itaexpress / Tin ITA / Việt Nam trong mắt tôi / Hướng về quê hương / Gọi hồn cho cồng chiêng

Gọi hồn cho cồng chiêng

Trên chính mảnh đất Buôn Ma Thuột, trong Festival văn hoá cồng chiêng (21 - 24.11.2007), tiếng chiêng xưa đã vang lên trên các chương trình sân khấu hoá lễ hội có bàn tay đạo diễn; ở đó nghệ nhân buôn làng trở thành những người mang chiêng đi đánh thuê; tiếng chiêng mất dần linh hồn nghi lễ tự thân cộng đồng như xưa...

"Tìm đâu không gian cho tiếng chiêng cất lên" là câu hỏi da diết trong hội thảo khoa học với chủ đề Không gian văn hoá cồng chiêng, thực trạng tồn tại và bảo tồn tại Buôn Ma Thuột!

Trống trải cả... linh hồn!

Tiếng chiêng dần thưa vắng trên những buôn làng Tây Nguyên cùng với sự thưa vắng của nhiều lễ hội nông nghiệp lúa rẫy (tìm đất, phá rẫy, lúa mới, cúng hồn lúa, ăn cớm mới...) đến những nghi thức tâm linh trong đời người (lễ đặt tên, cúng trưởng thành, cưới hỏi, tang ma...). Tiếng chiêng trở thành trình diễn nghệ thuật âm nhạc nhiều hơn nghi thức tâm linh truyền thống.

GS-TS Ngô Đức Thịnh trích dẫn số liệu của Viện Văn hoá thông tin, năm 1999, về sự chảy máu cồng chiêng cổ truyền: Gia Lai có 5.117 bộ thì năm 2002 chỉ còn chưa tới 3.000 bộ, tỉnh Đăk Lăk năm 1982 đến 1992 mất 850 bộ (mỗi bộ thường 3 - 7 chiếc)...

Ông Vũ Ngọc Bình (giám đốc Sở Văn hoá thông tin Gia Lai) cho biết, nửa đầu thế kỷ 20, cồng chiêng và choé rượu là tài sản quý giá nhất của người Giarai, Bana. Những năm đầu giải phóng, mỗi buôn Giarai, Bana có ít nhất ba bộ cồng chiêng, một số buôn giàu, con số lên đến hàng chục bộ (mỗi bộ thường ba chiếc) như buôn người Giarai Broái (huyện Ia Pa) hay plei người Bana Mơ Hra huyện Kbang. Nhưng trước khi không gian văn hoá cồng chiêng được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể thì số lượng cồng chiêng và các sinh hoạt văn hoá gắn với cồng chiêng có chiều hướng giảm.

Ở Đăk Lăk, những bộ chiêng quý giá có thể đổi 5 - 7 con voi hay hàng chục con trâu, bò ngày nay đang hiếm dần. Trước đây, số nghệ nhân lớn tuổi trong các buôn làng Ê đê, M'nông ở tỉnh này biết sử dụng cồng chiêng có khoảng 50 - 70 người nay còn 3 - 10 người... Số lượng khúc thức, bài diễn tấu cũng đang bị lãng quên. Cồng chiêng M'nông có trên dưới 60 bài diễn tấu, thì nay chỉ còn 30 bài. Một số vùng như Krông Nô, Dăk Mil chỉ có khả năng diễn xướng 3 - 5 bài, các buôn người M'nông ở Cư Jút không còn nhớ bài chiêng nào.

Trang trí ngôi nhà đang cháy!

Sinh hoạt không gian cộng đồng, lễ hội đời sống nông nghiệp, tâm linh cho cồng chiêng xuất hiện đang thưa thớt dần, một phần vì sự thay đổi về khung cảnh (từ nhà rông, nhà sàn chuyển sang bê tông hoá), thay đổi về nhu cầu thưởng thức văn hoá (sự xuất hiện của băng đĩa nhạc mới, máy móc truyền thông, thay đổi từ trong tập quán canh tác nông nghiệp (giáo sư Tô Ngọc Thanh nói vui, ngày trước đồng bào làm lúa rẫy thì có "Yàng lúa", bây giờ làm cà phê thì chưa có "Yàng... cà phê"!), đời sống tôn giáo tâm linh thay đổi (sự du nhập của nhiều tôn giáo mới, nghi thức mới như trào lưu tôn giáo tin lành thời gian qua) và kể cả hậu quả của một thời Nhà nước quản lý duy ý chí (xếp những lễ tục có sự tham gia của cồng chiêng vào "hệ" mê tín dị đoan, "bài trừ", "truy quét" nghi lễ dân tộc).

Năm 2006, tỉnh Gia Lai dành 200 triệu kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá để trang bị chiêng cho các làng đang "cạn máu cồng chiêng". Bảo tàng tỉnh cũng sưu tầm được 18 bộ với 247 chiếc cồng chiêng cổ, mở các "khoá" truyền đạt kinh nghiệm đánh cồng chiêng, chỉnh chiêng... Tháng 10. 2007, tỉnh tổ chức gặp gỡ 71 nghệ nhân chính chiêng của 5 tỉnh Tây Nguyên. Nhiều tỉnh phát động phong trào mua lại cồng chiêng trang bị mới cho buôn làng nhưng không ít nơi vẫn chất đống, không dùng được vì thiếu người chính, thiếu người chơi và thiếu dịp để chơi.

Những hoạt động tuyên truyền, tạo sự kiện để "phục hưng" loại hình âm nhạc này không chỉ dừng lại ở cuộc đổ tiền ào ạt mua chiêng và đào tạo theo lối duy ý chí. Cái chính là tìm lại cho những buôn làng một sự tự do, một không gian sống cần thiết với lễ hội truyền thống như xưa cha ông họ muốn mở hội không phải đi làm đơn xin phép Nhà nước hay được sự can thiệp chỉ đạo của địa phương. Trong xu thế du lịch điền dã đang phát triển, có thể biến những lễ hội đích thực của cồng chiêng quanh năm có điều kiện để phát triển tài nguyên nhân văn cho buôn làng.

Chiêng được sinh ra cho những khung cảnh, nhu cầu nội tại cộng đồng, đời sống văn hoá, tâm linh các dân tộc. Thiếu cái "thể xác - không gian" đó, cồng chiêng chỉ là linh hồn đi hoang trong lớp áo trình diễn, hoặc lạc loài nương náu trên những "festival" đầy phản cảm. Và nghệ nhân trở thành những nghệ sĩ đánh thuê trước ánh đèn và son phấn sân khấu.

Trả lại không gian sinh hoạt diễn xướng tự nhiên cho đồng bào Tây Nguyên cũng là trả lại cái sinh thể văn hoá mạnh mẽ để hồn chiêng còn vang mãi trên đại ngàn.

Theo SGTT