Chiến tranh kết thúc, họ trở thành vợ chồng và từ đó hai người càng có điều kiện phấn đấu cống hiến theo một lý tưởng chung: Tất cả vì một Việt Nam tươi sáng hơn. Năm 1995, anh chị thành lập Hội Hỗ trợ phụ nữ và thanh niên Đức - Việt (Vifi).

Mục đích ban đầu của hội đơn giản là giúp đỡ những phụ nữ Việt Nam cơ nhỡ, không chỗ nương tựa nơi xứ người. Sau đó, hoạt động của hội càng mở rộng, không chỉ giúp phụ nữ, thanh niên, sinh viên Việt Nam sang học tập tại Đức, mà còn thực hiện các dự án nhân đạo, vận động sự hỗ trợ từ các quỹ chính phủ, phi chính phủ của Đức để giúp nhiều đối tượng khác nhau tại quê nhà. Nhà ở của anh chị trở thành trụ sở làm việc của hội.

Hoạt động hỗ trợ của Hội Vifi cho bà con ở quê hương lúc đầu rất nhỏ, chẳng hạn xây một lớp mẫu giáo ở Sóc Sơn, sau đó có thêm vốn, họ gửi tiền xây tiếp hai lớp, ba lớp. Đến nay thì danh sách tài trợ đã khá dài: năm lớp cho trường Tiểu học ở Nhà Bè, ba lớp ở Sóc Trăng, xây sửa lại trường học ở tỉnh Long An sau trận lụt năm 2000, sửa chữa toàn bộ nhà nuôi trẻ khuyết tật của tỉnh Bến Tre, xây lớp học cho học sinh Khmer của tỉnh Sóc Trăng, giúp kinh phí xây cầu nông thôn ở tỉnh Bến Tre, xây một ngôi trường thuộc loại lớn nhất ở Tân Thới, tỉnh Tiền Giang (đảm bảo chỗ học cho hơn 1.000 học sinh/năm, trị giá đầu tư khoảng 200 ngàn USD)…

Đến năm 2005, vợ chồng anh chị Nhẫn - Hạnh đã lập một chương trình đầu tư sáu tỉ đồng để xây 400 căn nhà tình nghĩa cho sáu tỉnh trên cả nước (mỗi ngôi nhà trị giá 15 triệu đồng, gồm một căn nhà cấp 4 và một nhà vệ sinh). Năm 2006, Hội Vì cộng đồng Việt Nam tại Đức được thành lập và anh Nhẫn được bầu làm Chủ tịch. Hội đã làm được nhiều việc hơn để cộng đồng người Việt nhanh chóng hội nhập vào xã hội nước sở tại, đồng thời ra sức vận động quyên góp tiền của để gửi về hỗ trợ bà con trong nước còn khó khăn.

Sẽ còn nhiều dự án trở thành hiện thực

Những kế hoạch, dự án của các hội Việt kiều ở Bochum đang thực hiện hoặc mới chỉ được phác thảo trên giấy không ít và cũng không hề nhỏ. Với những người tâm huyết như anh Nhẫn, chị Hạnh, có niềm tin rằng trước sau các kế hoạch, dự án đó cũng trở thành hiện thực để góp phần mở ra tương lai sáng sủa cho nhiều mảnh đời còn bất hạnh tại quê nhà. Họ luôn mong ước đóng góp phần công sức thiết thực cho quê hương.

Chính ông Walter Burtkart đã đánh giá về những người bạn Việt Nam tại Hội Vifi là “đầy tin tưởng” khi thấy được kết quả thực sự của những dự án mà Quỹ vì tương lai phát triển đã phối hợp trong những năm qua. Những anh chị Việt kiều đó đã và đang xây dựng được niềm tin về một nước Việt Nam đổi mới và tiến bộ nhanh chóng trong lòng bạn bè Đức để lôi cuốn bạn bè hỗ trợ cho đồng bào còn khó khăn trong nước được nhiều hơn.

Theo Doanh nhân SG cuối tuần