itaexpress / Tin ITA / Việt Nam trong mắt tôi / Hướng về quê hương / Em ơi, Sài Gòn… nóng!

Em ơi, Sài Gòn… nóng!

Cảnh mua bán nước trong mùa nắng gắt

TP.HCM bỗng dưng hứng chịu đợt nắng nóng đến… bức tử. Nắng chan chát da thịt, phả hơi nóng hầm hập vào người, nóng váng vất đầu… nóng làm khó chịu trong người quá (!).

Nắng nóng cộng với lô cốt, kẹt xe, khói bụi, giao thông hỗn tạp… tất tần tật những thứ ấy đang thử thách lòng kiên nhẫn… của người dân đang sinh sống tại TP.HCM.

Không còn những cảnh đặc trưng Sài Gòn trong những ngày vừa qua trên đường phố. Tình nhân “tiết kiệm” một cái ôm khi ngồi trên xe máy. Thiếu nữ ngại diện những bộ đồ... áo dài hơn quần xuống phố. Vắng bặt những cảnh mấy cậu ấm, cô chiêu chạy xe rề rà để cho thiên hạ có dịp... ngắm mình. Những người tham gia lưu thông ở TP.HCM ngay từ sáng sớm cho đến chiều tối trong những ngày này đã biết cách phóng xe như điên để... trốn nóng. Cá biệt, vào giữa trưa, đường phố Sài Gòn vắng như... ngày tết.

Ngay từ thời điểm khoảng 6h30’ cho đến 7h sáng, thay cho một màn sương dày trong mùa khô tại Nam Bộ, là những tia nắng "sắc như dao" chiếu thẳng vào da mặt. Không còn cái ấm áp của nắng sớm, chỉ cần kéo cửa bước ra khỏi nhà, người dân tại TP.HCM đã hiểu cảnh "thế nào là nắng nóng".

Trời oi ngay từ sáng, nên dường như mọi hoạt động ở thành phố này đều uể oải, chậm chạp và... bực bội. Sáng, chị hàng xóm kế nhà nhìn thấy tôi bỗng nhiên hét to nhẩm tính đoạn đường chị chạy từ Cao Lỗ (quận 8) về Võ Thị Sáu (đoạn thuộc quận 1) để đến được cơ quan với tâm trạng rất bi kịch. Chạy hết Cao Lỗ quẹo Phạm Thế Hiển, quẹo tiếp Dạ Nam đến Nguyễn Biểu, từ Nguyễn Biểu nhào qua Trần Hưng Đạo, Trần Hưng Đạo xuyên qua Lê Lợi, từ Lê Lợi cắt nhánh Pasteur, qua Pasteur đến Lê Duẩn, từ Lê Duẩn sang Đinh Tiên Hoàng, cắt ngang Nguyễn Thị Minh Khai và Điện Biên Phủ. Cuối cùng, đến Võ Thị Sáu. Nhẩm tính đoạn đường như để tìm đồng minh xong, chị nhìn... thẳng lên trời nói rất thảm thiết: "Đường xa quá xa mà sao nắng nóng dã man quá... Trời ơi". Dĩ nhiên, chỉ mình tôi nghe câu ca thán đó. Phía trên cao, nắng vẫn vô tư... dội lửa vào cái thành phố này.

Hôm rồi nghe thông tin từ Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ thông báo rằng Sài Gòn sắp "rước" được vài cơn mưa "vàng" bất thường thì người dân mừng lắm. Vội vã chạy sang đài khí tượng, hỏi thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan - Phó phòng Dự báo về tình hình thời tiết tại TP.HCM nói riêng và khu vực Nam Bộ nói chung sắp tới sẽ như thế nào. Thạc sĩ Xuân Lan cho biết một số thông tin không lấy gì làm vui vẻ lắm, nhưng vẫn phải buộc lòng chấp nhận.

"Không khí lạnh đã vượt qua miền Bắc và miền Trung để tràn xuống miền Nam, thế cho nên, khả năng sẽ có một vài cơn mưa xảy ra ở TP.HCM. Sáng nay, nhiều người dân ở khu vực huyện Hóc Môn có gọi điện thoại về Đài, báo là dưới đó có mưa. Mưa không lớn lắm nhưng cũng kha khá. Nhìn chung, sẽ có thêm một vài cơn mưa liên tiếp diễn ra trên địa bàn TP.HCM. Mưa cục bộ thôi, không phải là mưa trên diện rộng đâu. Sau vài cơn mưa bất thường (khổ thế, mưa cũng bất thường mà nắng nóng cũng bất thường nốt - PV) này, thời tiết tại TP.HCM có thể sẽ tiếp tục nắng nóng. Và có khi, nhiệt độ sẽ còn tăng cao hơn nữa so với đợt nắng nóng vừa qua", thạc sĩ Xuân Lan cho biết.

Chiều trao đổi với thạc sĩ Xuân Lan xong, thì tối hôm ấy, TP.HCM đã có mưa rả rích tại một số quận trên địa bàn. Hôm sau, cũng có thêm vài mươi phút mưa bong bóng nữa. Vài ngày sau, mọi thứ lại trở về với sự bất thường của thời tiết. Nắng vẫn cứ nóng như rang trên đầu, thứ nắng nóng rất “khó chống”. Điều bất thường ở chỗ, không khí dịu đi trong mưa lại nhanh chóng bùng lên ngay khi mưa vừa kết thúc. Cái nóng cứ dai dẳng bám riết lấy thành phố.

"Đợt nắng nóng này chưa phải là đợt nắng nóng nhất ở TP.HCM đâu", thạc sĩ Xuân Lan trấn an tôi như vậy. "Cách đây 11 năm, vào năm 1998, nhiệt độ từ đầu mùa khô đến cuối mùa là 39,6oC. Còn năm nay, từ đầu mùa (tính từ tháng 2/2010) đến nay, nhiệt độ chỉ ở mức chưa đến 37oC".

Đây là nhiệt độ được các chuyên gia khí tượng ở Đài đo trong lều khí tượng được thiết kế theo tiêu chuẩn quốc tế. Tức là lều làm bằng gỗ, đặt cao hơn mặt đất 2m và trang bị dụng cụ đo nhiệt chuyên dụng... Còn ở ngoài trời, tùy theo điều kiện địa hình mà nhiệt độ có thể tăng thêm vài độ nữa. Kiểu như ở nơi kẹt xe, bề mặt bê-tông, mặt đường nhựa... mức nóng sẽ còn gay gắt hơn.

Nói đây là thời điểm chưa phải nóng nhất ở TP.HCM là nói vậy thôi, chứ hiện tại, đợt nắng nóng này vẫn theo Đài Khí tượng thì có quá nhiều điều bất thường. Ngay từ sáng sớm, nắng đã bắt đầu nóng gay gắt kéo dài mãi đến tận chiều tối. Thế nên, người dân sinh sống trên địa bàn thành phố cảm thấy ngày dài hơn và nắng nóng cũng khủng khiếp hơn.

Khổ nhất trong thời điểm nắng nóng gay gắt này, có lẽ là những hộ dân đang lâm vào tình trạng thiếu nước sinh hoạt ở một số tuyến đường thuộc khu vực Nhà Bè, quận 8, quận 7, Tân Phú, huyện Bình Chánh... Theo số liệu, chỉ tính riêng tại hai quận là quận 7 và huyện Nhà Bè thì hiện tại mỗi ngày đã thiếu khoảng 30.000m3 nước sinh hoạt. Dẫu có cố gắng hết mức bằng cách huy động cả xe bồn lẫn xà lan cung ứng thêm nước sạch, thì Công ty cổ phần Cấp nước Nhà Bè chỉ đáp ứng được thêm khoảng gần 3.000m3 nước cho người dân. Một số hộ dân may mắn mua được nước của công ty với giá... dễ thở, số còn lại phải chấp nhận mua của tư nhân với mức giá nhiều lúc lên đến... 180.000/m3 nước.

"Không đủ nước trong những ngày khác còn cố gắng được, chứ không đủ nước trong đợt nắng nóng này thì nguy hiểm quá. Sống ở Sài Gòn mà cứ như sống ở châu Phi vậy. Nắng đổ lửa trên đầu, mình khát nước dưới đất", chị Ngọc Hà ở Nhà Bè than thở.

Theo đại diện của Nhà máy nước BOO Thủ Đức, phải đến cuối tháng 4/2010, nước của nhà máy này mới có thể thông suốt đến khu vực Nhà Bè để phần nào có thể giải quyết được tình trạng khát nước của các hộ dân tại nơi đây.

Theo Ngô Nguyệt Hữu (ANTG)

ads_zone179.hideEmptyZone("ads_zone179");