itaexpress / Tin ITA / Việt Nam trong mắt tôi / Hướng về quê hương / Cây tre trong tâm thức người Việt

Cây tre trong tâm thức người Việt

Ảnh: gachnoimagazine.org

Cây tre (với nhiều loại khác nhau: trúc, mai, vầu, nứạ..) có ở nhiều nước trên thế giới. Nhưng có lẽ khu vực Đông Nam Á nhiệt đới gió mùa mới chính là quê hương, xứ sở của tre và các sản phẩm văn hoá từ tre.

Tại Việt Nam, có nhiều tộc người sống gần gũi cùng cây tre, bảo lưu nhiều giá trị văn hoá từ cây tre. Tuy nhiên, trong văn hoá của người Việt (tộc đa số của Việt Nam), cây tre chiếm một vị trí sâu sắc và lâu bền hơn cả.

Đặc biệt, trong tâm thức Việt, cây tre được coi là một biểu tượng của người Việt, đất Việt. Không ngẫu nhiên, sự tích của loại tre thân vàng đã được người Việt gắn với truyền thuyết về Thánh Gióng, một trong bốn vị thánh bất tử của họ.

Các nhà nghiên cứu cho rằng: Thánh Gióng chính là hoá thân của Thần Thợ Rèn - Thần Trống - Thần Chiến Tranh của người Việt cổ. Mặt khác, Thánh Gióng cùng với vũ khí là cây tre là biểu bượng cho sức mạnh chiến thắng thần kì, đột biến của nước Việt Nam đối với những kẻ thù xâm lược lớn, mạnh, phát triển hơn mình gấp bội. Rất có thể, hình tượng vươn vai lớn dậy hoá thành người khổng lồ của cậu bé làng Gióng có liên quan đến khả năng sinh trưởng rất nhanh của cây tre (theo các nhà thực vật học, trong điều kiện lý tưởng, cây tre có thể cao thêm 15-20 cm mỗi ngày).

Cùng với mái đình, cây đa, bến nước, một hình ảnh quen thuộc, thân thương của làng Việt cổ truyền (nhất là ở miền Bắc) là luỹ tre xanh quanh làng. Với các luỹ tre xanh ấy, trong nhiều thời kỳ lịch sử, làng Việt đã trở thành những "pháo đài xanh" chống xâm lược, chống thiên tai, chống đồng hoá. Luỹ tre đã trở thành chiến luỹ và là nguồn vật liệu vô tận để chế tạo vũ khí tấn công và hầm trú ẩn cho các cuộc chiến tranh nhân dân và du kích lâu dài cũng như cho công cuộc trị thuỷ của người Việt.

Trên thế giới ngày nay, có lẽ chỉ giữa phố phường Hà Nội, người ta mới thấy nhiều đến thế những người nông dân kiêm tiểu thương Việt với chiếc đòn gánh tre hay chiếc xe đạp thồ mang đôi sáo hay sọt tre đi bán hàng rong ngay bên những ngôi nhà cao tầng hiện đại, giữa dòng xe máy, ô tô ồ ạt. Người ta chợt hiểu vì sao Hà Nội xưa được gọi là "Kẻ Chợ" (tức một cái làng - chợ lớn). Trên tivi và sách báo nước ngoài, những hình ảnh đó đã trở thành một mô típ đặc trưng cho Việt Nam đang đổi mới và phát triển từ những truyền thống của riêng mình.

Việt Nam đang trong quá trình hội nhập quốc tế và hiện đại hoá. Nhiều làng Việt giờ đây đã không còn những luỹ tre xanh bao quanh. Nhiều người Việt đã quen dùng đũa nhựa, đũa gỗ thay cho đũa tre, rổ rá nhựa thay rổ rá tre. Nhưng, cùng lúc đó, một số người nước ngoài sống ở Việt Nam lại thích dùng những chiếc chụp đèn bằng tre, những chiếc chiếu tạo từ tre. Nội thất của nhiều khách sạn, quán ăn đắt tiền được làm hay tô điểm bằng đồ tre, trúc. Sản xuất đồ (mây) tre đan vẫn là một mặt hàng xuất khẩu, góp phần đáng kể vào công cuộc xoá đói giảm nghèo của Việt Nam. Một lần nữa, cây tre lại cùng với người Việt Nam vươn lên, vượt qua những thử thách của thời đại.

Tạ Đức / Quehuong.org.vn