itaexpress / Tin ITA / Việt Nam trong mắt tôi / Hướng về quê hương / Mỹ gốc Việt

Mỹ gốc Việt

Tiếng Anh chỉ có một cách gọi: Vietnamese-American. Tiếng Việt lại gọi từ này là người Mỹ gốc Việt. Nhưng tại sao không ai gọi là người Việt ở Mỹ? Em cảm thấy cách mô tả cội nguồn của mình biểu lộ rất nhiều về cách suy nghĩ dân tộc, văn hoá và lịch sử.

Thật ra thì các người tị nạn từ Việt Nam sang Mỹ không xem mình là người Mỹ, mà là người Việt ở Mỹ. Vậy thì tại sao con của họ, là thế hệ thứ hai, lại tự coi mình là người Mỹ gốc Việt?

Thế hệ thứ hai, trong số đó có chính mình em, lớn lên ở Hoa Kỳ và trưởng thành trong một xã hội bình đẳng, khá giả, đầy cơ hội. Nhưng ngoài ăn những món ăn Việt Nam do ba má nấu, hay thỉnh thoảng ngồi trên ghế sofa để xem chương trình ca nhạc Paris by Night với gia đình, thì thế hệ của em có suy nghĩ gì đối với cội nguồn của mình? Em nhìn xung quanh thành phố San Diego, em thấy nhà hàng Việt Nam khá phổ biến, đàn ông hút thuốc uống cà phê, đàn bà đi chợ, Tết thì được lì xì, đám giỗ thì cúng ông bà tổ tiên. Trước đây, em cũng như thế hệ của em chấp nhận với niềm kiêu hãnh đấy là văn hoá, cội nguồn của em. Nhưng em đã sai, thế hệ của em cũng đã đi lạc, tại vì chúng em thật sự không hiểu, hay không có ý tìm hiểu định nghĩa của chữ Vietnamese-American.

Em ngồi trên bãi cát trắng nhìn ra biển Thái Bình Dương đến chân trời. “Chân trời” là dịch nghĩa của horizon. Nhưng trong tiếng Anh, horizon lại có nghĩa bóng, chính là tầm nhìn của một con người. Dù em đang ở Nha Trang lúc ấy, đang tắm biển vui vẻ với gia đình trong một khu du lịch nổi tiếng, em cảm thấy đó không phải là nhà của em. Nhà em ở bên kia bờ Thái bình dương. Khi em về thăm Việt Nam vào mùa hè năm ngoái, em cảm thấy mình chỉ là một du khách, không phải là một người địa phương.

Đấy là một phát hiện làm em rất buồn, đảo lộn những ý tưởng về lý lịch cá nhân. Vấn đề phải làm như thế nào là một người “Mỹ gốc Việt”? Chỉ ba chữ này biểu hiện là thế hệ thứ hai của em đã mất liên lạc với những cội nguồn tổ tông, đất tổ. Chúng em không gọi mình là người Việt, mà là người Mỹ. Khi em đi đường bộ từ Sài Gòn đến Huế, em nhìn thấy những hành vi, phong tục và cách sống của người Việt Nam từ đôi mắt cô gái Việt Kiều. Vì vậy, em tự hỏi bản thân mình: em có bao giờ thật sự có thể làm một người Việt Nam được không?

Thời gian em ở Việt Nam mùa hè đó có thể nói là thời gian em cảm thấy dốt nhất trong nguyên cuộc đời. Có lẽ một sinh viên trường đại học Harvard đối với thế giới là một người có học thức. Nhưng trước văn hoá và lịch sữ phong phú của Việt Nam, em cảm thấy hụt hẫng, quá thiếu sót, em hoàn toàn là một đứa trẻ dốt nát. Em có hàng nghìn thí dụ, ở đây em sẽ kể một vài thí dụ để làm rõ ý của mình. Khi gia đình em thăm mộ và nơi ở của Hàn Mạc Tử, đầu óc của em hoàn toàn trống rỗng đối với tên của nhà thơ này, Hàn Mạc Tử là ai? Bạn của em đọc một bài thơ Đây Thôn Vỹ Dạ của ông cho em nghe. Dù em nhận ra đấy là lời Việt, nhưng em không nhận thấy sự tuyệt vời của các bài thơ ấy, tại vì em vốn không hiểu ý nghĩa của từ ngữ, lời thơ. Tai em nghe, nhưng đầu em không hấp thu được, và tim em không rung động. Làm sao em có thể gọi mình là một người Việt Nam? Em biết mình không hiểu, và em không thể chấp nhận tình trạng rỗng không này. Đấy là một sự khát không có nước giải. Không phải chỉ một ly nước có thể giúp em tìm hiểu được cội nguồn này. Chỉ có thời gian mới giúp cho em nghiên cứu và học hiểu văn hoá đời sống Việt Nam, nơi em đã sinh ra và có một số kỷ niệm thời thơ ấu.

Khi gia đình em thăm lăng của Vua Minh Mạng, một lần nữa em lại đối diện với con ma dốt nát của mình. Đến bây giờ thì em đã quen thường gặp nó rồi. Khi nó đến thì các câu hỏi trào cuồn cuộn trong đầu em. Các vua của nước Việt Nam là ai, làm thế nào cai trị đất nước? Người Việt Nam đã sống như thế nào, đã kháng chiến ra sao? Làm sao lịch sử Việt Nam có thể giúp mình phân tích tình hình chính trị hiện nay? Em còn đang tìm trả lời cho một số câu hỏi này. Song sự trống rỗng trước đây đã được thay thế bằng một sức mạnh hiếu kỳ. Có lẽ em không hiểu hôm nay, nhưng em sẽ hiểu ngày mai. Mở đầu mỗi ngày đều là một trang giấy trắng đối với trí tuệ bé nhỏ của em. Nhưng khi hoàng hôn về em đều có thêm một trang giấy đầy kỷ niệm trong cuốn sách hiểu biết về dân tộc quê huơng của mình.

Sau những ngày hè ở Việt Nam, em về Mỹ với một cách suy nghĩ rất khác biệt so với lúc em ra đi năm tuần về trước. Em có rất nhiều câu hỏi và càng nhiều ấn tượng hơn. Mùa hè đã gần kết thúc và em không thể tiếp tục ỷ lại vào ba mẹ ở San Diego để giải thích nền văn hoá ở Việt Nam. Khi em trở về trường đại học Harvard, em quyết định chính thức đăng ký vào lớp học Việt Nam. Trong lớp em học rất nhiều và phát hiện về mình càng nhiều hơn.

Khi ở Việt Nam, những ý nghĩ dân tộc của em tồn tại, nhưng nó mơ hồ, không có nền móng chặt chẽ. Em chỉ kịp nhận ra được đấy là lịch sử văn hoá của mình. Tuy nhiên, em chỉ nắm nó như các mảnh vỡ, tồn tại độc lập với nhau. Trong lớp cuối cùng thì em có thể ráp lại vào nhau các mảnh nhỏ mà lâu nay em còn giữ trong đầu. Dần dần thì em cảm thấy mình trở thành một người Việt Nam hơn. Em có thể nếm mùi vị nguồn gốc Việt Nam của mình từ một khía cạnh hiểu biết, không chỉ chấp nhận, mà luôn luôn đặt câu hỏi và không ngừng đi tìm câu trả lời.

Bất chấp em thuộc dân tộc nào, em có thể tự tin rằng em là một phụ nữ. Em rất vui là văn học Việt Nam từ thời xưa đã đánh giá rất cao sự đóng góp của phụ nữ. Có câu: “võng anh đi trước, võng nàng theo sau” ca ngợi sự cống hiến của người vợ trong sự vinh quy của chồng mình. Nhưng em càng vui hơn, càng hãnh diện hơn, nếu văn hóa Việt Nam thời ấy không chỉ cho phép đàn ông đi thi, mà còn cho phép phụ nữ cơ hội trổ tài trong công việc ở ngoài mái nhà. Chuyện bất bình đẳng đối với phụ nữ Việt Nam em đã biết từ lâu. Nhưng em không ngờ, người Việt Nam thời xưa coi đấy là đánh giá cao người phụ nữ sao? Đối với cách suy nghĩ này, em có hai lời đáp. Thứ nhất, không thể đánh giá phụ nữ vì chúng tôi vốn là vô giá. Em có lòng tin hai bà Trưng và Hồ Xuân Hương sẽ đồng ý với em trong sự phản đối này. Thứ hai, nếu xã hội thật sự đánh giá thì dù có đánh giá cao đến cở nào cũng đánh giá một người phụ nữ so sánh với chồng của họ thôi. Đấy chỉ là đánh giá một cách tương đối, không phải một cách tuyệt đối.

Có lẽ một số người sẽ đáp lại: chuyện bất bình đẳng đối với phụ nữ là một vấn đề luôn tồn tại trong mỗi xã hội. Đúng! Câu trả lời này rất đúng. Nhưng vì mỗi xã hội đều có vấn đề này không có nghĩa là mình nên chấp nhận nó, mà mình phải đương đầu với nó và sửa đổi.

Em rất hân hạnh kể về văn hoá và lịch sử của người Việt Nam, tại vì em chính là người Việt. Nhưng em không chấp nhận cách suy nghĩ và các phong tục lạc hậu trong văn hoá và lịch sử dân tộc của mình một cách mù quáng. Đối với em, nguồn gốc của mình không phải là một giáo đạo mà mình nhiệt tình ôm chặt, hay chăm chú nâng cao. Vì làm như vậy em không bao giờ có thể tìm hiểu nó, hỏi nó, hay xem nó là một phần linh hồn quốc gia của mình. Em là một con ngưòi không ngừng thay đổi, và sự hiểu biết cội nguồn của mình cũng càng ngày càng biến đổi theo.

Em muốn nói là identity của em và cách nhìn về nguồn gốc này đã biến đổi. Khi em bắt đầu viết bài văn này, em phát hiện trong tiếng Việt không có chữ identity để có thể diễn tả những gì em muốn nói. Em không dùng tiếng Việt không có nghĩa là em không biết dùng từ điển, mà vì em thật sự cảm thấy tiếng Viết không hình dung được những cảm hứng, những cảm xúc mà em muốn phát biểu. Đối với em, identity không phải chỉ là lý lịch, nguồn gốc của mình, không phải chỉ là quê hương, nơi sinh, mà bao gồm tâm lý, suy nghĩ về chính mình. Identity là sự nhận thức mình là người như thế nào. Đấy chính là Vietnamese-American identity của em.

Khi em hỏi cả nhà của mình làm sao dịch chữ này ra tiếng Việt, họ hầu như không hiểu em muốn nói gì. Em không phải nói đến identity trong thẻ căn cước – em muốn miêu tả hoàn toàn đời sống tâm lý của mình. Cội nguồn chỉ hướng về quá khứ của em thôi, nhưng identity có khả năng bao gồm hiện tại và tương lai. Ba của em giải thích là tiếng Việt không có từ này, và ông còn bổ sung là identity của một người Việt không bao giờ thay đổi.

Nhưng em không đồng ý. Có lẽ đấy là sự khác biệt giữa hai văn hoá cách nhau 13 nghìn kilômet về mặt ngôn ngữ và ý nghĩ, sinh hoạt và cách sống. Chắc ba em muốn nói là em lúc nào cũng là người Việt Nam, và ông không hiểu làm sao em có thể thay đổi nguồn gốc của mình được. Nhưng em đâu có nói nguồn gốc của mình đã thay đổi, em chỉ muốn nói cách nhìn của em đối với cội nguồn này đã thay. Có lẽ đối với người sinh đẻ ở Việt Nam như ba má em, identity của họ không thay đổi nhiều vì họ sinh sống nửa cuộc đời ở một chổ. Nhưng đối với em, một người sinh ở Việt Nam và trưởng thành ở nước ngoài, thái độ và quan niệm đối với cội nguồn của mình không ngừng biến thay. Sự hiểu biết của ba chữ “Mỹ gốc Việt” trong cuộc đời em giống những luồng nước trong biển Thái bình dương, mãi biến đổi và mãi trôi chảy, ngày càng trở thành sâu sắc hơn.

Làm một người Việt trong xã hội Mỹ không phải là một việc dễ dàng. Đồng thời em bắt đầu nhận được ý nghĩa của ba chữ "Mỹ gốc Việt", thì em phát hiện đấy là một ý nghĩa rất khó nắm. Đối với thế hệ thứ hai của em, làm một người Việt ở Mỹ nghĩa là mình phải mãi tìm hiểu cội nguồn của chính mình. Làm một người "Mỹ gốc Việt" càng khó hơn. Ba chữ này biểu thị giữa hai thế hệ đã đã xuất hiện một khoảng cách không chỉ về ngôn ngữ, mà còn về cách suy nghĩ và sự hiểu biết văn hoá lịch sử Việt Nam. Vì vậy, có nhiều thanh niên Mỹ gốc Việt đã không đuổi theo khái niệm khó nắm này. Họ thà tự kêu mình là người Mỹ gốc Việt và không hiểu nó có y nghĩa như thế nào, vì nói ra ba chữ này rất dễ. Nhưng tìm hiểu ba chữ này, đối với em, có lẽ sẽ phải dùng nguyên cuộc đời. Bởi vậy, thế hệ thứ hai của “Mỹ gốc Việt” không chỉ có trách nhiệm tìm hiểu cội nguồn của mình, mà còn phải duy trì cội nguồn này cho đến thế hệ kế tiếp.

Rốt cuộc, em nhìn nhận mình không phải là người Mỹ chính cống cho dù em trưởng thành ở Mỹ, em là một người Việt. Nhưng em cũng không phải là người Việt Kiều, vì việc này em có thể điều khiển được. Nếu có cơ hội về Việt Nam một lần nữa, em sẽ dùng đôi mắt một người Việt-Mỹ để khám phá mạnh mẽ những lớp cội nguồn của mình. Nếu em là người Mỹ chính cống, em tự hào với 200 năm lập quốc. Người Mỹ thực sự là một dân tộc văn minh nhất thế giới. Nhưng với dân tộc Việt Nam có 4000 năm văn hiến – 1000 năm bị đô hộ bởi người Trung Quốc, 100 năm bị đô hộ bởi người Pháp, 20 năm nội chiến hàng ngày – mà dân tộc này vẫn không bị ai đồng hóa được, có chăng chỉ là tiếp thu cái mới. Người Mỹ tự hào họ là một “melting pot.” Nhưng em nghĩ hiện giờ em đang ở trong cái nồi đó, khó mà làm em nóng chảy được, tại vì em là một người Việt Nam chính cống. Tinh thần dân tộc của em và thế hệ mai sau sẽ cũng hãnh diện để bảo tồn nền văn hoá dân tộc của mình. Trong tương lai nếu trình độ hiểu biết của em có đạt tới đỉnh cao, em có bổn phận đóng góp cho nước Mỹ (em là người Mỹ) và cả thế giới, trong đó có nước Việt Nam thân yêu của em.

Nguyễn Thiên Ngọc (Theo TOM IIR's blog)