itaexpress / Tin ITA / Việt Nam trong mắt tôi / Hướng về quê hương / Khởi động bình chọn Vịnh Hạ Long qua mạng: Không chỉ dựa vào lòng yêu nước

Khởi động bình chọn Vịnh Hạ Long qua mạng: Không chỉ dựa vào lòng yêu nước

Vịnh Hạ Long đã hai lần được UNESCO

công nhận là di sản văn hoá thế giới.

Ảnh: Nguyễn Vinh

Tối hôm qua, 23 tháng 12, đã diễn ra lễ phát động bầu chọn vịnh Hạ Long là kỳ quan thiên nhiên thế giới mới tại khách sạn Sheraton được trang trí như một vịnh Hạ Long lộng lẫy thu nhỏ

Cuộc bình chọn qua mạng này sẽ được tiến hành trong bốn năm (2007 – 2011), theo sáng kiến của New Open World, tiếp sau thành công vang dội của tổ chức này trong việc bầu chọn “Bảy kỳ quan thế giới mới” kéo dài trong tám năm (9.1999 – 7.2007).

Vịnh Hạ Long của Việt Nam, đã hai lần được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới, vào năm 1994 về giá trị cảnh quan và năm 2000 về địa chất diện mạo, đã được tổ chức này nêu lên cùng với 12 địa danh khác như những ví dụ điển hình đề cử.

Trong bài phát biểu của mình tại buổi lễ, thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Văn Thơ đã kêu gọi: “Nếu mỗi người Việt Nam ở nước ngoài vận động thêm ba, bốn người bạn nước ngoài cùng bỏ phiếu bầu vịnh Hạ Long thì sẽ có thêm hàng chục triệu lá phiếu ủng hộ, một sức mạnh gia tăng đáng kể đưa cuộc bầu chọn cho vịnh Hạ Long đến thắng lợi”.

Bà Phan Thanh Mai, Việt kiều Mỹ, trong dịp về thăm quê hương vừa rồi, đã nhận xét: “Vịnh Hạ Long trông đã đẹp hơn, sạch hơn so với cách đây bốn năm, chỉ có điều các dịch vụ du lịch còn đơn điệu quá”.

Có lẽ bà Mai, cũng như nhiều kiều bào ở nước ngoài và đồng bào trong nước, luôn coi vịnh Hạ Long là một niềm tự hào khi nhớ về đất nước, sẽ bỏ phiếu cho vịnh Hạ Long. (Điều này đã được chứng thực trong các cuộc bình chọn hoa hậu qua mạng, khi các người đẹp của Việt Nam luôn chiếm được vị trí rất cao, trong khi vẫn không đạt được đánh giá cao của ban giám khảo).

Nhưng những người nước ngoài, được coi là tương đối độc lập trong suy nghĩ và không bị chi phối bởi bổn phận của lòng yêu nước (Việt Nam), có lẽ chỉ bỏ lá phiếu một khi họ đã đặt chân đến đây và thực sự hài lòng về nó.

Như vậy, việc giành được lá phiếu của người nước ngoài không hề đơn giản, và không chỉ đơn thuần là công việc của bộ Ngoại giao, thông qua mạng lưới cơ quan đại diện của mình, và mối quan hệ với các đại diện ngoại giao nước ngoài tại Hà Nội và TP.HCM.

Bộ Văn hoá – thể thao – du lịch và UBND Quảng Ninh, và trên hết là lãnh đạo chính phủ, có rất nhiều việc phải làm để cải thiện diện mạo, cảnh quan xung quanh vịnh Hạ Long, và nhất là xử lý dứt điểm về ô nhiễm môi trường, bốn năm không phải là một khoảng thời gian dài.

Để làm sao chấm dứt cái cảnh: “ Vịnh Hạ Long – nhan sắc của một đêm ” (Tiêu đề bài đăng trên Sài Gòn Tiếp Thị số 69 ra ngày 7.12.2007)!

Theo Hoàng Ngọc (SGTT)